Truyền thuyết ma cà rồng

11/06/2012 03:36 GMT+7

Việc khai quật được 2 khu mộ có dấu hiệu trấn ếm ma cà rồng tại Bulgaria một lần nữa làm sống dậy huyền thoại kẻ hút máu từ thời Trung cổ.

Sozopol (Bulgaria) có thể nhanh chóng gia nhập danh sách những địa điểm nổi tiếng nhất thế giới về truyền thuyết ma cà rồng, như lâu đài bá tước Dracula ở Romania hay Viện bảo tàng ma cà rồng ở Paris, sau khi các chuyên gia khai quật được 2 ngôi mộ cổ tại đây. AFP đưa tin các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 2 bộ xương người, có niên đại khoảng 700 năm tuổi, bị đóng gậy sắt xuyên ngực ở thị trấn bên bờ Biển Đen. Bozhidar Dimitrov, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại Sofia, tuyên bố trước giới truyền thông địa phương rằng đây là biện pháp thường thấy nhằm ngăn chặn loài hút máu trỗi dậy từ nấm mồ vào thời Trung cổ.

Thông tin trên lập tức lan truyền trên toàn thế giới, gây ngạc nhiên lớn cho giới chuyên môn. Giám đốc Dimitrov cho hay không hiểu tại sao một phát hiện bình thường như vậy lại trở thành tin tức sốt dẻo trên internet. “Có thể do bí mật bao trùm thế giới huyền thoại về ma cà rồng”, ông nói. Còn chuyên gia nghiên cứu ma cà rồng tên Merticus, quản trị viên của trang web Voices of the Vampire Community, cho rằng cứ cách vài năm lại có công trình khảo cổ liên quan đến loài sinh vật vẫn chưa được xác định này. Hầu hết các truyền thuyết thường xuất phát từ các quốc gia nói tiếng Slavic, do vậy xác suất đào được mộ mang dấu ấn ma cà rồng khá cao tại đây.

 
Ngôi mộ thu hút sự quan tâm của những người tin vào hiện tượng siêu nhiên - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Bulgaria

 
Biện pháp trấn ếm thường thấy ở những xác chết bị nghi có thể biến thành ma cà rồng - Ảnh: ĐH Florence

Theo nghiên cứu mới được thực hiện bởi nhóm của nhà khảo cổ nhân chủng học Matteo Borrini thuộc Đại học Florence (Ý), di thể của một phụ nữ qua đời trong trận đại dịch hồi thế kỷ thứ 16 tại Venice có thể là vụ trấn ếm ma cà rồng lâu đời nhất từng được ghi nhận. Bà này bị chôn với viên gạch niêm trong miệng, một trong các phương pháp phổ biến thời Trung cổ nhằm ngăn chặn những kẻ bị nghi là loài quỷ hút máu có thể quay lại tấn công người thường. Dù vậy, sự tồn tại trên thực tế của ma cà rồng vẫn là điều gây tranh cãi, bất chấp truyền thuyết về loài này xuất hiện tại nhiều quốc gia châu u.

Từ cách đây nhiều năm, dân bản xứ đã nghĩ ra các phương pháp hết sức bài bản mà họ cho rằng có thể chống lại một kẻ biến thành ma cà rồng. Đầu tiên là phòng ngừa người chết đội mồ sống dậy, từ niêm gạch đến dùng cọc sắt đóng xuyên tim, hoặc thậm chí cắt lìa đầu của họ. Đôi khi họ đào mồ và chôn lại xác chết theo tư thế úp mặt xuống đất. Để xua đuổi ma cà rồng, tương truyền người ta thường dùng tỏi, nước thánh hoặc thánh giá. Muối cũng được xem là bùa linh để cản đường kẻ hút máu, khiến ma cà rồng phải đứng lại đếm cho bằng hết hạt muối rồi mới truy đuổi tiếp nạn nhân.

Để khoanh vùng các ngôi mộ trong dạng tình nghi, người ta thường quật mộ nhằm kiểm tra các xác chết sau khi chôn được vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Đôi khi các quá trình phân hủy xác thông thường cũng bị tưởng nhầm thành hiện tượng siêu nhiên. Chẳng hạn như nếu quan tài được khóa kín, không thoát hơi, quá trình thối rữa có thể được kéo dài thêm nhiều ngày nữa. Việc phân hủy ruột có thể đẩy máu trào ra khỏi miệng, dễ tạo ra ấn tượng xác chết này mới vừa đi hút máu đâu đó với đầu óc tưởng tượng phong phú của những người đa nghi.

Hạo Nhiên

>> Đấu giá "đồ nghề" trừ ma cà rồng ở Anh
>> Phát hiện dấu tích “ma cà rồng” ở Bulgaria
>> Đèn "ma cà rồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.