Chuyện tình của trung úy... nhà giàn

31/05/2012 03:00 GMT+7

Người lính đi biển xa làm nhiệm vụ để lại người vợ trẻ ở nhà "gõ đầu trẻ". Mỗi năm gặp nhau một lần vỏn vẹn 30 ngày phép, chưa ấm chỗ lại phải chia xa.

Người lính đi biển xa làm nhiệm vụ để lại người vợ trẻ ở nhà "gõ đầu trẻ". Mỗi năm gặp nhau một lần vỏn vẹn 30 ngày phép, chưa ấm chỗ lại phải chia xa.

Chuyện tình của trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Việt Dũng, nhân viên cơ yếu nhà giàn DK1/2 Vùng 2 Hải quân và cô giáo Trịnh Thị Hường ở thôn Hoàng Nông, xã Lô Giang, Ðông Hưng, Thái Bình là một điển hình cao đẹp về tình yêu người lính thời bình.

Gặp gỡ bất ngờ

 Chuyện tình của trung úy... nhà giàn 1
Nhà giàn DK1, nơi chú rể Nguyễn Việt Dũng công tác - Ảnh: Mai Thắng

Bây giờ Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Việt Dũng đã là bố trẻ con, nhưng mỗi lần ai hỏi về chuyện tình lãng mạn của anh với cô giáo trên chuyến xe buýt ngày ấy, Dũng luôn tự hào hãnh diện: “Lính nhà giàn không tài tán nhưng được cái... đẹp trai. Không ngờ cuộc gặp gỡ bất ngờ trên chuyến xe ngày ấy lại cho mình một người vợ đẹp người, đẹp nết. Bây giờ mình đi biển yên tâm rồi. Vợ gửi ông bà già coi hộ, sau những ngày ở biển, về cứ như mới”.

Hơn 3 năm về trước, trên chuyến xe buýt từ Thái Bình đi Hải Phòng thăm đồng đội, anh lính trẻ nhà giàn DK1 về quê nghỉ phép tình cờ gặp cô nữ sinh Trường CĐ Thái Bình ngồi cùng băng ghế. Ánh mắt dịu dàng của cô sinh viên đã làm trái tim Dũng thổn thức. Làm thế nào để làm quen cô gái này mà xe buýt thì chuẩn bị dừng bánh? Ðánh liều, Dũng “tán”: “Em về đâu? Em ở Thái Bình à?”. Cô gái e lệ chẳng nói gì vì bất ngờ, chỉ cười. Dũng “trổ nghề”: “Anh là bộ đội Hải quân ở biển xa về quê nghỉ phép, anh phải xuống trạm xe buýt gần tới này. Cho anh xin số điện thoại của em đi, trái đất xoay tròn, biết đâu mình sẽ gặp nhau”. Cô gái cho Dũng số điện thoại như miễn cưỡng. Ðúng lúc đó thì xe buýt dừng. Dũng nhảy xuống, nhưng rồi phải bắt xe ôm đuổi theo để xin lại số điện thoại vì ghi thiếu một số, nhưng xe buýt đã chạy khá xa không kịp nữa.

Bốn ngày sau, người dì ruột của Dũng sang nhà chơi và ngỏ ý giới thiệu cho Dũng một cô mà bà đã “nhắm” cho cháu mình từ trước. Dũng bảo: “Cháu là lính nhà giàn xa nhà biền biệt, ai lấy bộ đội là thiệt thòi và đợi chờ lâu đấy”. Người dì của Dũng bảo: “Thì mày cứ đi, không ưng thì thôi, lỗ lãi gì đâu”. Dũng tặc lưỡi: “Ừ thì đi”.

Một sự tình cờ ngẫu nhiên như ông trời sắp đặt, cô gái mà người dì giới thiệu chính là cô nữ sinh trên xe buýt tuần trước. Dũng gãi đầu gãi tai, còn cô gái bẽn lẽn quên cả mời khách vào nhà. Bốn mắt nhìn nhau, họ chẳng biết bắt đầu từ đâu và nói gì dù rất muốn nói một điều gì đó.

Họ yêu nhau từ đó. Ngày Dũng tạm biệt người yêu trở lại Vũng Tàu ra biển xa làm nhiệm vụ, Hường theo sau chẳng nói gì. Bởi cô hiểu tình yêu cô dành cho Dũng bằng cả trái tim, gấp triệu lần lời nói. Cầm bàn tay nhỏ nhắn của Hường, Dũng nói lời tạm biệt: “Thời gian như mũi tên bắn, nhưng là thước đo chung thủy. Anh đi nhà giàn 2 năm mới về, hãy đợi anh về em nhé”. Hường chẳng nói được lời nào, giọt nước mắt rưng rưng trào ra.

