Philippines tìm mua máy bay tiêm kích

08/06/2012 09:49 GMT+7

Trong vòng nửa năm qua, Philippines đàm phán với Mỹ để mua máy bay tiêm kích F-16, nhưng không thành công vì chi phí nâng cấp, vận hành quá cao. Giờ đây, đất nước Đông Nam Á này đang tìm hướng đi khác.

Tổng thống Philippines - ông Benigno Aquino, mới đây cho biết, Manila có thể mua máy bay chiến đấu của “một quốc gia tiến bộ” khác. Philippines buộc phải sử dụng mọi khả năng để đối phó với mối đe dọa từ phía Trung Quốc.

Trước đó, vào trung tuần tháng 12.2011, Bộ Quốc phòng Philippines yêu cầu chính phủ Mỹ tặng Manila một phi đội 12 chiếc F-16 Fighting Falcon mà không lực Mỹ không còn sử dụng nữa. Khi đó, phía Philippines tuyên bố không có đủ tiền để mua máy bay mới, nhưng có thể sửa chữa, nâng cấp loại F-16 Fighting Falcon. Cần nhắc lại, Manila là đồng minh của Mỹ từ năm 1935.

 Philippines tìm mua máy bay tiêm kích
F-16 Fighting Falcon, loại tiêm kích mà Manila rất muốn có trong không lực của mình - Ảnh: englishaddition.com

Tính toán của Philippines khá đơn giản. Nếu như Mỹ đồng ý cho Indonesia (bị Mỹ cấm vận một thời gian dài) 24 chiếc F-16, thì cường quốc này khó có thể từ chối một đồng minh lâu năm chuyện tương tự. Bằng cách đó, Indonesia đã tự chọn 24 chiếc F-16 tại “nghĩa địa máy bay” ở Arizona và sau đó chi 750 triệu USD để sửa chữa, nâng cấp toàn bộ số máy bay tiêm kích này. 

Không biết kết cục của vụ tặng máy bay như thế nào, nhưng vào tháng 2.2012, Bộ Ngoại giao Philippines bắt đầu đàm phán với Mỹ để mua một phi đội F-16. Tiền để mua máy bay chưa tính vào ngân sách quốc phòng và điều kiện bán chưa được tiết lộ. Cơ quan Hợp tác quân sự của Lầu Năm Góc (DSCA) chưa thông báo cho quốc hội Mỹ về khả năng bán máy bay cho Philippines. Có thể Philippines cùng lúc vừa mua F-16, vừa đặt hàng nâng cấp chúng và mua cả phụ tùng, vũ khí đi kèm cũng như chi phí đào tạo phi công.

Cuộc đàm phán Mỹ - Philippines diễn ra trong bầu không khí đặc biệt, bởi trước sự lấn lướt của Bắc Kinh, Manila rất cần máy bay tiêm kích, càng nhanh càng tốt để bảo vệ lãnh hải của mình, trong đó có các cơ sở khai thác dầu khí. Bởi ai cũng biết, hiện giữa Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp khá căng thẳng bãi cạn Scarborough ở biển Đông.

Trung Quốc dựa vào “tài liệu cổ” nào đó để tuyên bố quyền của mình trên vùng lãnh hải gần 150 km2, còn Philippines khẳng định lãnh hải này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngoài việc đối phó với Trung Quốc, Manila cần máy bay tiêm kích để chế ngự lực lượng nổi dậy tại đảo Mindanao. Theo số liệu của tổ chức Flightglobal MiliCAS, hiện không lực Philippines chỉ có 10 máy bay tấn công OV-10 Bronco, 21 máy bay huấn luyện - chiến đấu SF-260/F và 6 chiếc Aermacchi S211. Ngoài ra, quân đội nước này có 20 chiếc trực thăng tiến công MD520. Chiếc F-5 Freedom Fighter mà Philippines từng có, được biên chế vào không lực Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh Việt Nam và cho “nghỉ hưu” vào năm 2005, thời điểm mà nó đã vận hành được 39 năm.

Vào cuối tháng 1.2012, Mỹ và Philippines ký thỏa thuận về việc Washington tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này. Manila tuyên bố sẵn sàng tiếp đón các tàu chiến, máy bay chiến đấu, máy bay trinh thám và máy bay không người lái của Mỹ trong lãnh thổ của mình. Ngoài ra hai bên còn xem xét kế hoạch tập trận chung. Hiện trên lãnh thổ Philippines có 600 quân nhân Mỹ đóng vai trò cố vấn tại đảo Mindanao.

