Kim Cương tạ ơn đời

31/05/2012 03:30 GMT+7

Dù đã hơn 10 năm ở ẩn, NSND Kim Cương vẫn tái ngộ khán giả bằng một live show hoành tráng mà chính bà cũng không ngờ.

Không ngờ, bởi thật sự bà đâu có chủ ý làm. Nhưng rồi bà được phong danh hiệu NSND và lại được Sở Văn hóa - Du lịch - Thể thao TP.HCM mời diễn trích đoạn Lá sầu riêng cho thủ tướng cùng các vị lãnh đạo xem. Sau đó bà nhận được một cú điện thoại của người bạn thân: “Chị là nghệ sĩ của nhân dân, không lẽ nhân dân không được coi chị diễn!”. Thế là Kim Cương… mất ngủ. Bà cảm động lẫn ưu tư vì lời nói thiệt tình của khán giả. Cuối cùng, ở tuổi 75, bà cố gắng lên sàn diễn để nói lời “tạ ơn cuộc đời”.

 Kim Cương tạ ơn đời 1
NSND Kim Cương - Ảnh: H.K

Bà tạ ơn người mẹ là NSND Bảy Nam đã hy sinh cho con gái, chấp nhận làm vai phụ để đẩy Kim Cương lên trong hàng loạt vở. Có thể nói đây là một “đôi bạn diễn” cực kỳ ăn ý, trong đó bà Bảy Nam làm bệ phóng cho Kim Cương lên đỉnh vinh quang. Cho nên, Kim Cương chọn ngày diễn 6, 7, 8.8.2012 tại Nhà hát TP.HCM cũng là gần ngày giỗ má. Kim Cương còn tạ ơn khán giả đã nuôi sống mình suốt mấy chục năm, ăn hạt cơm sân khấu là có tiền vé của khán giả. Bà tạ ơn cả những nghệ sĩ đồng nghiệp lẫn các anh công nhân, hậu đài đã lặng lẽ đứng sau cánh gà biết bao cực nhọc. Bà cũng tạ ơn nhà nước đã không quên nghệ sĩ, trao tặng danh hiệu cao quý cho bà. Bà rơm rớm nước mắt: “Sân khấu đâu chỉ có mình tôi, mà có sự góp sức của nhiều người”. Cho nên trong chương trình sắp tới, sẽ có những đoạn phim về nghệ sĩ Vân Hùng, Ngọc Đức, Túy Hoa, bà Năm Sa Đéc… và bà mời cả những anh công nhân năm cũ về chung vui cho trọn vẹn nghĩa tình.

 Kim Cương tạ ơn đời 2
Kim Cương (vai cô Diệu) và Vân Hùng (vai thầy giáo Hoàng) trong vở Lá sầu riêng - Ảnh chụp từ tư liệu gia đình

Thật sự những người năm cũ giờ đã vắng bóng, nên Kim Cương phải chọn lớp nghệ sĩ mới cùng diễn. Chẳng hạn NSƯT Hữu Châu, Bảo Anh, Diễm Kiều, Xuân Thùy, Lương Thế Thành, Minh Nhí, Duy Trường… cùng các ca sĩ Ánh Tuyết, Cẩm Ly, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng… Bà mong NSƯT Thành Lộc sẽ đảm nhận vai trò người dẫn chuyện, vì ngày xưa Thành Lộc từng đóng vai cậu bé Sang trong Lá sầu riêng, và anh là người rất am hiểu kịch Kim Cương. Phải “hiểu” như thế để dẫn chuyện một cách cảm động và thuyết phục. Và người viết kịch bản chương trình chính là nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, cũng “hiểu” và gắn bó với Kim Cương y như vậy.

Quả tình cái chất kịch Nam bộ của đoàn Kim Cương có lẽ không ai qua nổi. Màu sắc ấy, phong cách ấy đã định hình cho một vùng đất, với những câu chuyện tình cảm gia đình, tình mẹ con, nhân nghĩa, trung hiếu, và đặc biệt là đầy nước mắt. Nói tới kịch Kim Cương là nghĩ tới nước mắt, nhưng khóc rồi lại sống tử tế hơn chứ không bi lụy, bế tắc. Vì vậy, lần này bà đã chọn hai trích đoạn tiêu biểu nhất đã làm nên vinh quang của bà là Lá sầu riêng và Trà hoa nữ. Tôi còn nhớ những vai khác cũng hay không kém là cô Bích (vở Dưới hai màu áo), Tania (vở Tania), người mẹ (Nhân danh công lý), dì Tư (Bông hồng cài áo)… nhưng Kim Cương cười lắc đầu: “Sức tôi chỉ diễn nổi hai trích đoạn. Những vở còn lại chắc sẽ có lớp trẻ kế thừa. Cho nên tôi đã đồng ý cho Nhà xuất bản Phương Nam in tập kịch bản gồm 3 vở, sau này nếu có dịp thì in thêm. Và tôi giao phó “số mạng” lần này cho đạo diễn Vũ Minh cùng Hữu Châu, Dũng Pro lo liệu tất cả”. Bà đã hết lòng tin cậy lớp trẻ.

Hoàng Kim

>> Live show đầu tiên của NSND Kim Cương
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca
>> Những nghệ sĩ không "sao": Bỏ chồng, không bỏ nghề

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.