Đã trót đam mê cải lương, xem việc đi thi là cơ hội để tiến lên con đường chuyên nghiệp nhưng không phải ai cũng suôn sẻ. Nhiều người cũng đã mệt mỏi, đành bỏ cuộc trở lại hát quán bia, bán thuốc lá dạo sau nhiều lần ra về tay trắng và gặp rắc rối do quá “nhẵn mặt” tại các cuộc thi.
Thay tên, đổi địa chỉ
Lý Hạo Phong quê ở huyện Cầu Kè - Trà Vinh, từ năm 16 tuổi đã biết ca đủ 3 nam, 6 bắc và “bỏ túi” sơ sơ 30 bài vọng cổ. Anh vào nghề qua việc tham gia cuộc thi văn nghệ Tiếng hát Nông dân của huyện nhà, rồi lên tỉnh.
Lần nào, Phong cũng đoạt giải cao nhưng phải đổi nghệ danh, rồi có khi đổi cả địa chỉ để được chấm giải. Phong kể: “Nếu biết tôi ở Trà Vinh mà qua địa phương khác thi, các cuộc thi văn nghệ địa phương sẽ không trao giải.
Nhưng “đi đêm có ngày gặp ma”, một lần tôi thi ở Vị Thanh - Hậu Giang, ban tổ chức phát hiện khai gian, loại ngay từ vòng đầu. Rồi có lần, tôi vào đến chung kết, chắc chắn được giải nhất vì không thí sinh nào ca vững nhịp bằng. Nhưng khi biết tôi đã nhiều lần lãnh giải, ban tổ chức hạ từ hạng nhất xuống hạng tư, đồng giải với một thí sinh khác”.
Khác với Phong, Nguyễn Mỹ Lan (quê Long An) là thí sinh thi dạo theo yêu cầu của đạo diễn thầu chương trình dự thi ở các liên hoan, hội diễn. Nhưng cô cũng gặp rắc rối vì đổi tên liên tục.
Lan tâm sự: “Cứ tham gia một cuộc thi là tôi được đổi tên, đổi họ, đổi luôn cả nơi khai sinh và trở thành công nhân của một xí nghiệp nào đó. Thủ thuật của các đạo diễn nhận dàn dựng các chương trình dự thi ở các liên hoan, hội diễn là hô biến chúng tôi thành công nhân, rồi cho đứng vào hàng ngũ dự thi. Vì đổi nhiều tên nên khi lãnh giải tôi quên mất tên giả của mình và cứ ngồi im mặc ban tổ chức réo gọi”.
Vũ Thị Ninh Giang sinh ra ở Gia Lai nhưng gia đình vào Nam lập nghiệp. Chính vì gốc gác ở Tây Nguyên mà lại biết ca vọng cổ nên kỳ thi nào Giang cũng là thí sinh đoạt giải phụ… Một lần, cô về Gia Lai thi văn nghệ, vì tham nên ghi danh đến 3 cuộc thi, không ngờ cả 3 cuộc thi bị trùng giờ.
Khổ nỗi, cả 3 ban tổ chức đề nghị phải dự thi với đàn cổ và thí sinh phải ca với dàn nhạc trong khi “người đệm đàn guitar cổ nhạc đi nhầm địa điểm. Lần thi đó xem như trắng tay, vì phải lo ăn, ở cho ban nhạc, tưởng sẽ “vinh quy” tại quê nhà, nào dè…”.
Nặng gánh mưu sinh
Gặp rắc rối nhiều khiến các “thợ” thi trên bỏ ngang, quay trở lại với các công việc bình thường để mưu sinh. Hiện nay, Phong là một giọng ca quen thuộc trong một quán bia vọng cổ ở quận 8 - TPHCM. “Đêm nào cũng nhậu, nốc bia và ca thì khách mới cho tiền” - Phong thổ lộ. Anh lắc đầu khi nói đến ước mơ theo nghề diễn: “Tôi thấy nghề đi thi của mình nếu không có ý chí thì chỉ hát quán bia thôi”.
Sau một thời gian đi ca quán bia vọng cổ, chung sống với một nhạc công, rồi ông chủ quán bia có tình ý, Ninh Giang bị bà chủ đánh ghen. Giang bỏ việc ca hát, nuôi con với tủ thuốc lá ven đường.
Bùi Minh Luân (quê Bến Tre) cũng từng đi thi dạo trước khi được tuyển vào CLB Đờn ca tài tử Hóc Môn (TPHCM). Nhưng rồi Luân vẫn không sống được với đờn ca tài tử bởi thu nhập không cao, dù biểu diễn phục vụ khách du lịch. Tiền boa phải chia đều còn thua thu nhập anh kiếm được từ đi thi dạo. “Nhưng tôi không thể đi thi hoài vì ban tổ chức đều nhận ra mặt tôi” - Luân thú nhận.
Dần dần, nản với việc cứ phải đổi tên, chàng trai quê Bến Tre cũng phải tìm cách khác để sống. Luân tâm sự: “Giờ tôi đi hát phá hoàng, một hình thức khóc mướn cho các đám tang nhưng có nghệ thuật, nghĩa là mặc phục trang, hóa thân vào các vai tuồng để ca rồi khóc, có ban nhạc cổ đệm và có múa võ, phun lửa. Mỗi đêm kiếm được vài trăm ngàn, có khi tiền gia chủ “boa” lên đến gần 2 triệu đồng”.
Hầu hết những thí sinh dự thi dạo đều không theo nghề ca diễn như mơ ước ban đầu. Các cuộc thi là nơi họ cố tìm danh lợi nhưng khi đã cố nhiều lần mà không được gì, họ đành ngậm ngùi chia tay giấc mơ, quay trở về với việc mưu sinh hằng ngày.
Bị ăn chặn tiền thưởng
Một số thí sinh bị lôi kéo vào các cuộc thi cấp phường, huyện để gây dựng phong trào cho địa phương. Tuy nhiên, khi đoạt giải, chia tiền thưởng không đều, họ mâu thuẫn nhau.
Lê Thị Bạch Vy (quê Bạc Liêu), hiện đang hát ở một quán bia tại quận 5 - TPHCM, kể: “Tôi đã làm đơn kiện phó ban tổ chức của một cuộc thi vì đã ăn chặn tiền thưởng khi tôi nhận lời đứng tên trong đơn vị dự thi của một địa phương.
Lần đó, tôi đoạt giải nhì, giải ca bài bản hay và giải thí sinh nhỏ tuổi nhưng chỉ được 500.000 đồng cho ba giải. Sau đó, một vài anh chị ở địa phương này khuyên tôi hãy bỏ qua vì nếu kiện cũng không được gì”.
Và đó cũng là lần duy nhất Bạch Vy làm “nghề” đi thi, “tôi thà ca quán, mỗi đêm nhận vài chục ngàn tiền “boa” của khách còn quý hơn là bị ăn chặn một cách phũ phàng như thế” - Bạch Vy nói.
Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động
Bình luận (0)