(TNO) Đúng 7 giờ 30 phút sáng nay (2.6), học sinh cả nước đã bắt đầu làm bài môn thi tốt nghiệp đầu tiên - môn Ngữ văn (tự luận) - với thời gian làm bài 150 phút.
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, thời tiết buổi sáng sớm tại TP.HCM khá thuận lợi, trời mát, không mưa.
>> Hôm nay gần một triệu học sinh thi tốt nghiệp
>> Ngày 15.6, TP.HCM dự kiến công bố kết quả tạm thời thi THPT
>> Phao thi" tràn lan trước ngày thi tốt nghiệp
>> Thi tốt nghiệp THPT: “Châm chước” cho thí sinh đến trễ hoặc nhầm nơi thi
>> Nhộn nhịp “thị trường” phao thi
>> Dự báo mưa lớn trong 3 ngày thi tốt nghiệp THPT
|
TP.HCM: Không xảy ra ùn tắc
Từ 6 giờ sáng, hầu hết thí sinh (TS) đã có mặt đông đủ tại các hội đồng thi.
Do giờ thi vào buổi sáng sớm và rơi vào thứ 7 nên các tuyến đường tại TP.HCM giao thông khá thông thoáng, không xảy ra ùn tắc gây ảnh hưởng đến việc đi thi của TS.
Đồng thời CSGT cũng đã được bố trí chốt chặn điều tiết giao thông tại các trục đường chính, những khu vực có nhiều hội đồng thi (như trên đường Trường Chinh, đoạn từ ngã ba Hoàng Hoa Thám đến ngã tư Bảy Hiền; đường Cách mạng tháng 8, vòng xoay Lý Thái Tổ…).
Tại Hội đồng thi (HĐT) THPT chuyên Lê Hồng Phong, tranh thủ trước giờ vào phòng thi, nhiều TS tập trung tự ôn bài.
Tuấn Anh (học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5), cho biết: "Học khối A nên em lo nhất môn văn vì kiến thức rất nhiều. Hy vọng sáng nay sẽ làm bài tốt để lấy được bằng tốt nghiệp loại khá".
Môn Văn: Đề thi quen thuộc Nhận xét về đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn, thạc sĩ Triệu Thị Huệ - Tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, cho biết: Đề thi nhìn chung khá nhẹ nhàng. Các câu hỏi trong đề thi đề cập đến nhiều khu vực kiến thức, phù hợp với trình độ của học sinh; đúng với yêu cầu về kiến thức và cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT. Câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học, đề quen thuộc với học sinh nên học sinh ở trình độ trung bình cũng có thể làm được bài. Riêng câu 1 (2 điểm), mặc dù độ khó không cao nhưng hơi dài. Học sinh có thói quen học tủ và nắm không chắc tác phẩm có thể sẽ không trả lời trọn vẹn câu hỏi này. (Nguyên Mi ghi) |
Trong khi đó, Hạnh An (học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang), tự tin: "Em đã ôn bài cẩn thận từ trước. Em đến trường thi từ 6 giờ sáng. Trước khi đi thi, ba mẹ, thầy cô đều dặn dò cứ bình tĩnh làm bài, sẽ đạt kết quả tốt".
Năm nay, TP.HCM có 66.316 thí sinh dự thi (trong đó có 56.092 thí sinh hệ THPT và 10.224 thí sinh hệ GDTX) với tổng số phòng thi là 3.630.
Tại các huyện ngoại thành như Cần Giờ, Củ Chi… trong những ngày thi sẽ có xe đưa rước và ăn trưa miễn phí cho TS.
Riêng tại xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ), sẽ có phà túc trực, dành riêng cho việc chuyển giao đề, bài thi. (Nguyên Mi)
|
Hà Nội: Gọi điện đến nhà nhắc thí sinh đi thi
Sáng 2.6, rất may mắn, cơn mưa lớn kéo dài cả đêm qua đã kết thúc từ 5 giờ sáng, thời tiết Hà Nội mát mẻ thuận lợi cho TS làm bài thi môn văn học.
