Tạp chí Đức Der Spiegel nêu lên câu hỏi này trong bài điều tra vừa được đăng tải...
Tạp chí Der Spiegel trong số báo ra ngày 4-6 khẳng định Đức, thành viên Nhóm P5+1 (năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức) đang đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của nước này, đã hợp đồng cung cấp cho Israel sáu tàu ngầm lớp Dolphin chạy bằng động cơ dầu diesel - điện, trong đó đã giao bốn tàu. Chiếc mới nhất được giao ngày 3-5 mới đây.
“Người Đức có thể tự hào vì đã giúp đảm bảo sự tồn tại của đất nước Israel trong rất nhiều năm tới” - tạp chí này dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehub Barak ca ngợi, và mô tả các tàu ngầm do Đức cung cấp đã “tăng cường năng lực và sức mạnh của lực lượng phòng vệ Israel”.
“Trước những thách thức chiến lược trong khu vực, hải quân Israel nói riêng và hạm đội tàu ngầm nói chung là vũ khí đánh chặn hữu hiệu” - trung tướng Benny Gantz cũng khẳng định khi hải quân Israel nhận chiếc tàu ngầm thứ tư.
Tạp chí Đức này tiết lộ Israel đã trang bị tên lửa hạt nhân cho các tàu ngầm này và đưa đến vùng Vịnh, gần Iran.
Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân
Đức giao cho Israel ba tàu ngầm lớp Dolphin đầu tiên vào các năm 1998, 1999 và 2000. Hai chiếc đầu tiên là quà tặng miễn phí, chiếc thứ ba được giảm giá 50%... Chiếc thứ tư và thứ năm trị giá khoảng 1,3 tỉ euro (1,6 tỉ USD), nhưng phía Đức tài trợ Israel 30% chi phí. Chiếc thứ sáu trị giá tới 1 tỉ USD, theo thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas de Maiziere và ông Barak hồi năm 2011, Israel chỉ phải trả 500-700 triệu USD. Đức sẽ giao hai chiếc tàu ngầm còn lại cho Israel vào năm 2017. Ngoài ra, Israel đang xem xét đặt hàng thêm ba chiếc nữa. Đức lâu nay chối bỏ những tàu ngầm này là một phần sức mạnh hạt nhân của Israel khi cho rằng mình không biết Israel sẽ trang bị tên lửa hạt nhân.
Việc Israel trang bị tên lửa hạt nhân cho các tàu ngầm do Đức cung cấp đã gây phản ứng dữ dội ở Đức. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Yigal Palmor mới đây lên tiếng khẳng định với AFP rằng Israel đang sở hữu tàu ngầm Đức, và đó “không phải là chuyện bí mật”, nhưng về khả năng chiến đấu của những tàu ngầm này thì ông “không được quyền tuyên bố”. Đảng Dân chủ xã hội (SPD) đối lập cũng yêu cầu chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel phải đưa ra lời giải thích. Người phát ngôn của thủ tướng Đức là Steffen Seibert đã lên tiếng khẳng định Chính phủ Đức luôn giao tàu ngầm cho Israel trong tình trạng không có vũ khí.
Thế nhưng, theo Der Spiegel, tàu ngầm chiến đấu lớp Dolphin có khả năng hoạt động ngoài khơi trong 50 ngày liên tục và có thể lặn sâu dưới đáy biển bảy ngày, riêng những chiếc mới sản xuất có thể lặn trong 18 ngày. Các tàu ngầm này đều được trang bị hệ thống đẩy thủy lực, có nghĩa là có thể phóng tên lửa tầm xa từ dưới biển.
Theo báo Le Point, một chuyên gia Pháp cho biết để có thể trang bị tên lửa đạn đạo, tàu ngầm cần đảm bảo được khả năng ổn định khi khởi động, bởi nếu không tàu sẽ tự quay vòng vòng trên chính nó. Độ vững chãi và khả năng ổn định tốt của tàu ngầm Đức cho phép tàu có thể chịu đựng nổi. Một tên lửa nặng 1.000kg, khi được phóng đi, sẽ tạo ra một nguồn năng lượng lớn có sức tàn phá tương đương một nửa quả bom hạt nhân đã ném xuống Hiroshima vào tháng 8-1945.
Vẫn theo tạp chí này, hải quân Israel đã trang bị tên lửa tầm xa Popeye Turbo SLCM cho các tàu ngầm này. Loại tên lửa này có tầm bắn 1.500km và mang đầu đạn hạt nhân nặng 200kg. Israel lần đầu bắn thử tên lửa này vào năm 2002 trên Ấn Độ Dương.
Triển khai gần Iran
Một số cựu quan chức Chính phủ Đức thừa nhận họ chưa bao giờ nghi ngờ việc Israel đưa vũ khí hạt nhân lên các tàu ngầm này. Một cựu quan chức khẳng định ông từng thảo luận với quân đội Israel về vấn đề này. Theo giới chuyên gia quân sự phương Tây, Israel hiện sở hữu 100-200 đầu đạn hạt nhân.
Theo báo chí Israel, hải quân nước này thường triển khai tàu ngầm lớp Dolphin ở Địa Trung Hải. Năm 2009, một chiếc đã đi tới biển Đỏ. Reuters khi đó mô tả đây là lời cảnh báo mà Israel muốn gửi đến Iran. Tuy nhiên, đến năm 2010 báo Sunday Times dẫn nguồn tin quân sự khẳng định hải quân Israel đã triển khai ba tàu ngầm lớp Dolphin đến vùng Vịnh, ngay gần bờ biển Iran.
Trong thời gian qua, Israel từng vài lần đe dọa sẽ tấn công phủ đầu Iran nếu Tehran không ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Tel Aviv xác định nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, sự tồn tại của nhà nước Do Thái sẽ bị đe dọa. Theo Der Spiegel, Đức hiện là đồng minh lớn nhất của Israel ở châu Âu. Đức bán tàu ngầm cho Israel để đổi lại việc Israel cho phép Đức xây dựng một nhà máy nước thải ở Dải Gaza, nhất là để ép Israel ngừng chương trình xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và phía Đông Jerusalem. Đến nay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn bác bỏ điều này mà Đức lại không thể phản ứng mạnh, bởi có thể dễ dàng bị cho là chống Do Thái.
Hồi tháng 4, quan hệ Đức - Israel trở nên căng thẳng khi nhà văn Đức Gunter Grass, người từng đoạt Nobel văn học, viết một bài thơ chỉ trích dữ dội chính sách của Israel và quan hệ giữa Đức với nhà nước Do Thái. Trong bài thơ Điều cần phải nói, ông khẳng định năng lực hạt nhân của Israel đã phát triển âm thầm trong nhiều năm, và Israel đủ sức phá hủy cả đất nước Iran chỉ bằng một cuộc tấn công.
Theo Sơn Hà / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)