Theo chiến lược “Tái cân bằng” (lực lượng) của Tổng thống Barack Obama, Mỹ sẽ tập trung 60% lực lượng hải quân tại Thái Bình Dương, bao gồm sáu tàu sân bay, một số lượng lớn tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu chiến gần bờ (LCS), tàu ngầm... Theo báo New York Times, Bộ trưởng Panetta nhấn mạnh Washington sẽ triển khai nhiều loại vũ khí thế hệ mới, hiện đại trong khu vực, bất chấp tình trạng ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ giảm.
Ông Panetta nhắc đến một số loại vũ khí nổi bật như máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Joint Strike Fighter (F-35 Lighting II), tàu ngầm tấn công tốc độ cao lớp Virginia, máy bay ném bom thế hệ mới, máy bay tuần tra hàng hải và chống tàu ngầm hiện đại, bom đạn định hướng, máy bay tiếp nhiên liệu trên không, hệ thống liên lạc và chiến tranh điện tử... “Các loại vũ khí này sẽ giúp Mỹ tự do hoạt động tại những khu vực bị ngăn chặn” - ông Panetta khẳng định.
Máy bay, tàu ngầm tiền tỉ
Đầu tiên cần phải nhắc đến chiến đấu cơ tàng hình F-35, sản phẩm của Hãng Lockheed Martin. F-35 có tốc độ bay tối đa 1.900 km/giờ, có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, mang theo hai tên lửa không đối không và hai quả bom định hướng ở khoang chứa bom, bốn bom và tên lửa khác dưới cánh. Với thiết kế và vật liệu hiện đại, máy bay F-35 không chỉ tránh sóng rađa cực tốt mà còn tránh được các thiết bị dò tìm bằng tia hồng ngoại. Giá mỗi chiếc F-35 197-236 triệu USD. Theo tạp chí Wired, không quân Mỹ đang phát triển tên lửa siêu thanh để trang bị cho F-35.
Tạp chí The Diplomat cho biết từ năm 2011, không quân Mỹ đầu tư 3,7 tỉ USD trong vòng năm năm để phát triển một loại máy bay ném bom đường dài thế hệ mới nhằm “thay đổi thế cân bằng quyền lực trên Thái Bình Dương”. Dự kiến Mỹ đưa máy bay này vào sử dụng từ năm 2018 và đến năm 2020 sẽ có khoảng 100 chiếc. Tổng đầu tư cho chương trình máy bay ném bom thế hệ mới có thể lên tới 40-50 tỉ USD.
Máy bay ném bom thế hệ mới có khả năng tàng hình, bay với tốc độ siêu thanh, thả được bom hạt nhân, chở tổng cộng 12.700kg bom đạn, đặc biệt “đủ sức ném bom vào ban ngày tại vùng lãnh thổ được vũ trang nghiêm ngặt của địch”. Hiện tại quân đội Mỹ đang triển khai các loại máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52 trên Thái Bình Dương, nhưng chỉ 20 chiếc B-2 có khả năng tránh sóng rađa, B-1 và B-2 dễ bị máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không triệt hạ.
Loại phi cơ đáng chú ý nữa của quân đội Mỹ là Boeing P-8 Poseidon nhằm phục vụ tuần tra hàng hải và chống tàu ngầm trên Thái Bình Dương. Đi vào hoạt động từ năm 2013, Boeing P-8 Poseidon sẽ thay thế dòng máy bay Lockheed P-3 Orion cũ kỹ. Giá mỗi chiếc vào khoảng 220 triệu USD. Không chỉ có khả năng tuần tra trên biển và phát hiện tàu ngầm bằng việc thả phao âm, Boeing P-8 Poseidon còn mang theo nhiều loại vũ khí như thủy lôi, bom phá tàu ngầm, tên lửa chống tàu...
Nổi bật trong số các loại tàu hiện đại Mỹ đưa đến Thái Bình Dương là tàu ngầm tấn công tốc độ cao lớp Virginia, có khả năng hoạt động ở cả vùng nước cạn và nước sâu, chạy bằng năng lượng nguyên tử và hoạt động cực kỳ lặng lẽ. Giá mỗi chiếc lên tới 1,8-2,4 tỉ USD. Tàu ngầm lớp Virginia di chuyển dưới nước với tốc độ 46km/giờ, được trang bị thủy lôi, tên lửa Tomahawk, Harpoon...
Theo báo Philippines Daily Inquirer, hồi giữa tháng 5 một tàu ngầm lớp Virginia của hải quân Mỹ đã đến đậu tại vịnh Subic ở Philippines trong thời điểm quan hệ Philippines - Trung Quốc căng thẳng do tranh chấp bãi cạn Scarborough trên biển Đông.
Chống chiến lược “ngăn chặn tiếp cận”
Hồi tháng 4, truyền thông Mỹ cũng gây chấn động khi đưa tin hải quân Mỹ đang phát triển loại tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt, giá tới 3 tỉ USD mỗi chiếc, có khả năng hoạt động ở cả vùng biển sâu và gần bờ. Tàu khu trục lớp Zumwalt có khả năng chở theo máy bay trực thăng, được trang bị ít nhất 80 quả tên lửa, súng điện từ (dùng từ trường để bắn đạn bay gấp vài lần tốc độ âm thanh).
Dự kiến những chiếc tàu khu trục lớp Zumwalt đầu tiên sẽ xuất hiện trên Thái Bình Dương vào năm 2014. Một số chuyên gia quân sự Mỹ khẳng định với chiếc tàu siêu hiện đại này, Mỹ sẽ dễ dàng hạn chế chiến lược hải quân của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng đang chú trọng phát triển các loại bom đạn định hướng bằng hồng ngoại và tia laser. Trang Military.com nghiên cứu chiến lược Chiến trận không - biển của Mỹ khẳng định Mỹ đang triển khai vũ khí và lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương để đề phòng trường hợp “xảy ra một cuộc xung đột lớn với Trung Quốc”.
Không phải ngẫu nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta nhắc đến các “khu vực bị ngăn chặn”. Theo báo mạng Asia Times, từ thập niên 1990 quân đội Trung Quốc đã phát triển chiến lược “Ngăn chặn tiếp cận” (anti-access/area denial - A2/AD) với tên lửa Đông Phong có khả năng phá hủy tàu sân bay, tàu ngầm tấn công cùng các vệ tinh Bắc Đẩu. Với hệ thống này, Trung Quốc muốn ngăn chặn quân đội Mỹ tiếp cận eo biển Đài Loan và biển Đông trong trường hợp xảy ra xung đột. Rõ ràng người Mỹ đã có sự chuẩn bị đầy đủ và toàn diện cho một cuộc đối đầu trên Thái Bình Dương.
Theo Hiếu Trung / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)