Đồng dao

27/05/2012 03:20 GMT+7

Ngày xưa, và cả những ngày chưa xa lắm, nếu ai sinh ra từ nơi thôn dã chắc hẳn đã được đắm mình trong không gian của cỏ nội hương đồng cùng những khúc đồng dao một thời thơ ấu.

Ở đó dưới bóng râm đầu ngõ, có người mẹ nắm lấy hai bàn tay con trẻ, vừa kéo như xay lúa vừa hát: “Cút kít dùng dằng, mẹ Rằng đi chợ, mẹ Rớ ở nhà, đúc bánh chà là, để cha thằng Cậu, thả trâu ăn lúa, thả ngựa ăn khoai...”.

Ở đó có người cha ngồi trên bộ ngựa, cho đứa con lên ba đứng trên hai bàn chân rồi nhấc lên nhấc xuống theo nhịp hát: “Cất rớ cất rớ, được mớ cá căn, đem vô kho ăn, chạy ra cất rớ”.

Cứ thế, đứa trẻ lớn lên cùng những bản đồng dao. Lon ton ra cổng làng, trẻ chơi ú tim cùng lũ nhóc trong xóm, tiếng hát, tiếng hú gọi nhau rập ràng náo động cả buổi trưa hè. Lớn thêm chút nữa, trẻ cưỡi trên lưng bò, dong ra bãi làng chơi với đám mục đồng. Có thể nói những bãi, những trảng, những gò chăn thả ấy chính là những chiếc nôi của đồng dao và những trò chơi dân gian. Mặc cho lũ bò đang tha thẩn gặm cỏ non hay chọi nhau túi bụi, bọn trẻ vẫn túm tụm, say sưa cùng những trò chơi. Và khi chiều xuống, khúc đồng dao gọi nghé văng vẳng trên cánh đồng chiều sao mà thắm thiết, yêu thương đến thế: “Ơi con bê nhỏ, lạc bầy theo chó, lạc ngõ theo trâu, nghe mẹ rống đâu, đâm đầu mà chạy. Bê... ê à… là con nghé bê bê... ê a…”.

Vậy đó, đồng dao song hành cùng trẻ thơ trong vai trò là những người bạn nhưng đồng thời cũng là người thầy gần gũi đầy kinh nghiệm. Lời đồng dao là những bài học thường thức về ngôn ngữ, về thế giới xung quanh, nhiều khi là những bài ngụ ngôn dạy trẻ biết yêu ghét, biết khen chê, biết ứng xử trong cuộc sống. “Bà còng đi chợ trời mưa, cái tôm cái tép đi đưa bà còng, đưa bà đến quãng đường cong, đưa bà về tận ngõ trong nhà bà, tiền bà trong túi rơi ra, tép tôm nhặt được trả bà mua rau”, có bài giảng đạo đức nào nhẹ nhàng mà thấm thía hơn thế? Bên cạnh đó, thanh điệu và tiết tấu trong đồng dao là những bài vỡ lòng về thực hành âm nhạc, những động tác trong trò chơi kết hợp có tác dụng rèn luyện các kỹ năng vận động cho trẻ. Và như thế, đồng dao như một mạch nguồn trong vắt âm thầm chảy vào hồn trẻ để góp phần làm nên nền tảng vững bền cho nhân cách sau này.

Thế nhưng cùng với số phận của các thể loại dân ca khác, ngày nay đồng dao gần như đang trên đà... “tuyệt tự” vì không có bài bản mới nào tiếp tục được khai sinh, còn những bài bản cũ thì không tìm được không gian diễn xướng tự nhiên như ngày xưa.

Có cách gì bảo tồn được ít ra là “hồn cốt” của đồng dao trong tâm thức của người Việt ở những thế hệ sau này? Thiết nghĩ sẽ không quá muộn nếu chúng ta tiến hành đồng thời những giải pháp: sưu tầm; sáng tác mô phỏng; cải biên trò chơi; dạy hát đồng dao (chủ yếu là ở trường học); tăng cường hoạt động biểu diễn… Giữ được đồng dao là bảo tồn được vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng trong tâm hồn và nuôi dưỡng tâm thức nguồn cội cho các thế hệ mai sau.

Phan Văn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.