Dễ phòng bệnh do thời tiết

18/06/2012 09:23 GMT+7

Ngày càng nhiều thầy thuốc quả quyết rằng liệu pháp dẫn xuất từ thiên nhiên là biện pháp rất hiệu quả để điều trị hội chứng rối loạn thần kinh giao cảm do kích ứng biến động từ môi trường.

 Dễ phòng bệnh do thời tiết
Thường xuyên rèn luyện cơ thể bằng các loại hình tập luyện vừa sức là giải pháp hữu hiệu để duy trì sức đề kháng của cơ thể trước diễn biến thất thường của thời tiết - Ảnh: Xuân Thảo

Theo thống kê năm 2011 của các hãng bảo hiểm y tế ở châu u, không dưới 50% người trưởng thành ít nhiều ê ẩm mình mẩy khi trở trời mà trong số đó thường 2/3 là phụ nữ. 

Ở nước ta, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng chỉ cần xem cảnh nhà thuốc bận rộn mỗi khi có áp thấp nhiệt đới hay thời tiết thất thường thì hiểu ngay số người không khỏe vì thời tiết đông hơn số người chưa bệnh. 

Theo các chuyên gia ngành y, sở dĩ có tình trạng này là do hệ thần kinh giao cảm không thích ứng kịp với môi trường buổi sáng nắng chang chang bỗng chiều mưa tầm tã, trưa đang nóng hừng hực tối lại lạnh căm căm. 

Không ai giống ai. Tùy theo khả năng cảm ứng của mỗi người mà hệ quả của tình trạng nêu trên biến dạng đủ kiểu. Người nhức đầu kẻ sổ mũi, ho đàm, rối loạn tiêu hóa, thậm chí có người trầm cảm. Vì triệu chứng rất đa dạng nên danh mục thuốc trị bệnh vì thời tiết thất thường cũng dài lê thê. Các hãng thuốc tất nhiên không dại gì bỏ qua cơ hội chào bán đủ loại thuốc cảm. Hay dở thế nào chưa biết nhưng có một điều chắc chắn là thuốc này chưa kịp hết “đát” thì thuốc mới đã ra lò! 

Đáng nói hơn nữa là tuy không ít loại thuốc hạ nhiệt, giải cảm… đã được lưu hành từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có thầy thuốc nào dám khẳng định tính chất ưu việt của một loại thuốc nào đó với công trình nghiên cứu đủ sức thuyết phục. Ngược lại, tiếng chuông báo động về phản ứng phụ của thuốc thì liên tục vang lên. 

Thêm vào đó, càng lúc càng nhiều thầy thuốc quả quyết là kinh nghiệm y học dân gian và liệu pháp dẫn xuất từ thiên nhiên là biện pháp hiệu quả để điều trị hội chứng rối loạn thần kinh giao cảm do kích ứng biến động từ môi trường. 

Bằng chứng là sau trung tâm điều trị “hội chứng trở trời” đầu tiên thành công ở Cộng hòa Áo, hàng loạt trung tâm đã hình thành ở nhiều nước vùng Trung u với tiếng tốt càng lúc càng vang xa. Thầy thuốc ở đó được khen nhờ ưu điểm không chỉ điều trị triệu chứng mà chú trọng vào việc ứng dụng kinh nghiệm của y học cổ truyền thay vì sử dụng hóa chất tổng hợp. 

Ít ai ngờ là ngoài việc dùng thuốc đa khoáng tố với kẽm, crôm, mangan, magiê… để tăng cường sức kháng bệnh thì thầy thuốc ở những nước này đã áp dụng các phương pháp tương đối đơn giản để điều trị, như: ngâm chân nước khoáng nóng để hưng phấn hệ miễn dịch; tắm bùn khoáng hay dược thảo để giải độc cho cơ thể qua lỗ chân lông; uống trà với các dược liệu giải cảm như hoa cúc, bạc hà, khuynh diệp… Cùng với đó là việc thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao bằng các loại hình vừa sức.

Nói có sách, mách có chứng, thầy thuốc ở CHLB Đức đã chứng minh sau 2 tuần tham gia chương trình nghỉ dưỡng với phác đồ như trên, lượng kháng thể chống cảm cúm trong nước bọt của người tham gia cao gấp 3 lần nhóm đối chứng chỉ ngồi yên chờ… bệnh. 

Đừng quên “thầy thuốc” thiên nhiên

Khi đề ra các phương pháp phòng ngừa và điều trị như đã trình bày, không có nghĩa là phủ nhận vai trò cần thiết của thuốc đặc hiệu nếu bệnh nhân sốt cao hoặc bội nhiễm. Điều đáng nói là không ít thầy thuốc và ngay cả người bệnh nhiều lúc có khuynh hướng chú trọng vào những bệnh chẳng mấy người mắc mà quên đi nhiều căn bệnh nghe đơn giản nhưng gắn chặt với cuộc sống đời thường. Chính sai lầm này nên nhiều bệnh nhân cuối cùng phải lãnh thêm phản ứng phụ là sạch túi vì dùng thuốc theo kiểu đau ngày nào chữa ngày ấy. Đáng tiếc vô cùng vì trong nhiều trường hợp, giải pháp lại rất đơn giản và rất gần trong tầm tay. Đó là đừng quên “thầy thuốc” nhiều năm kinh nghiệm: Thiên nhiên!

Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.