|
Vì vậy anh đã ghi thêm một giấc mơ trên đường hành quân rằng, nằm ở một thôn vắng, anh bỗng thấy mình trở về góc phố quen thuộc ở quê nhà, đi dưới ánh đèn sáng như sao, xa xa có một đám cưới với những chiếc xe Volga giăng đầy hoa chạy tới gần anh trong tiếng pháo nổ: “Rõ ràng là khu phố của mình. Người ngồi trên những chiếc xe đẹp toàn là người quen”. Cô dâu với khuôn mặt trái xoan và đôi mắt bồ câu trông rất hiền, rất đáng yêu trong bộ đồ cưới lộng lẫy: “Ôi nếu không có cái nốt ruồi nhỏ bên tai trái kia thì làm sao mình biết được cô gái ấy là Thanh. Thanh đã đi lấy chồng ư?”. Dường như Thanh nhìn ra anh nên đã rời khỏi xe hoa, bước nhanh về phía anh. “Thanh đã sắp đến đây rồi... mình muốn lánh mặt quá... giá như ở rừng núi hay đèn điện chỉ cần tối một tí, mình dùng thủ thuật trinh sát có thể thoát thân một cách dễ dàng”. Anh viết thế vì anh là sĩ quan trinh sát - cái “nghiệp lính” mà anh gọi là phải “luôn luôn sát nách địch”. Lần này, địch là một cô dâu trong mơ tiến sát anh, làm anh bối rối ngã xoài ra và tỉnh dậy, nghe “bên ngoài trời vẫn gió vù vù, đập vào tàu lá chuối khô lạch phạch” (15.1.1968).
Sau ngày viết những dòng chữ ấy khoảng nửa năm, đơn vị anh di chuyển từ hướng bắc về mặt trận Nam Lào, tiến chiếm phía tây Tà Cơn, tham chiến ở mặt trận nóng nhất của miền hỏa tuyến: “Thầy mẹ ơi! Chắc lúc này thầy mẹ mong thư con lắm nhỉ? Đúng rồi! Đã gần một năm gia đình không có tin tức gì về con cả... con đang đánh nhau ở Khe Sanh”. Và viết cho người yêu: “Hồng Tân thương! Ở chiến trường này, giá như nhận được thư của Tân thì còn gì bằng nữa. Xa và nhớ! Tân có nhớ không? Nhiều lúc muốn viết thư cho em lắm. Song có viết thì cũng không gửi được (vì chả có ai mà gửi cả), toàn là bộ đội với nhau trong những khu rừng tĩnh mịch” (26.6.1968). Qua năm sau, anh nhắc nhiều đến Tân, mong về gặp Tân, sẽ cưới Tân làm vợ: “Chúng ta sẽ có một đứa con. Hoặc là trai, hoặc là gái. Nếu là trai ta sẽ đặt tên là Hồng Việt, Tân nhé. Đó là tượng trưng cho anh và em. Hồng là Hồng Tân còn Việt là Việt Trì quê anh. Còn con chúng ta là gái, em có đồng ý đặt tên là Phương Thanh không? Phương là bí danh của anh, còn Thanh là Thanh Hóa quê em. Em thấy thế nào? Nhất định điều đó sẽ là sự thật đấy” (7.4.1969). Nhưng họ không lấy nhau được và anh chua xót viết: “Vĩnh biệt... mối tình đầu” (2.10.1969) và “Bây giờ Tân đã đi biệt rồi” (8.10.1969)...
