Người phụ nữ đó là bà Nguyễn Thị Thu Hà, 42 tuổi, ngụ tại phường Tân Phú, quận 9 - PHCM, chạy xe ôm dưới chân cầu vượt Khu Du lịch Suối Tiên. Bà xòe tay khoe với chúng tôi những chiếc đinh nhọn hoắt vừa nhặt được trên đường.“Có người nói tôi dở hơi”
Bà Hà từng là một cán bộ phụ nữ năng nổ của phường Tân Phú trong những năm 1999-2010. Vì cuộc sống khó khăn, chồng lại đổ bệnh nặng nên bà phải bỏ ngang công việc ở phường để chạy xe ôm kiếm tiền chữa bệnh cho chồng và lo cho 2 con ăn học. “Bỏ ngang công việc như vậy cũng tiếc lắm nhưng vì hoàn cảnh nên tôi đành chịu” - bà tiếc rẻ.
Sau khi nghỉ việc, tay trắng, không một đồng vốn nên bà Hà chẳng biết bắt đầu mưu sinh từ đâu. Trong nhà chỉ có mỗi chiếc xe máy cũ là đáng giá nhất, vậy là bà quyết định dùng nó để kiếm sống qua ngày. Chọn một góc dưới chân cầu vượt Khu Du lịch Suối Tiên, bà đậu xe đợi khách. “Ngày nào có nhiều khách, tôi kiếm được hơn 100.000 đồng nhưng nhiều hôm ngồi đợi rã rời mà chẳng ai đi xe” - bà cho biết.
Cũng như nhiều người thường xuyên đi xe máy trên xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 A, bà Hà luôn trở thành nạn nhân của bọn đinh tặc. “Có hôm, tôi chạy xe từ cầu vượt Suối Tiên đến Trường ĐH Nông Lâm mà cán đinh đến 2 lần, vào tiệm vá ruột bị họ làm hỏng luôn, phải thay ruột mới với giá 85.000 - 90.000 đồng, trong khi bên ngoài chỉ 40.000 đồng” - bà Hà ngao ngán.
|
Từng là nạn nhân, lại thường xuyên chứng kiến nhiều người té xe, thậm chí thiệt mạng vì cán phải đinh, bà Hà rất đau lòng. “Thấy người ta gặp nạn, tôi xót lắm. Vậy nên, lúc nào vắng khách là tôi tranh thủ đi nhặt đinh, được bao nhiêu hay bấy nhiêu” - bà tâm sự.
Bà Hà khoe chỉ cần nhìn thoáng trên mặt đường sẽ phát hiện ngay chỗ nào có đinh. Trên cung đường chưa đầy 1 km, có ngày bà nhặt được đầy cả một chai nước khoáng đinh và các mẩu kim loại bén nhọn.
Dưới ánh nắng gay gắt ban trưa, giữa dòng xe ầm ào trên xa lộ, chứng kiến cảnh một phụ nữ nhỏ nhắn mò mẫm cúi nhặt gì đó bên đường, nhiều người không khỏi tò mò. “Có người biết việc tôi làm lại nói tôi dở hơi, không chạy xe kiếm tiền nuôi chồng con mà lại đi lo việc thiên hạ” - bà Hà cười. Tuy nhiên, nhiều người rất cảm kích trước việc bà làm, cho rằng bà chính là “khắc tinh” của đinh tặc.
Thấy đinh như thấy kẻ thù
“Ai nói gì thì nói, chồng tôi rất ủng hộ việc vợ làm. Đứa con gái thứ hai của tôi mới học mẫu giáo thỉnh thoảng ra chơi, thấy mẹ nhặt đinh cũng theo nhặt” - bà Hà cho biết.
Nhiều lần tận mắt chứng kiến những vụ tai nạn té xe nguy hiểm vì cán phải đinh, bà Hà càng quyết tâm đeo đuổi công việc “không công” của mình. “Mỗi lần thấy người gặp nạn do cán đinh, tôi lại càng căm ghét những kẻ vô lương tâm. Bởi thế, tôi thấy đinh như thấy kẻ thù vậy” - bà thổ lộ.
Bà Hà cho biết đoạn xa lộ Hà Nội từ Công ty Coca - Cola đến ngã tư Thủ Đức thường bị rải đinh với mật độ dày đặc. Có lần chở khách từ Suối Tiên đến ngã tư Thủ Đức, khi qua đoạn đường này, bà phát hiện rất nhiều đinh. Chở khách tới nơi, bà liền quay xe lại nhặt. “Khi quay lại để nhặt đinh, tôi phải chạy xe ngược chiều. Gặp mấy anh CSGT, nghe tôi trình bày, họ cười rồi cho đi. Hôm đó, tôi nhặt đến 0,2 kg đinh” - bà nhớ lại.
Thấy đinh không nhặt, khó chịu lắm! Cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn, dù phải bươn chải kiếm sống từng ngày nhưng bà Hà vẫn vui vẻ thực hiện công việc “dở hơi” của mình mỗi khi vắng khách. “Tuy phường, quận đã tổ chức chạy xe hút đinh nhưng mỗi tháng cũng chỉ được 1-2 lần, trong khi đinh thì ngày nào cũng xuất hiện đầy đường. Tôi không biết đinh tặc rải khi nào nhưng cứ sáng ra là đầy đường. Thấy đinh mà không nhặt, tôi khó chịu lắm” - bà Hà bộc bạch. |
Theo Nguyên Mạnh/Người Lao Động
Bình luận (0)