Theo Kết luận, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X), công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành.
Về nhiệm vụ, giải pháp, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước là nhân tố quyết định thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải thật sự gương mẫu và dành thời gian thích đáng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Sớm sửa đổi, bổ sung luật Đất đai và pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, theo hướng tăng cường công khai, minh bạch trong các khâu quy hoạch, thu hồi, bồi thường, giao đất, cho thuê đất, định giá, đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản... Quy định rõ ràng, cụ thể hơn quyền hạn, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với đất đai, tài nguyên. Hoàn thiện các quy định để quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách; việc chi tiêu công, nhất là mua sắm và đầu tư công; sửa đổi, bổ sung các quy định về việc thành lập các trung tâm mua sắm công tập trung, theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X).
Hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn của Nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, đầu tư xây dựng; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quy định cụ thể và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương.
Thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Nghiên cứu ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng.
Ở Trung ương, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư làm Trưởng ban. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; đồng thời, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Giao Bộ Chính trị xem xét, quyết định cụ thể việc lập ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy để tham mưu cho cấp ủy về công tác nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng.
TTXVN
Bình luận (0)