Từ 6 giờ sáng, lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt tại các nút giao thông để đảm bảo giao thông thông thoáng.
Đa số các TS đều đến trường thi từ rất sớm với tâm lý thoải mái. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Thanh Niên Online vẫn có một số TS đến muộn, quên chứng minh thư.
Tại trường THPT chuyên Hà Nội Amserdam (đường Hoàng Minh Giám, Q.Cầu Giấy), có một TS tên Nguyễn Xuân Trường (lớp chuyên Toán, THPT Chuyên Chu Văn An) quên chứng minh thư nhân dân, phụ huynh phải về nhà lấy. Rất may, phụ huynh vẫn kịp đưa chứng minh thư cho TS trước giờ vào làm bài.
Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (đường Trần Quốc Hoàn, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) điểm thi cụm trường Chu Văn An, Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành, sáng 2.6, có 2 TS vào sau 7 giờ. Tuy nhiên, do chưa phát đề nên 2 TS vẫn được vào thi.
Trước đó, tại Trường THPT Nhân Chính (Q.Thanh Xuân), lúc 6 giờ 30 có khoảng hơn 20 TS đến muộn, phải đứng ngoài, bảo vệ trường kiên quyết không cho vào. Tuy nhiên, rất đông phụ huynh có mặt tại đây đã lên tiếng phản đối, bảo vệ trường phải mở cửa cho các em vào.
Tại hội đồng thi này, hội phụ huynh rất chu đáo là cử người dò danh sách từng TS rồi gọi điện cho từng gia đình xem TS đã đi thi chưa. (Phan Hậu - Thúy Hằng - Đan Hạ)
|
* Sau khi kết thúc môn thi đầu tiên, tại một số hội đồng thi ở Hà Nội "phao thi" xuất hiện nhan nhản ở cổng trường do TS bỏ lại.
|
Tại hội đồng thi Trường THPT Yên Hòa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi nộp bài ra về, nhiều TS đã vứt "phao" môn Ngữ văn trong nhà vệ sinh trường học, dưới bãi cỏ, trước thềm lớp học.
Có mặt tại đây, PV Thanh Niên Online ghi nhận, nhiều TS hồ hởi vì làm được bài. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số TS kháo nhau "quay được không?", "Coi chặt lắm, không mở được tài liệu"...
Trong khi đó, kết thúc môn thi đầu tiên, nhiều TS tại điểm thi Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) rời phòng thi với tâm trạng phấn khởi và cho biết làm bài khá tốt.
Tuy nhiên, PV Thanh Niên Online vẫn thấy có "phao thi" vứt ở cổng trường sau giờ thi.
Ngay sau khi ra khỏi sân trường, nhiều TS tiện tay ném luôn "phao thi" trước cổng trường.
Khi thấy phóng viên chụp ảnh, nhiều TS chủ động nhặt toàn bộ số "phao thi" ném vào thùng rác.
|
Đà Nẵng: Thí sinh thở phào nhẹ nhàng
Tại Đà Nẵng: Có hơn 12.500 TS thi tốt nghiệp THPT và GDTX tại 26 Hội đồng thi (HĐT) với 527 phòng thi, trong đó, có 6 HĐT chung cho thí sinh cả hai khối THPT và GDTX.
Tại những HĐT này, để đảm bảo an toàn và kỷ luật trường thi, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã tăng cường thêm Phó chủ tịch HĐT, cán bộ thanh tra, giám thị coi thi…
Hơn 1.600 cán bộ, giáo viên được huy động làm nhiệm vụ tại các HĐT trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng năm nay.
|
Đà Nẵng đợt này có 8 TS được đặc cách thi tốt nghiệp THPT. 8 TS này đều là HS của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.