Dường như đàm phán giữa hai bên sẽ dẫn đến việc, hoặc Mỹ tặng Philippines loại F-16, hoặc bán chúng với giá ưu đãi đặc biệt. Ngoài ra, các bên còn đạt được thỏa thuận Mỹ bán rẻ cho Manila 2 chiếc C-130 Hercules, hiện đang được sửa chữa, nâng cấp.

Tuy thế, quả là bất ngờ khi ngày 16.5.2012, Tổng thống Benigno Aquino tuyên bố Bộ Quốc phòng nước này buộc phải từ chối mua tiêm kích Mỹ vì việc nâng cấp và vận hành loại máy bay này quá đắt. Theo lời vị tổng thống, chi phí vận hành cả phi đội F-16 trong thời hạn còn lại là từ 400 - 800 triệu USD. Ông Benigno Aquino còn nói, Philippines cần đến 2 phi đội như vậy.

“Chúng tôi có phương án khác. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi có khả năng mua những máy bay mới hoàn toàn, nhưng không phải của Mỹ. Chúng được sản xuất bởi “một quốc gia tiến bộ” mà tôi chưa tiện nêu tên”, ông Benigno Aquino cho biết.

Hiện Bộ Quốc phòng Philippines đang đấu thầu dự án mua 6 chiếc máy bay huấn luyện - chiến đấu. Tham dự có hãng Rosoboronexport của Nga, KAI của Triều Tiên, Aero Vodochody của Czech và Alenia Aermacchi của Ý với các loại máy bay tương ứng: Yak-130, T/A-50 Golden Eagle, L-159B ALCA và M-346 Master. Tất cả các máy bay này không chỉ dùng để huấn luyện mà còn là tiêm kích hạng nhẹ. Philippines dự tính chi 140,6 triệu USD cho dự án này.

Ngoài ra, ông Benigno Aquino còn muốn mua một hoặc hai phi đội tiêm kích của “một quốc gia tiến bộ”. Không loại trừ Manila có thể mua 18 chiếc Su-30K đã qua sử dụng của Ấn Độ. Hiện Nga và Belarus đang giúp rao bán số máy bay này. 18 chiếc Su-30K này Nga bán cho Ấn Độ theo hợp đồng vào năm 1996. Đến năm 2007, Nga tiếp tục cung cấp cho Ấn Độ 18 chiếc Su-30MKI nhằm thay thế cho 18 chiếc Su-30K, hiện đang nằm tại Nhà máy sửa chữa máy bay Baranovichi, Belarus. 18 chiếc Su-30K này dự kiến được nâng cấp thành Su-30KN. 

Ngoài Philippines, còn có Nam Phi, Pakistan - những quốc gia có ngân sách quốc phòng eo hẹp -  quan tâm đến 18 chiếc Su-30K của Ấn Độ. Trước đó, vào năm 2011, Romania dự tính mua 24 chiếc F-16 nâng cấp với giá 1,4 tỉ USD. Trong khi đó, cũng với giá tiền này, hãng Saab và Eurofighter mời Romania mua 24 chiếc JAS 39 Gripen hoặc Typhoon mới hoàn toàn. Như vậy, các hãng của châu u hoàn toàn có thể nhảy vào cuộc để giành chữ ký mua máy bay của Philippines. Bởi dù có thế nào, Manila sẽ mua ít nhất là 24 chiếc tiêm kích với giá từ 2 tỉ USD đổ lại. Giá cả coi như đã quyết, vấn đề còn lại là Philippines sẽ chọn loại tiêm kích của hãng nào.

Vào đầu tháng 5.2012, Philippines yêu cầu Mỹ bán cho nước này máy bay trinh thám, tàu chiến và ra đa. Những vũ khí, khí tài này dùng để bảo vệ các vùng lãnh thổ đang tranh chấp với Trung Quốc. Theo lời Ngoại trưởng Philippines - Albert del Rosario, nước này đang tích cực hợp tác quốc phòng với nhiều nước khác, trước hết là Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc.

Ông Vương Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.