Đến với 64 gia đình thân nhân liệt sĩ
Đây là lần thứ 2, các gia đình liệt sĩ ở Khánh Hòa có người thân hy sinh tại Gạc Ma năm 1988 nhận khoản hỗ trợ 10 triệu đồng của Hội Cựu chiến binh Tập đoàn dầu khí VN, còn hai gia đình tại Phú Yên thì đây là lần đầu tiên cùng lúc nhận 30 triệu đồng từ các đơn vị tài trợ BIDV, Agribank, đại diện Ban Tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ VN và Hội Cựu chiến binh Tập đoàn dầu khí VN.
|
Vậy là sau gần một tháng triển khai chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc Ma”, phóng viên Báo Thanh Niên đã có mặt trên 15 tỉnh, thành phố từ Khánh Hòa đến Hải Phòng để trao tổng cộng số tiền 1 tỉ 570 triệu đồng cho 64 thân nhân gia đình liệt sĩ có người thân hy sinh tại đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa ngày 14.3.1988. Mỗi gia đình được nhận 30 triệu đồng.
Hiện Hội Cựu chiến binh Tập đoàn dầu khí VN chỉ mới triển khai tặng quà cho số gia đình liệt sĩ Gạc Ma từ Quảng Bình trở vào đến Khánh Hòa. Số gia đình còn lại, hội sẽ tiếp tục triển khai đợt 2 trong năm nay dự kiến khoảng 350 triệu đồng nữa.
Máu của họ đã hòa vào biển cả
Trong số 64 liệt sĩ Gạc Ma thì Phú Yên có 2 người: Phan Tấn Dư ở huyện Tây Hòa và Trương Văn Thịnh ở TP.Tuy Hòa. Đây là hai liệt sĩ có số phận khá đặc biệt, Thịnh ra đi ở tuổi 24, còn Dư hy sinh đúng lúc anh tròn 20 tuổi. Cả hai liệt sĩ hiện chỉ còn 2 mẹ già đã qua tuổi 80.
Mẹ Dư, cụ bà Lê Thị Niệm có 13 người con. “Có phải vì má đặt tên cho nó là Dư không mà để má suốt đời thiếu nó?”, câu nói của mẹ Dư đã ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường về cách đây hơn 2 tháng, khi chúng tôi lần tìm các địa chỉ để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt tại Cam Ranh nhưng bất thành. Để lần tìm ra nhà Phan Tấn Dư tại Tây Hòa này, chúng tôi phải nhờ đến Nguyễn Văn Dũng, một cựu binh Trường Sa, hiện sống tại Nha Trang.
Đầu tháng 3.1988, một cơn ho làm vỡ giọng anh lính thông tin Nguyễn Văn Dũng trước ngày ra Trường Sa đã khiến cho người chỉ huy buộc phải thay Dũng bằng Phan Tấn Dư với lý do “lính thông tin mà khản giọng thế, nói trong máy bộ đàm ai mà nghe được”. Thế là Dư thay Dũng và Dư mãi mãi nằm lại ở Gạc Ma. Dũng luôn nặng lòng với suy nghĩ “Dư là người chết thế” mình nên anh nhận má Niệm (mẹ Dư) làm má nuôi với một tình yêu thương đặc biệt.
Còn số phận của Trương Văn Thịnh lại kỳ lạ hơn. Thịnh nhập ngũ năm 1985, nghĩa là đến đầu năm 1988 là gần tròn ba tuổi quân và chuẩn bị xuất ngũ sau gần 3 năm ngang dọc Trường Sa. Anh về thăm mẹ để ăn cái tết Mậu Thìn năm đó (1988) rồi vô Cam Ranh nằm chờ ngày xuất ngũ. Thế rồi Trường Sa những ngày tháng ấy vô cùng căng thẳng và ngột ngạt. Lứa nhập ngũ năm 1985 chuẩn bị ra quân, nếu cho về một lúc thì “trắng đảo” mà các tàu của Trung Quốc bấy giờ thì luôn luôn rình rập mưu toan chiếm các đảo chìm của ta. Trương Văn Thịnh và các đồng đội của anh buộc phải lên đường ra Trường Sa lần nữa. Và rồi anh cùng với 63 người nữa đã vĩnh viễn không về.
Thịnh không về và Dư cũng vậy. Nhiều người trong số 64 liệt sĩ Gạc Ma cũng không về dù là về bằng một nắm xương. Máu của họ đã hòa vào biển cả. Xương của họ đã khắc ghi thêm cho Tổ quốc một dấu mốc biên cương giữa trùng khơi.
Trần Đăng - Đức Huy
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma tại Khánh Hòa - Phú Yên
Bình luận (0)