Khoảng trống

29/05/2012 10:45 GMT+7

Phía sau thành công của họ là sự trống vắng trong tình yêu, thiếu tình cảm của người thân và một mái ấm gia đình.

Mỗi lần về quê, tôi thường ghé thăm thím Tư. Thấy tôi, thím than thở: “Con còn biết về thăm gia đình chứ con Ánh nhà này thì đi biền biệt. Mỗi năm nó chỉ về nhà đúng một lần. Đã vậy, thím vẫn không nghe nó nhắc đến chuyện chồng con”.

Quên cả người thân

Mỗi khi nhắc đến chị Dương Thị Minh Ánh, con gái đầu lòng của mình, thím Tư lại buồn. Không buồn sao được khi cả năm trời chị chỉ gọi điện về thăm thím và các em có vài lần. Ngoài số tiền định kỳ gửi cho gia đình, chị luôn tất bật với công việc. Ngày trước, cả xóm tôi ai cũng nể chị vì thành tích đậu một lúc 3 trường đại học.

 Khoảng trống
Minh họa: Nguyễn Tài


Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM chuyên ngành ngoại ngữ, chị nhanh chóng tìm được chân phiên dịch cho một công ty nước ngoài. Để có thêm tiền phụ giúp gia đình, đêm đêm chị còn đi dạy ở các trung tâm Anh ngữ. Những lúc thấy thím Tư nhận tiền chị gửi về, mẹ tôi nói: “Con Ánh học hành đàng hoàng, lại kiếm được nhiều tiền, chắc là chú thím vui lắm”.

Từ ngày chị Ánh đi làm, cuộc sống gia đình thím Tư cũng không còn vất vả như trước. Thím không còn nấu rượu, nuôi heo, nuôi gà. “Nhưng từ khi kiếm được nhiều tiền, nó ít về thăm nhà. Những dịp lễ lạt, ai cũng về quê, còn nó chỉ gửi quà. Ngay cả ngày Tết, nó chỉ về thăm nhà đúng 2 ngày rồi tất bật trở lên đi làm”- thím Tư bùi ngùi. Nhưng có lẽ đau lòng nhất với thím là khi chú Tư mất, chị Ánh cũng không thể về để chịu tang vì lúc ấy chị đang đi công tác ở nước ngoài.

 

Cân bằng giữa công việc và gia đình

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, Công ty Tâm lý Trẻ, cho rằng: “Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta quá chú trọng vào công việc mà quên đi tình yêu, gia đình và những người thân xung quanh. Yêu công việc, làm hết mình vì công việc là tốt nhưng chúng ta cũng nên cân bằng giữa công việc và gia đình. Biết rằng đằng sau mỗi thành công trong sự nghiệp đều luôn mang lại cho ta nhiều vẻ vang nhưng sự vẻ vang ấy sẽ không còn ý nghĩa nếu chúng ta không có sự hưởng ứng, sẻ chia của những người thân trong gia đình”.

Đánh mất hạnh phúc

Những lần anh tôi tổ chức họp mặt bạn bè ở nhà, mọi người thường tranh nhau kể về thành tích học tập của con cái. Duy chỉ có anh Nguyễn Duy Kiệt ngồi im không bàn đến đề tài này. Ngoài 50 tuổi và hiện là chủ một nhà hàng tại quận 1- TPHCM nhưng anh vẫn chưa vợ, chưa con. Thấy bạn bè thắc mắc về chuyện vợ con, anh cười nói: “Tại số mình nó vậy”.

Anh Kiệt trước đây là giáo viên dạy tiểu học. Thời ấy, anh yêu một cô giáo trẻ cùng trường. Những tưởng hai người sẽ tiến tới hôn nhân nhưng anh cứ lần lữa mãi vì sợ rằng cuộc sống còn khó khăn, trong khi đồng lương giáo viên quá ít ỏi không thể nuôi được vợ con. Rồi anh nhất quyết bỏ nghề giáo lên TPHCM mở quán cơm bình dân trên đường Trần Đình Xu, quận 1.

Nhờ nấu ăn ngon nên khách ngày càng đông. Từ một mặt bằng thuê mướn, anh đã mua hẳn quán, tiếp tục nâng cấp thành nhà hàng khang trang. Anh còn mua được nhà riêng. Khi đã giàu có, anh trở về quê định tìm người yêu cũ bàn chuyện cưới xin nhưng cô giáo ngày xưa đã đi lấy chồng. Từ đó, anh chỉ nghĩ đến công việc.

Kết quả khảo sát 2.567 nhân viên, chuyên viên quản lý từ 30 đến 60 tuổi tại 325 doanh nghiệp, cơ quan, văn phòng đại diện nước ngoài tại TPHCM của Trung tâm Tư vấn Gia đình Việt trong tháng 4-2012 cho thấy có đến 1.245 người vẫn còn “độc thân vui tính” hoặc đã một lần đổ vỡ. Bà Nguyễn Thị Thạch Thảo, chuyên viên tư vấn của trung tâm, nhìn nhận: “Có nhiều lý do để người ta chọn sống độc thân nhưng đáng chú ý nhất là hơn một nửa trong số ấy nghĩ rằng mình tài giỏi; điều đó khiến những người muốn ngỏ lời cũng e dè, không dám bước tới”.

Theo Người Lao Động

>> Con bướng bỉnh, cha mẹ thất kinh
>> Để trẻ chậm nói thành... nhanh nói
>> Ngôi sao không còn may mắn
>> Xuân tình nguyện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.