Sau này anh nhắc đến Điểm với “ngày nào không gặp em ta nhớ” (22.12.1969). Đến Tố Yên “cô gái ấy hiền như bông lúa” (8.1.1970). Đến Bằng với “một cái hôn đầu tiên đặt lên má em” (3.8.1970). Đến Thanh Phương, Bích Thọ, Hồng Liên... Đầu năm 1971, anh nhận lệnh điều động ra mặt trận Đường 9, di chuyển quân liên tục trên đất Quảng Trị: “Mình và địch cứ ở xen kẽ nhau, gài răng lược. Bom đạn và phi cơ nhiều vô kể. Đã bao nhiêu lần chết hụt vì B52, bom bi và pháo kích rồi. Trên đất Quảng Trị này, mỗi cây rừng bình quân phải chịu năm mảnh sắt thép (bom, đạn và bi). Những đồi tranh bị đốt trơ trụi. Ta đã chín ngày đi ròng rã rồi. Qua dốc Tà Rịt, qua sông Sa Mu. Qua đèo Sô Lít, qua các cao điểm 1001, 784, 919. Qua Alia. Giờ nằm ở gần Tà Púc, động A2 (9.3.1971)”. Động A2 nằm cách căn cứ pháo binh của quân đội Sài Gòn chỉ khoảng 3 cây số. Khi đơn vị tiến đánh vị trí mới, chỉ để lại hai người: Bùi Kim Đỉnh và Yến chốt ở một cái hầm trong khu rừng hoang vắng, chịu đựng hàng tràng đạn 20 ly do trực thăng của đối phương trút xuống từng chập không ngớt. Thoát chết về đến đơn vị, anh viết một lá thư cho người mình yêu Đỗ Thị Thanh Phú:
“Trên chiến trường Đường 9, một buổi trưa không ngủ. Anh thao thức viết cho Phú. Những dòng này không gửi được. Anh nhờ trang giấy để em hiểu được lòng người đi chiến trận. (...) Phú thương yêu! Em hãy nghe tiếng anh vang vọng nhé! Ở đây, nơi mà anh đã nói với Phú từ lá thư trước, là ở chiến trận. Nó cách xa em hàng vạn dặm. Trong các khu rừng nhiệt đới, màu xanh vô tận hầu như bị hủy diệt sạch bởi sắt thép từ các họng pháo phun ra, từ các máy bay dội xuống. Không gian lúc nào cũng rung chuyển bởi tiếng phi cơ, tiếng bom đạn các loại. Những bãi bom B52 dài hàng cây số, đỏ quạch bởi đá sỏi bị cày xới. Bầu trời lúc nào cũng rung lên, muốn nứt ra từng mảnh. Mỗi cây rừng phải găm bên mình bình quân hai hoặc ba mảnh sắt thép. Đấy! Khung cảnh của chiến trận là như thế đấy! Những người ở ngoài cuộc chắc sẽ không thể mường tượng nổi. Thôi, thư muốn viết nhiều và nhiều lắm. Để khi nào gặp sẽ kể cho nhau nghe nó sẽ thú vị hơn, lý thú hơn. Người yêu - hôn P. Buổi trưa ở Khe Sanh - làng Sen, viết thư cho người yêu nhưng không gửi được” (18.3.1971).
Mấy tháng sau, anh hay tin Phú đã có người yêu ở hậu phương. Rốt cuộc, khi nằm xuống, anh vẫn chưa có một cuộc tình trọn vẹn như mong ước, ứng với câu thơ anh viết qua nhật ký: “Tôi thấy tôi như con ong tìm nhụy - Bay hết hoa này rồi bay đến hoa kia”...
Giao Hưởng
Rất nhiều trạng thái, cung bậc tình cảm được viết thẳng trong nhật ký. Rất nhiều người con gái có tên, có chuyện trong nhật ký, rất nhiều câu thơ, bài thơ được ngẫu tác. Một đời người, một thời buổi được hiện ra trong nhật ký. Gia đình và bè bạn, đồng đội anh Đỉnh đã làm một việc rất quý, lưu giữ và bây giờ công bố cuốn nhật ký của liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Ai còn có thể bồi hồi, xúc động, tiếc thương, cảm phục... xin hãy đọc cuốn nhật ký này. Đỗ Trung Lai |
Bình luận (0)