Trường có nhiều quyền tự chủ, xếp hạng sẽ cao

05/06/2012 03:00 GMT+7

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, trường ĐH có nhiều quyền tự chủ hơn thì có vị trí xếp hạng cao hơn trong bảng xếp hạng các ĐH.

Nhóm các nhà nghiên cứu từ trường ĐH Harvard, ĐH Stanford (Mỹ), ĐH Tự do Brussels (Bỉ) và ĐH Pompeu Fabra (Tây Ban Nha) vừa công bố một kết quả nghiên cứu về mối tương quan giữa quyền tự chủ và vị trí xếp hạng của trường ĐH trên tạp chí Economic Policy (Chính sách kinh tế - Anh). Do ở Mỹ, nhóm các trường ĐH tư được xem là có toàn quyền tự chủ; đặc điểm này ở các trường ĐH công cũng rất cao. Vì vậy những phân tích sau đây chủ yếu tập trung vào các trường ở châu Âu. Kết quả cho thấy ở khu vực này, trường ĐH nào có nhiều quyền tự chủ hơn thì có vị trí xếp hạng cao hơn.

Các điều kiện thể hiện quyền tự chủ

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã gửi bản câu hỏi khảo sát tới 196 trường ĐH ở châu Âu nằm trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH tốt nhất thế giới của ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Chỉ có 71 trường gửi trả lời các câu hỏi khảo sát. Chỉ số về quyền tự chủ của trường ĐH được tính điểm cao nhất khi thỏa mãn các điều kiện: Phê duyệt ngân sách không cần phải thông qua chính phủ, được toàn quyền trong việc tuyển sinh, linh hoạt trả lương cho giảng viên chứ không dựa vào thâm niên hoặc thang bậc lương theo quy định của chính phủ, có toàn quyền tuyển dụng giảng viên - nhân viên mới, sở hữu các tòa nhà - cơ sở vật chất, xây dựng chương trình đào tạo mới theo yêu cầu, ngân sách thường xuyên nhận được từ chính phủ chiếm tỷ lệ tương đối thấp trên tổng ngân sách, ngân sách nhận từ các tài trợ nghiên cứu chiếm tỷ lệ cao mang tính cạnh tranh trên tổng ngân sách của trường.

 ĐH Cambride của Anh là một trong những trường ĐH hàng đầu trên thế giới
ĐH Cambride của Anh là một trong những trường ĐH hàng đầu trên thế giới - Ảnh: T.NG

Càng phụ thuộc, càng khó phát triển

Kết quả khảo sát cho thấy có sự khác biệt rất lớn trong việc quản lý và vận hành các trường ĐH ở châu Âu. Theo đó, ở Đan Mạch không có trường ĐH nào cần phải được chính phủ phê duyệt ngân sách, con số này ở Anh là 13%,  các nước Phần Lan, Pháp và Đức đều là 100%.

Tương tự, không có trường ĐH nào ở Phần Lan và Pháp phải phụ thuộc vào chính phủ trong việc tuyển sinh, trong khi đó ở Anh là 12%, Tây Ban Nha: 83% và Ireland là  100%. Ở các nước: Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển và Anh, các giáo sư có thể được trả lương khác nhau dù họ có cùng thâm niên công tác và cùng vị trí xếp hạng. Ngược lại, nhiều trường ĐH ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, và Thụy Sĩ cho biết họ phải trả cùng một mức lương cho các giáo sư có cùng thâm niên và cùng vị trí. Cũng ở nhóm quốc gia này, ngoại trừ Thụy Sĩ, việc tuyển dụng giáo sư mới ở các trường ĐH cũng không được độc lập hoàn toàn.

Kết quả khảo sát cho thấy có sự tương quan giữa vị trí trên bảng xếp hạng với chỉ số tự chủ của trường ĐH. Cụ thể, các trường ĐH của vương quốc Anh và Thụy Điển được gom vào nhóm có cả vị trí xếp hạng cao và chỉ số tự chủ cao. Các trường ĐH của Tây Ban Nha ngược lại, được sắp vào nhóm vừa có vị trí xếp hạng thấp lẫn chỉ số tự chủ thấp. Các quốc gia còn lại nằm ở nhóm giữa.

Kết quả nghiên cứu trên từng tiêu chí cũng cho thấy sự tương quan này. Nhóm các trường ĐH cần chính phủ phê duyệt ngân sách có vị trí xếp hạng trung bình thấp hơn 116 điểm so với nhóm các trường tự chủ về tài chính. Tương tự, nhóm các trường ĐH phải trả cùng mức lương cho các GS có cùng thâm niên và cấp bậc cũng có vị trí xếp hạng trung bình thấp hơn 109 điểm so với nhóm các trường được tự quyết định mức lương. Các trường ĐH toàn quyền quyết định việc tuyển sinh có vị trí xếp hạng trung bình cao hơn 156 điểm so với các trường không có được quyền này.

Tiêu chí xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải

Bắt đầu từ năm 2003, Trường ĐH Giao thông Thượng Hải bắt đầu thực hiện việc xếp hạng các trường ĐH trên thế giới. Hiện nay, bảng xếp hạng do trường này cung cấp được xem có uy tín cao. Trong đó chỉ số xếp hạng được tính từ các tiêu chí và trọng số tương ứng như sau:

- Số cựu sinh viên tốt nghiệp được trao giải thưởng Nobel hoặc huy chương Field trong toán: 10% tổng số điểm.

- Số giảng viên được trao giải thưởng Nobel hoặc huy chương Field: 20%.

- Tổng số bài báo hằng năm của các giảng viên xuất bản trên tạp chí Science hoặc Nature: 20%.

- Tổng số bài báo hằng năm của giảng viên  được đăng tải trên các tạp chí SCI - mở rộng và SSCI: 20%.

- Số lượng các nhà khoa học có công trình được trích dẫn nhiều, thuộc 21 ngành khác nhau: 20%.

- Chỉ số trung bình: Tất cả các chỉ số trên được chia cho tổng số nhân viên làm việc toàn thời gian ở trường. Tiêu chí này chiếm 10% tổng số điểm.

PGS-TS Vũ Hải Quân

>> Học bổng dành cho học sinh lớp 11 và 12 từ tháng 4.2012 đến tháng 1.2013
>> Chọn chương trình ĐH quốc tế chất lượng tại Việt Nam
>> Bổ sung kiến thức cho thí sinh được xét tuyển vào ĐH, CĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.