Xung đột cha mẹ chảy về “chỗ trũng”

09/06/2012 08:38 GMT+7

Những ngày buồn bã sẽ luôn đến với con trẻ nếu hằng ngày phải “hít thở” với những xung đột dai dẳng từ người lớn.

Một ngày cuối tháng 4, anh Nguyễn Tùng M. (doanh nhân 39 tuổi) ở Q.3, TP.HCM, lại tìm đến chuyên viên tâm lý sau trận cãi vã nảy lửa với vợ.

Chuyện nhà nào... cũng gặp

Theo lời anh, họ sống với nhau 13 năm nhưng cô vợ cứ nhõng nhẽo như ngày xưa. Cô luôn bắt anh chở đến những không gian thơ mộng, quan tâm từng li từng tí, không được thì làm mình làm mẩy. Hôm trước, anh về nhà trễ lại có hơi men, vợ thấy số lạ trong điện thoại la toáng lên. Được dịp, anh tuôn hết những “uất ức” bấy lâu, chị cũng lớn tiếng, còn hai con ngồi khóc thút thít.

Nhưng chuyện chăm sóc, nuôi dạy con mới là chủ đề cãi vã nhiều nhất giữa họ. Con đến tuổi ăn giặm, vợ thì cho tất cả những thứ bổ dưỡng xay nhuyễn như sinh tố hỗn hợp, còn chồng muốn để riêng từng món cho bắt mắt. Về quê ngoại, anh muốn con thoải mái ra ruộng thọc hang cua, còn chị thì cấm.  “Cứ mỗi lần cãi vã lại giận nhau cả tuần, tụi nhỏ buồn thiu, tội nghiệp lắm”, anh M. cho biết.

Còn vợ chồng anh Quân - chị Thảo (Q.2, TP.HCM) lại hay cãi nhau về chuyện tiền nong. Anh cho rằng tiền do mình làm ra thì mình có quyền định đoạt ở mức độ nào đó, còn chị nhất nhất buộc chồng phải sung quỹ gia đình. Chị có xu hướng xài nhiều tiền cho trang phục, anh thì ngược lại nên cả hai đều thấy bực bội. Những cuộc cãi vã giữa họ còn đến từ sự dị biệt trong văn hóa vùng miền, họ “chỏi” nhau vì anh người Tiền Giang, còn chị đến từ Quảng Ngãi. Hai vợ chồng mở xưởng chế biến hạt điều, cúng khai trương đầu năm xong thì anh chia phần cho công nhân, thế là chị bất bình, lại cãi nhau và giật con qua lại.

“Thuốc độc tinh thần”

Bất đồng giữa vợ chồng là một phần tất yếu của đời sống hôn nhân. Bởi theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, mỗi người là một “bản chính” riêng biệt, chẳng ai giống ai, về tính khí, năng lực, giới tính, văn hóa, ứng xử... Còn nói như ThS Hà Trung Thành, mỗi người trong quá trình lớn lên được “cài đặt” khác nhau nên sự khác biệt là đương nhiên.

“Không có giải pháp phù hợp với hoàn cảnh sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề, đặc biệt là với con cái”, BS Nguyễn Minh Tiến, chi hội tâm lý Trăng Non, khẳng định. Khi cha mẹ xung đột, trẻ không còn nhận được yêu thương mà là “thuốc độc tinh thần”. Vì dù chứng kiến “chiến tranh nóng” hay “chiến tranh lạnh”, cái mà trẻ nhận được đều là những lời nói, cách hành xử chẳng hay ho gì. Nhiều cha mẹ thỏa thuận không cãi vã trước mặt con, nhưng theo ông Tiến, trẻ sẽ cảm nhận được sự giả vờ “đóng kịch” và thêm ý nghĩ xấu về người lớn. Trẻ đôi khi liên tưởng đến những hành vi chưa tốt của mình như là nguyên nhân gây ra xung đột giữa cha mẹ, từ đó tự kết tội và mang cảm giác tội lỗi.

“Người lớn còn biết cách giải tỏa stress chứ con trẻ thì lãnh trọn”, ông Tiến phân tích. Dễ thấy nhất trẻ trở nên trầm uất, thu rút vào thế giới riêng. Việc học của trẻ chắc chắn sẽ sa sút, vì học giỏi cũng chẳng ai khen ngợi mà có khi quậy phá lại được quan tâm hơn!

Theo Thái Bình / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.