Công tác cán bộ kém dễ nảy sinh tham nhũng

04/06/2012 03:05 GMT+7

Muốn chống tham nhũng hiệu quả, quan trọng nhất là những người thực thi các quy định về phòng chống tham nhũng (PCTN) phải là những “Bao Công” công tâm, minh bạch.

Công tác cán bộ kém dễ nảy sinh tham nhũng
9 bị cáo trong vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã hầu tòa và lãnh án - Ảnh: TTXVN

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến (ảnh) đã nhấn mạnh quan điểm trên khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên về giải pháp PCTN hiệu quả hơn trong thời gian tới, sau khi Ban Chấp hành T.Ư có chủ trương lập Ủy ban T.Ư về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị.

Công tác cán bộ kém dễ nảy sinh tham nhũng  

Vừa rồi Chính phủ có gửi báo cáo riêng về tổng kết 5 năm thực thi luật PCTN tới các ĐBQH. Báo cáo này liệu đã làm rõ được những vấn đề ông và các ĐBQH quan tâm?

Trong báo cáo về KT-XH của Chính phủ cũng như báo cáo chuyên đề về PCTN, ĐBQH kỳ vọng cần cụ thể hơn, đặc biệt phải có địa chỉ với từng vụ việc, từng trường hợp. Báo cáo chính có thể nhận định đánh giá tình hình và không nêu được chi tiết nhưng trong phụ lục phải ghi rõ các vụ việc, đích danh cá nhân tham nhũng, nơi vi phạm, để xảy ra tham nhũng. Tôi nghĩ như vậy sẽ có tính răn đe hơn rất nhiều và có địa chỉ cụ thể mới có thể xử lý, quy trách nhiệm của các cấp quản lý liên quan. Theo tôi những thông tin đó rất cần thiết cho ĐBQH, vì ĐB đại diện cho dân, sau kỳ họp về báo cáo cử tri, cử tri hỏi mà ĐB cũng nói chung chung như báo cáo thì không thỏa mãn được yêu cầu của cử tri.

Chính phủ nhận định tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Đây cũng là nhận định chung của Đảng trong các văn kiện, nghị quyết đã ban hành, nhưng theo ông, trong tham nhũng hiện nay nổi lên vấn đề gì, lĩnh vực nào đáng quan ngại nhất?

Tôi cho đó là tình trạng tham nhũng ở các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sử dụng vốn và ngân sách nhà nước, đây là vấn đề rất đáng lưu ý trong hoạch định chính sách, trong việc xây dựng các văn bản pháp luật để quản lý tốt hơn các DNNN.

Cử tri cho rằng chúng ta "nuông chiều" DNNN quá, dẫn tới họ sử dụng vốn lớn nhưng hiệu quả không cao, cho nên phải thay đổi lại phương thức đầu tư, thay đổi tư duy nhìn nhận, quản lý DNNN hiện nay.

 

Công tác cán bộ cũng là một lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, có người dùng tiền để chạy chức chạy quyền, khi có chức có quyền, có điều kiện là vơ vét để "bù lại", đây chính là một mắt xích của tham nhũng

Vừa rồi tại Hội nghị T.Ư 5, BCH T.Ư đã chủ trương thành lập Ủy ban T.Ư về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị. Để cuộc đấu tranh PCTN có sự đột phá trong thời gian tới, ngoài việc thay đổi mô hình ban chỉ đạo, sửa luật và các quy định bất cập hiện hành, ông có nghĩ rằng điều cốt yếu nhất để PCTN hiệu quả chính là ở đội ngũ thực thi nhiệm vụ này?  

Thay đổi Ban chỉ đạo T.Ư PCTN từ cơ quan hành pháp sang cơ quan cao nhất của Đảng, đó là quyết tâm chính trị lớn, nhưng để làm được trước hết phải sửa luật PCTN. Nhưng quan trọng nhất là phải chuyển biến từ cơ chế và trong chính cơ quan PCTN. Vì sao ở các nước, người ta tổ chức bộ máy biên chế không nhiều nhưng họ làm được hiệu quả? Vì cơ quan PCTN của họ có quyền lực thực sự, có quyền “tiền trảm hậu tấu”, xử lý rồi mới báo cáo và họ tự chịu trách nhiệm trước việc xử lý của họ. Trong PCTN của ta cũng cần có những "Bao Công" công tâm, minh bạch, dám dùng tính mạng và chức vụ của mình để PCTN. Khi đã có chủ trương, đã được trao quyền thực sự thì trong thực hiện chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước lãnh đạo cao nhất. Nên chăng có hình thức trao quyền lực tối đa cho người đứng đầu cơ quan PCTN và người đó chịu trách nhiệm cao nhất trước nhân dân, trước Đảng, trước nhà nước, trước pháp luật về quyết định của mình. Chừng nào làm được như thế mới có thay đổi, chuyển biến trong PCTN.