Kết thúc môn thi Văn đầu tiên, các TS đều tỏ ra khá vui vẻ với nhận định đề Văn năm nay không quá khó. Rất nhiều TS của HĐT Phan Chu Trinh rời phòng thi sớm.
Câu hỏi số 2 trong đề thi, yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về ý kiến: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội” là câu hỏi mở, nên các TS rất hào hứng với phần trình bày của mình.
“Em rất thích đề thi dạng như vậy vì sẽ giúp mình trình bày được ý tưởng của mình”, TS Nguyễn Văn Huy, HĐT Phan Chu Trinh, chia sẻ.
Thời tiết buổi sáng diễn ra môn thi đầu tiên là khá nóng. (Diệu Hiền)
Quảng Nam: Nhiều TS chọn phân tích thơ
Trong cơ cấu đề thi môn Văn năm nay, ở câu 3 với phần tự chọn phân tích một đoạn thơ trong bài Việt Bắc (Tố Hữu) và phân tích hình tượng văn học trong bài Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân), đa phần các TS tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) đều chọn phân tích thơ.
Đề thi vừa sức nên tại HĐT Trường THCS Lí Tự Trọng (TP.Tam Kỳ), rất nhiều TS ra trước tiếng trống báo hết giờ làm bài khoảng 30 phút.
TS Nguyễn Thị Hà Trang, học sinh Trường THPT Lê Quí Đôn (TP.Tam Kỳ) cho biết: Em tập trung phân tích đoạn thơ, bởi phần thơ khá dễ làm và cho em nhiều cảm xúc hơn.
Cũng theo Hà Trang, đề thi môn Văn năm nay không khó. Trang tự tin vào bài làm của mình với khả năng giải quyết tốt 80% đề ra.
Trong khi đó, nhiều TS khác lại cho rằng, đề thi môn Văn khó nhất ở phần câu hỏi số 2, với yêu cầu phân tích nghị luận xã hội.
TS Phan Văn Lộc, học sinh Trường THPT Lê Quí Đôn nói: Em khá bối rối trước câu 2: Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong đời sống xã hội. Làm câu này, trước hết phải vạch rõ từng luận điểm cụ thể cho nên khá khó với chúng em. (Hoàng Sơn)
Bình Định: "Phao thi" vứt rải rác trước cổng hội đồng thi
Hơn 23.000 TS tỉnh Bình Định dự thi môn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt.
Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, buổi thi đầu tiên tại các hội đồng thi ở TP.Quy Nhơn diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Kết khúc buổi thi này, vẫn có một vài thí sinh vứt "phao thi" khi vừa ra khỏi cổng Hội đồng thi THPT Trưng Vương và THPT Quốc Học.
Tuy nhiên, ngay sau đó có một số phụ nữ nhanh chóng thu gom những "phao thi" này.
|
Các TS tại TP.Quy Nhơn cho rằng tất cả các câu trong đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm nay hay và nằm trong trọng tâm của chương trình học.
Nhiều TS tại TP.Quy Nhơn đã chọn câu 3b vì cho rằng hình tượng sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà được thầy cô dạy rất kỹ và tác phẩm này rất được học sinh yêu thích.
TS Trương Thị Ngọc Lợi, thi tại Hội đồng thi THPT Trưng Vương (TP.Quy Nhơn), cho biết: Hầu hết các TS đều hoàn thành yêu cầu của đề thi trước khi giờ thi kết khúc vì các câu trong đề đều được ôn tập rất kỹ. (Hoàng Trọng)
Cà Mau: Nhiều thí sinh "trật tủ"
Ở môn thi đầu tiên, tại 32 hội đồng thi ở Cà Mau, không có TS nào vi phạm quy chế thi. Nhưng khi được hỏi, nhiều TS cho biết là mình đã “trật tủ”.