 Chuyện tình của trung úy... nhà giàn 2
Đám cưới của Dũng và Hường có thêm niềm vui là đồng đội đến dự - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tân hôn ôm gối một mình

Sau hơn một năm yêu nhau qua thư, Dũng và Hường quyết định tổ chức đám cưới vào ngày 24 tết năm 2008. Ngoài nhà giàn DK1 lúc đó là mùa biển động, sóng to gió lớn bất thường. Theo thư của gia đình gửi ra từ Thái Bình, ở nhà đã mua sắm đầy đủ. Áo cưới chú rể đã may sẵn, chỉ chờ chú rể về là ăn hỏi và cưới như đã định ngày.

Ðùng một cái giông bão ập đến. Toàn bộ khu vực biển DK1 nổi sóng cấp 6, cấp 7, tàu không thể thả xuồng đón các chiến sĩ về đất liền được. Ngày cưới đã cận kề mà chú rể thì vẫn làm nhiệm vụ trên biển xa. “Lúc đó em như ngồi trên đống lửa. Sóng càng to em càng thương vợ hơn. Nếu không về kịp ngày cưới thì cô ấy sẽ thế nào? Giải thích ra sao với bạn bè và hai bên gia đình”, Dũng tâm sự.

Trong khi ở biển xa, Dũng và đồng đội của anh chống chọi với sóng gió, thì ở quê nhà hai bên gia đình mòn mỏi đợi chờ. Họ không biết chuyện gì đã xảy ra với Dũng. Ngày cử hành hôn lễ không thể hoãn lại, đành phải tổ chức đám cưới lấy ngày. Hường vẫn mặc áo cô dâu, tay ôm hoa hạnh phúc sánh bước bên bạn bè và người thân. Nước mắt Hường giàn dụa tủi thân, Hường không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng cô vẫn tin vào tình yêu Dũng đã dành cho trong suốt những ngày tháng cô hy sinh chờ đợi. Bước lên xe hoa mà lòng khắc khoải, nhưng Hường lại thấy tự hào vì sự hy sinh của mình cao đẹp và chính đáng. Làng trên xóm dưới bàn tán xôn xao đến xem đám cưới không chú rể. Từ trước tới giờ, ở cái làng quê yên bình ấy chưa hề có “sự cố” này. Ðêm tân hôn, cô dâu ôm gối tủi thân, ngủ lại nhà chú rể một đêm, sáng hôm sau về nhà mẹ đẻ.

Ngoài biển khơi gió mạnh thành bão. Biết sóng gió không giảm, đơn vị quyết định đưa người xuống tàu bằng dây ròng rọc. Dũng và ba đồng đội của anh mặc áo phao nhảy xuống biển lần theo dây bơi ra tàu HQ-624. Tàu HQ-624 tăng tốc hướng đất liền thẳng tiến đến chiều tối 27 tết thì cập cảng Hải đội 811. Dũng gọi điện về quê thông báo tình hình, lúc đó hai bên gia đình mới vỡ lẽ. Anh tức tốc mua vé tàu về bắc nhưng không kiếm đâu ra vé chiều 27 tết, đành mua vé “chợ đen” cao gấp hai lần.

Bến xe Ðông Hưng - Thái Bình trưa 30 tết chỉ còn sót lại những hành khách cuối cùng. Hường đón “chồng” trong tâm trạng xúc động vỡ òa muốn khóc. Họ ôm chầm lấy nhau trước sự ngạc nhiên của những người chung quanh…

Thời gian như mũi tên bắn đi, thấm thoát đã hơn một năm kể từ ngày chia tay vợ ở bến xe tỉnh nhà chiều ấy. Trung úy Nguyễn Việt Dũng được đơn vị cho nghỉ 30 ngày phép để cưới vợ. Anh gọi điện cho bố mẹ thông báo “Con đã vào đất liền rồi, lần này chắc không phải cưới hụt nữa đâu”. 

Hôm gặp tôi ở phòng chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Dũng vui mừng khấp khởi nói với tôi khi anh cầm quyết định được chuyển công tác về Hải Phòng cho gần vợ con.

Mai Thắng

>> Những người lính nối đất liền với đảo xa
>> Những người lính giữ biển
>> Kỷ niệm 20 năm thành lập cụm nhà giàn DK1
>> Đặc nhiệm “lính xuồng” đại dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.