Về mặt luật định, chúng ta không hề có vùng cấm trong PCTN nhưng thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ việc “con voi chui lọt lỗ kim”, hay những trường hợp bị báo chí, dư luận phát hiện, phanh phui mới đưa ra xem xét, khiến dư luận còn nhiều ngờ vực, đòi hỏi phải công khai minh bạch thông tin để PCTN không có “vùng cấm” thực sự?

Minh bạch, công khai rất cần thiết vì tham nhũng biểu hiện tập trung ở mấy yếu tố: tài sản, tiền, bất động sản, phương tiện đi lại rất đắt tiền… những thứ đó hoàn toàn có thể công khai, minh bạch được. Vấn đề cần thiết phải công khai, minh bạch càng sớm càng tốt là trong công tác cán bộ, quy trình tuyển dụng, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ.

 
Vấn đề cần thiết phải công khai, minh bạch càng sớm càng tốt là trong công tác cán bộ, quy trình tuyển dụng, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ
Ông Lê Như Tiến
Phó chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH

Tôi đã từng chất vấn tại Ủy ban TVQH về công tác cán bộ, vì công tác cán bộ cũng là một lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, có người dùng tiền để chạy chức chạy quyền, khi có chức có quyền, có điều kiện là vơ vét để "bù lại", đây chính là một mắt xích của tham nhũng. Tại sao một người có khuyết điểm, làm ăn thua lỗ, có những dấu hiệu vi phạm như Dương Chí Dũng, đang trong quá trình thanh tra, điều tra lại được bổ nhiệm làm lãnh đạo một Cục có chức năng tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước? Có người giải thích các vị trí tương ứng như nhau, tôi cho là không phải, một bên là DN, một bên là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng GTVT quản lý nhà nước về hàng hải, có vị trí, tầm nhìn phạm vi rộng hơn nhiều, ở cấp dưới đã thế lên cấp trên sẽ còn tự tung tự tác thế nào nữa đối với cả một ngành? Đó là điều khó hiểu mà dư luận đặt ra nhưng cũng là điều dễ hiểu, còn vì sao khó hiểu, vì sao dễ hiểu thì dân đều nhận biết hết.

Tôi cho rằng, dù Ủy ban PCTN có trực thuộc cơ quan nào đi nữa thì điều quan trọng nhất trong PCTN là phải tuân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu cơ quan PCTN được đặt ở một bộ máy tầm cao hơn, có hiệu lực hơn, đỡ “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì sẽ hiệu quả hơn. Ngoài ra, muốn PCTN chuyển biến thực sự thời gian tới, rất cần vai trò mẫu mực từ trên, nếu không sẽ rất khó thực hiện.

Cuối cùng, tôi vẫn phải nhấn mạnh một nguyên lý: "Ở đâu có điều kiện phát sinh tham nhũng thì ở đó phải có cơ chế phòng ngừa tham nhũng, ở đâu có quyền lực thì ở đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực".

Sửa luật PCTN phải bắt đầu từ minh bạch tài sản

Luật PCTN hiện hành đang có những điểm chưa đi vào cuộc sống, ví dụ kê khai và kiểm soát tài sản, trách nhiệm giải trình về tài sản, tại sao tăng lên một cách bất thường... Việc kê khai, minh bạch tài sản cũng mới quy định nguyên tắc trong luật, cụ thể lại giao Chính phủ làm văn bản dưới luật. Nghị định rất nhiều, cần tổng kết để đưa vào luật sửa đổi tại kỳ họp tới của QH để vừa đảm bảo tính khái quát, vừa bảo đảm tính khả thi khi áp dụng.

Ngoài mô hình Ban Chỉ đạo về PCTN, một số điểm có thể sửa ngay ở luật PCTN tại kỳ họp tới là các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và trách nhiệm cụ thể của các cấp. Hiện chúng ta đang nói về trách nhiệm người đứng đầu, đã có các văn bản dưới luật về trách nhiệm người đứng đầu thì phải tổng kết để đưa vào luật, không thể là trách nhiệm chung chung mà phải quy định về trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm liên đới, trách nhiệm quản lý cán bộ...

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền

Bảo Cầm (thực hiện)

>> Bộ Nội vụ nói gì về quy trình bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng?
>> Việc bổ nhiệm cán bộ chưa công khai, minh bạch
>> Bổ nhiệm cần đúng quy trình
>> Tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng gây bức xúc xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.