Khu dân cư này nằm ở km 9+300, đường Phạm Văn Đồng, bên đường từ Hải Phòng xuống Đồ Sơn, thuộc phường Anh Dũng, Q. Dương Kinh, nguyên là xã Anh Dũng, H. Kiến Thụy.
Chúng tôi đến nhà ông Vũ Hữu Thanh, khi trong nhà có gần chục người đang chờ để kể cho nhà báo nghe những rắc rối họ gặp phải suốt hơn chục năm qua. Ông Thanh có con trai ông là Vũ Đức Phú, 16 tuổi nhưng chưa có chứng minh nhân dân.
"Từ lúc cháu đủ 14 tuổi, tôi đã lên phường xin làm chứng minh thư cho con nhưng các cán bộ đều lắc đầu, nói rằng muốn xin dấu thì về nơi thường trú cũ mà xin", ông Thanh nói.
Phần lớn các hộ dân sống ở dãy tập thể gồm 54 hộ đều đi khỏi nơi cư trú cũ gần 20 năm nên khi trở về xin giấy khai sinh, hoặc làm các thủ tục khác rất khó khăn, bởi cán bộ xã mới lên không biết những người đã rời quê từ hàng chục năm trước.
Chị Bùi Thị Phương (31 tuổi) bức xúc: "Tháng 5.2009, tôi sinh bé Quỳnh Trang, ngay sau đó gia đình tôi đã lên chính quyền phường xin làm giấy khai sinh cho con nhưng khi đến cán bộ phường lại cho rằng đất của gia đình tôi đang ở là không có giấy tờ nên phường không cấp".
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hương than thở: "Năm 2011, con trai tôi là Ngô Viết Anh, 25 tuổi, đến phường xin dấu hồ sơ thuyền viên nhưng không được nhận vào một công ty vận tải biển, đành phải đi làm tự do”.
Theo ông Vũ Hữu Thanh lên UBND P. Anh Dũng xin xác nhận hồ sơ cho con, một cán bộ phường giải thích: “Riêng dân ở khu 54 hộ, thành phố chỉ đạo không cho tạm trú, nên không thể xác nhận được”. Rồi cán bộ này lại bảo ông Thanh về địa phương, nơi thường trú mà xin.
Nguyên nhân của việc không cấp tạm trú, không cấp hộ khẩu, không xác nhận, không làm chứng minh thư cho người dân thuộc khu 54 hộ trên địa bàn P.Anh Dũng là do các hộ này đang sinh sống trên đất không có giấy tờ hợp pháp.
Đây vốn là đất canh tác của công ty giống cây trồng Hải Phòng, từ năm 1994, công ty này giao khoán thời hạn 20-30 năm cho hai công nhân là Nguyễn Duy Đô và Nguyễn Thị Chen. Sau đó, ông Đô, bà Chen lại giao cho các hộ dân khác canh tác, có nhà làm ki ốt bán hàng, có nhà nuôi trồng thủy sản, sang nhượng nhiều lần thành khu dân cư 54 hộ như hiện nay.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Xuân Hiếu, Chánh văn phòng UBND Q.Dương Kinh cho biết: "Vấn đề của khu 54 hộ dân có yếu tố lịch sử, từ thời chưa tách quận Dương Kinh từ huyện Kiến Thụy. Khu vực này vốn là đất nông nghiệp, trước đây đã nhiều lần huyện Kiến Thụy giải tỏa nhưng không thành. Do giấy tờ, căn cứ pháp lý không đủ nên chúng tôi không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Đến nay, chúng tôi đang làm thủ tục xin thành phố lập một khu tái định cư, gồm cả chung cư và nhà liền kề, phụ vụ tái định cư cho nhiều dự án phải thu hồi đất trên địa bàn. Khi có khu này, chúng tôi sẽ xem xét, ưu tiên cho các hộ trong khu 54 hộ nói trên để họ có cuộc sống ổn định, cấp giấy tờ theo đúng quy định của nhà nước".
Thiên Bình - Nguyễn Đức
>> Đời nữ ngư dân
>> Niềm vui ngư dân trẻ
>> Mất tiền, vào tù vì đi lao động chui
>> Trở lại biển khơi
>> Mô hình tổ hợp tác khai thác hải sản
Bình luận (0)