|
Tiếng sấm vang vọng trong phòng của Life Art - nơi tổ chức hội thảo về tâm kịch hôm qua 6.6. Nó trùng khớp với ám ảnh tâm lý của anh A.N được tái hiện cùng lúc trên sân khấu. “Tôi không thể quên được lần sét đánh trúng mái nhà thờ nơi tôi và nhiều người đang đọc kinh”, cậu bé 12 tuổi ngày nào chia sẻ.
Sấm sét không chỉ đánh gãy cây thánh giá, nó còn gây ra vết thương tinh thần của cậu bé lúc đó sống xa bố mẹ. Trong bóng tối đặc quánh của nhà thờ mất điện, tiếng la hét hoảng sợ còn vang đến tận giờ. “Theo bản năng, tôi chỉ biết ôm đầu chạy. Kể từ đó, tôi vẫn thường hoảng sợ mỗi lần sấm sét. Mỗi tiếng sét vang là một lần tôi hoảng loạn muốn chạy vùng đi tìm mẹ. Nhưng mẹ lại đang ở xa”, anh nói.
Vì thế, trong phần nặn tượng bằng người, anh đã “đạo diễn” cho hai người bạn câu chuyện cậu bé cần mẹ của mình. Người phụ nữ trung niên đặt tay lên đầu cô bé đang quỳ. “Nếu bức tượng cất lời bà mẹ sẽ nói con ơi hãy chạy theo mẹ. Còn cô bé đáp lại dạ vâng”, anh N. chia sẻ ao ước.
Hướng dẫn bạn chơi tạo hình bức tượng, trả lời những câu hỏi liên quan đến tác phẩm, anh N. cho biết mình nhẹ lòng hẳn. Bản thân những người cùng xem nặn tượng cũng hiểu hơn con người ẩn giấu trong anh. “Chúng tôi được học, thực hành cách chia sẻ bí mật nội tâm”, một tư vấn viên tâm lý dự hội thảo cho biết.
Tư vấn viên này cũng cho biết tuy đã được nghe về tư vấn tâm lý bằng cách phóng chiếu như trên song lại chưa từng trải nghiệm. “Mà trải nghiệm lại là điều rất quan trọng. Thường thì ở nước ngoài, một người tốt nghiệp tư vấn tâm lý như thế này cần có khoảng 800 giờ thực hành”, ông Ngô Minh Uy - Giám đốc Trung tâm tâm lý học Sông Phố nói.
“Tôi thấy mình cần có nhiều buổi trị liệu bằng nghệ thuật như thế này nữa để có thể làm chủ cảm xúc bản thân”, anh Trần Nhật Trung, ĐH Ngoại thương nói.
Cũng vì thế, nhiều nhà tư vấn hoặc nghiên cứu tâm lý đã ngỏ lời hợp tác với Phan Ý Ly - người đứng đầu Life Art về tâm kịch. “Tôi cũng muốn những ảnh hưởng tích cực của nghệ thuật tới tâm lý lan xa”, chị nhận lời.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)