|
Câu chuyện vườn Lệ Chi 20 năm sau, Nguyễn Trãi và ba họ đã thành thiên cổ nhưng chữ Oan vẫn day dứt trong lòng người, nhất là trong trái tim của Lê Tư Thành, nay được đưa lên ngôi trở thành vua Lê Thánh Tông. Ông là con của bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, thuở ấu thơ từng được Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ che chở thoát khỏi sự tàn sát của bà phi Nguyễn Thị Anh. Nhưng rồi Nguyễn Thị Anh hối hận, đem Lê Tư Thành về cung, nuôi dạy chu đáo với ý đồ ông sẽ là trợ thủ đắc lực cho Lê Bang Cơ (vua Lê Nhân Tông), con của bà. Không ngờ hoàng tử Nghi Dân làm loạn, giết Nguyễn Thị Anh và Lê Nhân Tông - người mới lên ngôi được vài tháng. Cuối cùng, Lê Tư Thành được triều đình tôn xưng hoàng đế. Hai mẹ con ông “bất chiến tự nhiên thành”. Kịch bản cũng xoáy vào khía cạnh này để khắc họa chân dung vua hiền và những đạo lý ở đời mà chừng như nhắc nhở cho người hôm nay. Nỗi thao thức của người xưa cũng là nỗi thao thức của bây giờ…
Vua Lê Thánh Tông không bon chen tranh giành cướp đoạt, chỉ lo rèn nhân đức, tài trí, sáng ngời như viên ngọc, làm sao không chinh phục lòng người. Khi lên ngôi, ông cũng sáng mắt sáng lòng để nhìn thấu những nguy cơ ẩn giấu trong nền hòa bình của đất nước, nhìn thấu những con người dần biến chất, bỏ chính đạo đi vào bá đạo. Ăn chơi, hưởng lạc, xây dựng dinh phủ nguy nga, bóc lột, hà hiếp dân lành... Vua ngày đêm lấy Bình Ngô đại cáo làm gương soi, để đối diện với thực tại đau lòng và để tìm cách giải oan cho đại thần Nguyễn Trãi. Một vụ án không đơn giản, nhưng nhà vua với tài trí thông minh nhân hậu đã xóa được vết nhơ của lịch sử. Chân dung Lê Thánh Tông được tác giả Lê Duy Hạnh lấy làm tựa đề là vì thế. Và NSƯT Thành Lộc với dung mạo đoan chính, thông tuệ, vừa mềm mại vừa cương quyết, vào vai Lê Thánh Tông vô cùng thuyết phục.
Nhưng lịch sử không hề ghi rõ Lê Thánh Tông làm cách nào để xét lại vụ án, cho nên đây là “khoảng trống” cho nhà biên kịch hư cấu. Nhân vật Quốc công do NSƯT Hữu Châu thủ vai trở thành đối trọng xứng đáng với Thành Lộc. Một vị đại thần có công đưa Lê Thánh Tông lên ngôi nhưng cũng dần biến chất, khiến nhà vua phải đau lòng khi xử tội. Lớp diễn giữa hai người căng thẳng chính tà, nhưng đầy hào sảng khí khái giữa hai kẻ sĩ vừa hiểu nhau vừa phục nhau. Quốc công văn võ song toàn, nên mới nhận ra minh quân mà đưa lên ngôi. Lê Thánh Tông cũng không nỡ bỏ đi người tài đức, nên vua thiết tha đánh thức lương tri chỉ mới vừa suy giảm. Tấm lòng ấy cảm hóa được Quốc công. Hữu Châu với chất giọng mạnh mẽ, nhấn nhá rất hay, khiến cả khán phòng cứ bừng bừng cảm xúc. Và một mối tình cũng được hư cấu cho anh có những khoảng lặng êm ái, càng lấy cảm tình khán giả.
Đạo diễn Vũ Minh vốn quen dàn dựng những chương trình cải lương khá lớn như live show Bảo Quốc, vở Đả chiến phá sông Ngân, Câu thơ yên ngựa, Đào Tam Xuân báo phu cừu, nên anh vào vở này xem ra nhẹ nhàng, dễ chịu. Anh tạo nền chính cho vở bằng chữ Oan và chữ Bình Ngô đại cáo, vừa giản dị vừa như lát cắt vào trái tim người xem, bắt người ta không được lãng quên. Vũ Minh lại cho xuất hiện một tựa sách khác của Nguyễn Trãi, “Đạo trị nước” (Trị quốc sách). Tất cả phông nền chủ đạo của Vũ Minh đều xoay quanh tác phẩm Nguyễn Trãi, đúng hơn là xoay quanh tinh thần của Nguyễn Trãi, tinh thần vì dân, vì nước, nhắc vua lẫn quan phải làm theo để tồn tại. Thế cho nên, chuyện xưa mà vẫn mới. Những lời thoại thẳng thắn, cương trực mà khán giả nghe xong liền mỉm cười thú vị, buột miệng “thế mới là…Lê Duy Hạnh!”.
Hoàng Kim
Bình luận (0)