Sau thông tin SJC không nhận vàng cong vênh, móp méo từ các đại lý, ngày hôm qua 5.6, nhiều bạn đọc phản ánh các cửa hàng nhỏ, lẻ tại Hà Nội đang tiếp tục “lắc đầu” trước nhu cầu bán lại vàng của người dân. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (nhà số 20 B8, Dịch Vọng, Hà Nội) cho biết, chị có mang 2 lượng vàng SJC ra một cửa hàng trên phố Xuân Thủy (Q.Cầu Giấy) để bán. Thế nhưng sau một hồi “săm soi”, ông chủ cửa hàng này từ chối mua với lý do mấy miếng vàng của chị bị rách vỉ, mặt trước bị trầy xước, không còn nguyên vẹn.
|
“Vấn đề chính ở đây là một mình họ độc quyền”
Tại trụ sở SJC trên đường Nguyễn Công Trứ, Q.1, TP.HCM, ông Trạng (Q.5, TP.HCM) sáng hôm qua cũng mang 14 lượng vàng bị móp ở góc nhờ công ty gia công nhưng bị từ chối. Ông Trạng nói: “Chú bỏ vàng vào túi quần nhưng khi lấy cái điện thoại thì bó vàng này bị rớt ra làm móp góc. Chú có làm gì miếng vàng đâu mà sao công ty lại không gia công lại cho chú? Khối lượng miếng vàng vẫn còn nguyên. Trước đây công ty vẫn gia công 50.000 đồng/miếng, nay làm 100.000 đồng chú cũng chịu mà. Đây là sản phẩm của công ty thì công ty phải xử lý chứ, sao công ty không có trách nhiệm gì với sản phẩm của mình?”.
Nhân viên SJC thì chỉ ngắn gọn: “Công ty hiện nay không thể mua lại vàng miếng này”. Trong khi hai bên đang trao đổi, một người đàn ông của một tiệm vàng đến hỏi nhân viên có một miếng vàng móp méo, công ty có mua không? Hai nhân viên SJC cũng lắc đầu từ chối. Người đàn ông này cho biết sẽ trả lại miếng vàng này cho khách hàng.
Không chỉ các cửa hàng nhỏ, nhiều đại lý lớn như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý tại Hà Nội cũng kêu khổ. Bà Thúy - Phó phòng Kinh doanh Bảo Tín Minh Châu thanh minh, không phải công ty không muốn mua mà vì Bảo Tín chỉ là một đại lý của SJC. “Chúng tôi nhập của khách hàng, bán lại cho SJC họ trừ bao nhiêu chúng tôi trừ từng đấy. Nhưng có những thời điểm chúng tôi mang vàng lên gia công SJC không làm cho. Nếu là vàng rồng Thăng Long dù có rách vỉ, hay móp méo chúng tôi sẵn sàng nhận mà không lấy phí của khách hàng, vì công ty tự dập và ép được. Tuy nhiên giờ bị cấm rồi thì không làm như thế được. Vấn đề chính ở đây là một mình họ (tức SJC - PV) độc quyền, rất khó cho các cửa hàng kinh doanh khác”, bà Thúy nói.
|
“Nguyên liệu” chứ không còn là miếng vàng
Một số cửa hàng, doanh nghiệp hiện cũng chịu mua lại vàng miếng SJC móp méo, nhưng với giá rất “bèo”. Chúng tôi đã mang một miếng vàng SJC bị móp góc đến chào bán ở một tiệm vàng tại khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM). Nhân viên tiệm vàng nói: “Chị muốn bán thì tôi mua lại với giá 40,8 triệu đồng/lượng”. Trong khi đó, giá vàng SJC đang giao dịch ở mức 42 - 42,2 triệu đồng/lượng.
Không chỉ các tiệm vàng tư nhân mà cả cửa hàng trong hệ thống của Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng mua lại vàng bị móp với giá khá thấp, khoảng 40,7 triệu đồng/lượng. Anh Hoàng Nam (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết anh mang 5 lượng qua một tiệm vàng trên phố Hoàng Hoa Thám để bán. Tuy nhiên, bà chủ cửa hàng này sau khi kiểm tra chỉ đồng ý mua lại 4 lượng với mức giá niêm yết (hơn 42 triệu đồng/lượng), còn riêng 1 lượng bị móp ở phía bên trên, giá bị ép xuống còn khoảng 41 triệu đồng/lượng.
Trả lời PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ, cho rằng: “Từ sau ngày 25.5, SJC không nhận gia công các loại vàng miếng SJC bị móp méo nữa nên vô hình trung những miếng vàng này được xem như là nguyên liệu chứ không còn là miếng vàng. Vàng nguyên liệu thì giá trên thị trường thấp hơn vàng miếng”.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ lập luận, cũng giống như tiền khi không đủ chất lượng lưu thông, nhiều điểm không chấp nhận dùng tờ tiền đó trong thanh toán thì hệ thống ngân hàng thương mại đứng ra thu đổi những tờ tiền này (có tốn phí) để tiền được đưa vào lưu thông. Vàng miếng SJC có giá trị cao và hiện lưu thông trên thị trường nhiều do vậy NHNN nên cho SJC xử lý số vàng miếng móp méo này. |
Chờ trả lời từ Ngân hàng Nhà nước
Sau 24 năm hoạt động, SJC đã đưa ra thị trường hơn 20 triệu lượng vàng (tương đương 800 tấn vàng). Trong quá trình vận chuyển lưu thông, nhiều miếng vàng không thể tránh khỏi bị móp méo về hình dáng bên ngoài.
Trả lời thắc mắc vì sao không chịu mua lại cũng như như nhận gia công các miếng vàng bị móp, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), nói: “Ngay sau khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực từ ngày 25.5, công ty đã không thể nhận gia công hay mua lại những miếng vàng SJC lưu thông trên thị trường bị móp méo. Công ty cũng không thể mua lại vàng miếng này với giá thấp hơn giá đang niêm yết trên thị trường được, bởi khối lượng và chất lượng của miếng vàng vẫn đảm bảo yêu cầu. Việc sản xuất vàng miếng hiện nay thuộc về NHNN. Trước thiệt hại của người tiêu dùng, SJC cũng có mua lại những miếng vàng móp méo nhưng do nguồn vốn có hạn công ty không thể nào mua thêm, bởi mua những miếng vàng này hiện nay đồng nghĩa với việc vốn bị găm giữ. Hiện nay SJC đang tiếp tục gửi công văn lên NHNN xin được dập lại những miếng vàng bị móp méo đúng với số sê ri của miếng vàng và chịu trách nhiệm với việc làm này. Chúng tôi đang chờ trả lời từ NHNN”.
Tại khoản 3.b, điều 16, Nghị định 24 Quản lý thị trường vàng, trách nhiệm của NHNN là: “Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ”. Tuy nhiên ngay tại thời điểm hiện nay khi NHNN chưa có miếng vàng riêng của mình, trong khi SJC đang chiếm khoảng 95% thị trường vàng, NHNN cần phải có biện pháp linh hoạt giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.
Thanh Xuân - Anh Vũ
Bình luận (0)