Theo đó, việc sử dụng sai nguồn vốn bao gồm chi vượt mức thực tế cho các dịch vụ tại chỗ, các hợp đồng dịch vụ đáng nghi vấn, chênh lệch giữa sổ sách của dự án và mức chi được ủy quyền. Theo The Copenhagen Post, lượng vốn bị sử dụng sai mục đích vẫn đang được điều tra, nhưng có thể lên tới 3,3 triệu kroner (khoảng 11,5 tỉ đồng). Bộ trưởng Bộ Phát triển Đan Mạch Christian Friis Bach đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam hỗ trợ việc điều tra.
Đại sứ quán Đan Mạch cũng cho biết thông tin chi tiết về việc này sẽ được sứ quán công bố vào hôm nay, 1.6.
Ông Lương Văn Thắng, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Khoa học - Công nghệ) xác nhận, năm 2008, Việt Nam ký kết hiệp định hợp tác với chính phủ Đan Mạnh về chương trình thí điểm hợp tác nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu. Ông Thắng cho hay, theo quy trình dự án ODA, Bộ Khoa học - Công nghệ là cơ quan điều phối, còn việc ký kết và các điều khoản được ký kết trực tiếp với cơ quan chủ quản các đơn vị thực hiện. Cụ thể, có 4 dự án bao gồm: “Tác động của biến đổi khí hậu đến biến đổi sử dụng đất và thay đổi sinh kế cộng đồng ở đồng bằng sông Hồng” do ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ quản; dự án “Tạo giống lúa chịu ngập chìm và mặn thích nghi với điều kiện nước biển dâng cho các vùng đồng bằng ven biển” do Bộ NN-PTNT làm chủ quản. Hai dự án: "Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái vùng cửa sông của Việt Nam" và "Đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu đến điều kiện tự nhiên, môi trường và phát triển KT-XH ở trung Trung bộ" do Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam làm chủ quản. Tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại cho 4 dự án trên là hơn 18 triệu kroner (khoảng 62,5 tỉ đồng). Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á được Đan Mạch triển khai chương trình nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trường Sơn - Thu Hằng
Bình luận (0)