Quyền lợi của dân... đứng sau

30/05/2012 03:40 GMT+7

Lãng phí, thất thoát, thua lỗ gây mất hàng trăm ngàn tỉ đồng ở các tập đoàn - tổng công ty nhà nước đang là vấn đề nóng nhất trên nghị trường hiện nay. Trong khi tiền thuế của dân không được giám sát chặt chẽ, bị tiêu xài hoang phí thì việc miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho người dân, quyền lợi của dân trong nhiều vấn đề vẫn đứng sau hoặc không được nhắc tới.

Lạm phát, lãi suất cao, chi phí đầu vào tăng vọt... đã đẩy hàng loạt doanh nghiệp (DN) tới phá sản, nền kinh tế rơi vào đình đốn giảm phát. Đó là lý do để Chính phủ thông qua việc miễn, giảm thuế cho DN, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Chưa nói đến "liều lượng" thiếu - đủ nhưng phải khẳng định chính sách này là hết sức đúng đắn và thiết thực. Quan trọng hơn, nó cho thấy Chính phủ, các bộ, ngành đã "nhìn" thấy và thừa nhận thực trạng khốn khó của các DN hiện nay. Tất nhiên, đã "chẩn" ra bệnh thì thuốc nếu chưa đủ liều, sẽ tăng liều.

Trong bổi cảnh đó, người dân cũng bị tác động trực tiếp và nặng nề bởi lạm phát, chi phí tăng cao giống như DN. Thậm chí, cuộc sống của họ còn nặng nề, áp lực hơn bởi còn chịu cảnh tát giá theo xăng, theo điện, theo tin đồn... diễn ra thường xuyên; dịch vụ y tế, giáo dục... cũng tăng vọt; mức lương lỗi thời... Hơn ai hết, hơn bao giờ hết, họ rất cần những chính sách hỗ trợ dù lớn, dù nhỏ. Những chính sách này, ngoài giá trị mang tính định lượng, nó còn thể hiện sự chia sẻ và cũng là mục tiêu "an sinh xã hội" mà Chính phủ đề ra. Nghị trường Quốc hội đang nóng nhưng ít ai nhớ đến việc miễn thuế TNCN cho người dân. Việc miễn thuế TNCN cho người dân lúc này hoàn toàn "thấu tình, đạt lý". Nó cũng là một trong những yếu tố tăng thu nhập cho người dân, phục vụ mục tiêu kích cầu, tháo tồn kho của Chính phủ.

Hay trong điều hành giá xăng dầu, tiêu chí là đảm bảo hài hòa lợi ích của ba bên Nhà nước, DN, người dân. Đó là lý do, xăng dầu thế giới phải giảm giá vài lần, hoặc phải giảm thật mạnh, người tiêu dùng trong nước mới được tính đến. Còn không thì bất chấp việc phản đối, bất chấp kêu gọi sự "sòng phẳng" hay chia sẻ, người dân vẫn cứ phải đợi. Đợi tăng thuế nhập khẩu để đảm bảo nguồn thu. Đợi DN đảm bảo lợi nhuận, mới tới lượt họ. Nhưng ai cũng biết, tăng/giảm giá xăng dầu kéo theo hàng loạt các loại giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ ngay lập tức thay đổi theo, dễ dàng bóp "nghẹt" khoản thu nhập eo hẹp của người dân.

Điều đáng lo ngại hơn chính là giảm niềm tin, là tâm lý bi quan của người dân vào tương lai, nếu chúng ta vẫn tiếp tục "hành xử" theo kiểu quyền lợi người dân đứng sau và rất khó để nói đến kích cầu tiêu dùng, vực dậy kinh tế và đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội như Chính phủ đề ra.

Nguyên Hằng

>> Lỗ hổng tập đoàn, tổng công ty
>> Ngân hàng và doanh nghiệp đợi nhau
>> Sửa luật Thuế TNCN chưa sát thực tiễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.