(TNO) Một cháu bé 18 tháng tuổi được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi nặng và điều trị thuốc kháng sinh, cho thở oxy 7 ngày vẫn không hết. Cuối cùng các bác sĩ mới phát hiện ra bé bị… mắc hạt bí.
Ngày 1.6, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết Khoa Hô hấp chuyên sâu của bệnh viện vừa tiếp nhận cháu P.Đ.D, 18 tháng, được chuyển đến từ bệnh viện tỉnh với chẩn đoán viêm phổi nặng.
Bé nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng khó thở, kèm theo tiếng thở rít thanh quản. Chụp phim X-quang cho thấy bé bị ứ khí nhiều ở 2 phổi.
|
Được biết, 12 ngày trước khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2, bé bị ho và được mẹ đưa đi khám ở bệnh viện huyện. Tại đây, các bác sĩ đã chụp X-quang ngực cho bệnh nhi nhưng không phát hiện gì bất thường.
Bé D. được điều trị tại bệnh viện huyện 3 ngày nhưng tình trạng ho kèm theo suy hô hấp ngày càng nghiêm trọng. Bé tiếp tục được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh. Tại đây, bé D. được các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi nặng, phải điều trị với thuốc kháng sinh và thở oxy. Tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Khi bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ nghi ngờ có khả năng bị dị vật đường thở nên quyết định nội soi phế quản. Kết quả phát hiện một hạt bí trong đường thở của bé.
Sau khi lấy được dị vật, tình trạng khó thở của bé đã cải thiện rất nhanh.
Hiện tại, bệnh nhi còn phải tiếp tục điều trị viêm phổi do hạt bí nằm trong đường hô hấp của bé quá lâu gây ra.
Qua đó, bác sĩ lưu ý phụ huynh hết sức cẩn thận khi cho bé ăn các loại hạt, trái cây có hạt, thịt cá có xương. Trong những trường hợp viêm thanh quản kéo dài trên 1 tuần không đáp ứng với điều trị ở trẻ nhỏ phải nghĩ đến dị vật đường thở bỏ quên, dù không ghi nhận hít sặc trước đó.
Nguyên Mi
>> Trẻ nhiễm khói thuốc có thể gặp vấn đề hô hấp kéo dài
>> Nhiệt độ cao, bệnh hô hấp tăng
>> Ung thư vì… hạt sapôchê
>> Trẻ dễ bị tai nạn dịp Tết
>> Bất cẩn nhỏ, tai nạn lớn
Bình luận (0)