Tình nguyện vào hội
Một ngày cuối tháng 4.2012, tại trụ sở của Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.Đà Nẵng (gọi tắt là Vava Đà Nẵng) náo nhiệt hẳn bởi sự hiện diện của đoàn Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình thuộc Chi hội 160. Sau khi đi thăm điểm tẩy rửa và các điểm nóng về chất độc da cam trong khu vực sân bay Đà Nẵng, tận mắt chứng kiến nỗi đau của những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang được nuôi dưỡng tại xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang (Đà Nẵng) cũng như hoàn cảnh khó khăn của 2 gia đình nạn nhân chất độc da cam, đoàn Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình đã không kìm được cảm xúc. "Những cựu binh Mỹ thực sự bị sốc trước hậu quả tàn khốc của chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh và những di chứng kinh hoàng của nó để lại trên thân thể những đứa trẻ tật nguyền, dị dạng" - anh Phan Thanh Tiến, Phó chủ tịch Vava Đà Nẵng, kể.
|
Sau khi nghe giới thiệu về mục đích, ý nghĩa, hoạt động của Vava Đà Nẵng, 14/15 thành viên của đoàn đã tình nguyện trở thành hội viên danh dự của Vava Đà Nẵng. Trong đơn của mình, cựu binh Mỹ Chuck Searcy (tên đầy đủ là Charles Mathes Searcy, sinh năm 1944) ghi rõ: "Với mục đích nhân đạo và từ thiện, tôi tự nguyện là thành viên danh dự của Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.Đà Nẵng để có thể đóng góp một phần trong việc huy động, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam ở TP.Đà Nẵng”.
Từ năm 2005 đến nay, đã có gần 50 người nước ngoài gồm nhiều quốc tịch như: Mỹ, Ý, Pháp, Úc, Canada, Nhật Bản, Anh tình nguyện tham gia Vava Đà Nẵng, trong số này người Mỹ chiếm đa số với gần 30 người.
Tích cực giúp nạn nhân da cam
Tháng 4.2008, bà Nadya Mari Williams (Mỹ) chính thức tham gia Vava Đà Nẵng. Là người từng tham gia phản chiến trong cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam nên khi nhận ra sự tàn phá nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin trong thời bình, bà Nadya Mari Williams nhiệt tình tham gia hỗ trợ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại Mỹ. Theo anh Phan Thanh Tiến, các chương trình hoạt động của các đoàn nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam sang Mỹ đều nhận được sự giúp đỡ quý báu, không vụ lợi của bà, từ việc tổ chức vận động, bố trí nơi ăn ở cũng như đi lại, thậm chí kêu gọi người Mỹ ủng hộ vụ kiện của nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Đoàn Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ, trong đó có một số thành viên Ban Cứu trợ và Vận động trách nhiệm ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Mỹ, đã ủng hộ cho đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sang Mỹ đòi công lý.
Trong khi đó, ông Chuck Palazzo - một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam thì tìm cách giúp đỡ trực tiếp cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Vào Vava Đà Nẵng tháng 11.2011, Chuck Palazzo ngay lập tức mua các loại con giống: heo, bò, gà, vịt để cơ sở nuôi dạy chăm sóc trẻ bị nhiễm da cam/dioxin ở xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang nuôi nhằm tạo nguồn thực phẩm thường xuyên cho các cháu. Ông cũng tích cực đóng góp kinh phí để tặng 20 gia đình nạn nhân, mỗi gia đình 500.000 đồng trong dịp tết Nhâm Thìn 2012. Ngoài ra, ông Chuck Palazzo cũng vận động 2 thành viên khác đóng góp mỗi người 10 triệu đồng để mua 2 con bò giống tặng cho 2 gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại H.Hòa Vang làm kế sinh nhai. Riêng Giáo sư Kenneth Jonh Hermann, Giám đốc chương trình SUNY Brockport Việt Nam (thuộc ĐH Quốc gia New York tại Brockport) hằng năm đều đưa các đoàn sinh viên của trường đến hoạt động tình nguyện tại các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thuộc Vava Đà Nẵng... Còn ông Donald Foidart (quốc tịch Canada) bỏ ra một khoản kinh phí khá lớn để mua nhà, lập cơ sở nuôi dưỡng chăm sóc trên 50 em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin...
Những việc làm thiết thực, tích cực của những hội viên danh dự khắp năm châu thuộc Vava Đà Nẵng, trong đó có cả những cựu chiến binh Mỹ là cầu nối hữu hiệu để kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Nguyễn Hữu Trà
Bình luận (0)