Nới liều lượng, siết nội dung quảng cáo

31/05/2012 03:36 GMT+7

Sáng 30.5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự luật Quảng cáo (QC). Các quy định về diện tích, thời lượng, chấn chỉnh tình trạng QC sai sự thật... được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm.

Quy rõ trách nhiệm đối với QC sai sự thật

Tiếp thu ý kiến ĐBQH bức xúc với thực trạng nhiều sản phẩm QC có nội dung không đúng chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ, dự luật đã sửa đổi bổ sung nhiều nội dung, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nghĩa vụ của từng đối tượng như: “Người QC phải cung cấp các tài liệu liên quan đến điều kiện QC, đồng thời phải chịu trách nhiệm về các thông tin đó. Người phát hành QC trước khi thực hiện hợp đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện QC mà người QC cung cấp”.

Về việc phân định trách nhiệm đối với sản phẩm QC, dự thảo cũ chỉ quy định trách nhiệm thuộc về người phát hành QC, dự thảo lần này đã bổ sung quy định người QC cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Ngoài ra, người QC cũng chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nội dung QC.

Dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này của Ủy ban Thường vụ QH cho biết đã bỏ quy định diện tích QC trên báo điện tử vì người sử dụng phương tiện điện tử có thể hoàn toàn chủ động tắt, mở các nội dung mình cần. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lựa chọn của độc giả, dự luật đã bổ sung quy định: phần QC cố định không được lẫn vào phần nội dung tin. Đối với QC không cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở. Thời gian chờ tắt hoặc mở QC tối đa là 1,5 giây sau khi nhấp chuột.

Ngoài các nội dung trên, dự luật cũng bổ sung quy định điều chỉnh về QC trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ QC xuyên biên giới có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.

Đối với báo in, theo dự luật, diện tích QC không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc vượt quá 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí trừ báo, tạp chí chuyên QC; phải có dấu hiệu phân biệt QC với các nội dung khác. Cơ quan báo chí có nhu cầu QC được phép ra phụ trương QC. Báo nói, báo hình được QC không vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng QC trên kênh, chương trình chuyên QC; thời lượng QC trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên QC.

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng đối với các kênh truyền hình quảng bá phục vụ công tác tuyên truyền, thời lượng QC nên để mức 10%. Còn với truyền hình trả tiền chỉ nên là 3%, bởi hiện có 70 kênh trả tiền nhưng nội dung phát sóng đến 80% thời lượng là chương trình cũ, nếu quy định thời lượng QC là 5% như dự thảo là chưa công bằng với người xem.

Nới liều lượng, siết nội dung quảng cáo
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) phát biểu thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng

Cần triệt để cấm quảng cáo rượu

Với những nội dung cấm trong hoạt động QC, Ủy ban Thường vụ QH bảo lưu quan điểm cần quy định cấm QC rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng cần cấm triệt để QC rượu, không phân biệt bao nhiêu độ. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) ví dụ: Cách đây chưa lâu có một chương trình nghệ thuật mang tên một nhãn rượu nổi tiếng. Chương trình này được đơn vị quản lý nghệ thuật cấp phép. Thế nhưng khi báo chí đưa tin về chương trình nghệ thuật này lại bị nhắc nhở vì có tên nhãn rượu trong tên chương trình. “Nên cấm hẳn việc dùng tên sản phẩm rượu hoặc mặt hàng bị cấm QC để đặt tên cho các chương trình. Có như thế mới đảm bảo tính nhất quán của pháp luật”, ĐB Trang đề nghị.

Một số ĐB đề nghị cần bổ sung quy định cấm QC sữa cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi, cân nhắc hành vi QC để làm từ thiện của doanh nghiệp nhưng trong thực tế không phải như vậy… Đối với cơ quan quản lý nhà nước về QC, vẫn còn những ý kiến khác nhau. ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng, nên giao Bộ Thông tin - Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước vì hơn 80% thị phần QC hiện nay được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện điện tử, thuộc trách nhiệm quản lý của ngành này.

Trong khi đó, các ĐB Lê Hữu Phước (Bình Dương), Nguyễn Thị Hồng Hà (TP.Hà Nội), Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh), Hà Minh Huệ (Bình Thuận) lại nhất trí với dự thảo luật là giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.

Không được gửi quá 3 tin nhắn - thư điện tử QC/ngày

Trước thực trạng các nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông gửi tin nhắn, thư điện tử QC quá nhiều, gây phiền hà cho người sử dụng dịch vụ điện thoại, dự luật lần này đã sửa đổi, bổ sung quy định việc thực hiện QC bằng hình thức gửi tin nhắn, thư điện tử QC chỉ được thực hiện đối với những khách hàng trước đó đã thực hiện giao dịch và những đối tượng khác chủ động đăng ký nhận QC, không loại trừ nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định số lượng tin nhắn được phép gửi đến một số điện thoại, thư điện tử trong vòng 24 giờ là không quá 3 tin nhắn hoặc thư điện tử.

>> Phạt đến 20 triệu đồng nếu tăng giá quá mức
>> Cần thay đổi các quy định quảng cáo đã lạc hậu

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.