TS Ngọc Linh (Hội đồng thi Trường THPT Hồ Thị Kỷ) nói: “Khi ôn, bọn em chỉ tập chung ôn phần tác giả, tác phẩm nhưng đề thi ở câu số 1 lại cho ý nghĩa trong một câu văn của nhà văn M.Sô-lô-khốp. Riêng phần tự chọn, cả hai câu đều không nằm trong “tủ” khi ôn, tụi em ôn tác phẩm Rừng xà nu, thì đề lại cho Người lái đò Sông Đà và Việt Bắc”.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, nhiều TS thuộc Hội đồng thi ở Trường THPT Đầm Dơi (H. Đầm Dơi), Trường THPT Cà Mau, Nguyễn Việt Khái (TP.Cà Mau)… đều trật “tủ” môn Ngữ văn.
Mặc dù trật “tủ” nhưng các TS đều cho biết các em cố gắng làm hết đề.
TS Phúc Vinh vui vẻ nói: “Dù không trúng “tủ” nhưng yêu cầu đề không cao lắm, nên em vẫn làm hết đề. Nhưng đúng, sai thì còn phải xem lại”.
Buổi sáng, sau lễ khai mạc kỳ thi, Cà Mau có mưa to, nhưng mưa chỉ kéo dài khoảng 15 phút. Mưa làm không khí dịu, mát rất thuận lợi cho thí sinh.
Ở môn thi Ngữ văn khối THPT, Cà Mau vắng 7 TS/6.899 TS đăng ký.
Khối GDTX có 1.257 TS đăng ký dự thi, vắng 19 TS, trong đó có 2 TS tử vong vì tai nạn giao thông.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi, Công an tỉnh Cà Mau đã điều động trên 400 chiến sĩ bảo vệ. Trong đó, ban giám đốc cũng quy định rõ, lực lượng tham gia bảo vệ thi nếu vi phạm quy chế thi thì tùy mức độ vi phạm sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm (Gia Bách).
|
Cần Thơ: Không có giám thị và thí sinh vi phạm quy chế
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Quyền Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, trong buổi thi đầu tiên, không có giám thị và TS nào vi phạm quy chế. Hệ giáo dục phổ thông vắng 8 TS (có 2 TS vắng do gặp tai nạn giao thông); hệ giáo dục thường xuyên vắng 34 TS. (Hương Giang)
|
Lịch thi tốt nghiệp 2012 - Hệ THPT
Ngày |
Giờ phát đề |
Giờ bắt đầu làm bài |
Môn thi |
Thời gian làm bài |
2.6 |
7 giờ 25 phút |
7 giờ 30 phút |
Ngữ văn |
150 phút |
14 giờ 15 phút |
14 giờ 30 phút |
Hóa học |
60 phút |
|
3.6 |
7 giờ 25 phút |
7 giờ 30 phút |
Địa lý |
90 phút |
14 giờ 15 phút |
14 giờ 30 phút |
Lịch sử |
90 phút |
|
4.6 |
7 giờ 25 phút |
7 giờ 30 phút |
Toán |
150 phút |
14 giờ 15 phút |
14 giờ 30 phút |
Ngoại ngữ |
60 phút |
Hệ Giáo dục thường xuyên
Ngày |
Giờ phát đề |
Giờ bắt đầu làm bài |
Môn thi |
Thời gian làm bài |
2.6 |
7 giờ 25 phút |
7 giờ 30 phút |
Ngữ văn |
150 phút |
14 giờ 15 phút |
14 giờ 30 phút |
Hóa học |
60 phút |
|
3.6 |
7 giờ 25 phút |
7 giờ 30 phút |
Địa lý |
90 phút |
14 giờ 15 phút |
14 giờ 30 phút |
Lịch sử |
90 phút |
|
4.6 |
7 giờ 25 phút |
7 giờ 30 phút |
Toán |
150 phút |
14 giờ 15 phút |
14 giờ 30 phút |
Vật lý |
60 phút |
TNO
Bình luận (0)