Minh bạch giá điện

07/06/2012 03:28 GMT+7

Không chỉ xới lại câu chuyện tù mù lỗ lãi, giá cả của ngành điện, tại phiên thảo luận Dự thảo luật Điện lực sửa đổi ngày hôm qua (6.6), nhiều đại biểu (ĐB) đòi phải xóa bỏ ngay độc quyền của Tập đoàn điện lực (EVN), tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh...

Minh bạch giá điện
Cạnh tranh giá bán lẻ điện đến 2020 mới thực hiện là quá muộn - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), cho rằng cạnh tranh giá bán lẻ đến 2020 là quá muộn. Càng cho sớm bao nhiêu thì dân được nhờ bấy nhiêu. Cứ để EVN một mình bán lẻ đến 10 năm nữa không ổn. Chính phủ, Bộ Công thương phải làm lộ trình ngắn lại, dân có thể chấp nhận giá thị trường về điện nhưng phải công khai, minh bạch.

Chia sẻ quan điểm trên, ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) nói, nếu chỉ có EVN đầu tư tập trung thì thị trường điện không thể phát triển. Vừa qua EVN lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng, nợ nhiều nhưng lại đầu tư vào các lĩnh vực khác trong khi lương nhân viên quá cao so với mặt bằng. Điều đó thể hiện cung cách quản lý độc quyền, bao cấp.

Liên quan đến giá điện, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), cho rằng giá điện vốn rất nhạy cảm do tác động đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội, người dân và doanh nghiệp (DN) nhưng từ trước tới nay chỉ thấy tăng không thấy giảm, khiến DN luôn sống trong tình trạng phập phù.

 

Dù giá điện có đẩy cao lên một chút nhưng nếu được công khai, minh bạch trước người dân sẽ dễ được chấp nhận hơn, thay vì để giá mập mờ, người dân không tin vào phát triển của EVN, không tin vào báo cáo lỗ, lãi

ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An)

ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) đề xuất cần phải làm rõ căn cứ lập giá điện, phải tiến hành kiểm toán giá điện tại EVN. “Dù giá điện có đẩy cao lên một chút nhưng nếu được công khai, minh bạch trước người dân sẽ dễ được chấp nhận hơn, thay vì để giá mập mờ, người dân không tin vào phát triển của EVN, không tin vào báo cáo lỗ, lãi. Nếu có thể, tiến hành kiểm soát, giám sát, thực hiện kiểm toán định kỳ 6 tháng/lần”, ĐB Hải đề xuất.

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cũng cho rằng, cần phải quy định rõ những nguyên tắc đối với điều chỉnh giá bán lẻ điện ngay trong dự thảo luật để từ đó có thể minh bạch giá điện, vừa có sự điều tiết của nhà nước vẫn đảm bảo giá theo thị trường, hài hòa bình đẳng lợi ích giữa DN, người dân và nhà nước.

ĐB Huỳnh Minh Thiện, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị cho rằng, trong các yếu tố cấu thành giá điện và các loại phí ở điều 31, có rất nhiều giá và phí khác nhau nên phải giải thích rõ các loại giá và phí này để tránh trùng lắp. “Tôi đề nghị bỏ phí điều tiết điện lực vì khách hàng đã trả giá và phí cho người cung cấp điện, còn hoạt động điều tiết điện lực lại do Cục Điều tiết của Bộ Công thương, là cơ quan chức năng của nhà nước thực hiện cho nên không thể tính phí thêm về việc điều tiết với hoạt động điện”, ông Thiện nói.

ĐB Ngô Ngọc Bình, Phó tư lệnh Quân khu 7, thậm chí còn đề nghị nên bỏ hết các loại phí, vì khi điện bán cho khách hàng đã được tính hết giá thành, chi phí.

A.Vũ - T.Nguyễn - N.Minh

>> Chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ 1.7
>> ĐBQH đề nghị không để doanh nghiệp tự định giá điện  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.