Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp !

18/06/2012 03:09 GMT+7

Nhiều chuyên gia, nhà giáo lo lắng thay vì vui mừng trước kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Không nhằm đánh trượt thí sinh !

Trịnh Ngọc Thạch

Mặc dù tính chất kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là khác nhau nhưng cùng một đối tượng là học sinh học hết lớp 12 mà kết quả thi lại quá chênh lệch nhau thì rõ ràng phải xem lại tính thực chất của kỳ thi tốt nghiệp

Ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, dù chưa có kết quả chung cả nước nhưng phóng viên các báo vẫn đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT: “Tỷ lệ tốt nghiệp cao tới hơn 90%, thậm chí 100% thì có cần thiết phải tổ chức thi tốt nghiệp nữa hay không?”. Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Việc tổ chức kỳ thi này không phải nhằm “đánh trượt” thí sinh. Đánh giá hiệu quả kỳ thi bằng cách có bao nhiêu thí sinh trượt, cái đó hoàn toàn không đúng. Đánh giá hiệu quả kỳ thi là ở chỗ có sát với chất lượng học tập của học sinh hay không và phải xem kỳ thi này có tác động trở lại giúp cho việc học và thi sang năm nghiêm túc hơn hay không, có nâng cao chất lượng qua từng năm hay không”. 

Lý giải này của lãnh đạo Bộ không ngăn được sự băn khoăn của dư luận khi đã xảy ra sự cố gian lận ở Bắc Giang và kết quả thi của học sinh các địa phương. Tỉnh nào cũng cao ngất ngưởng, nhiều trường đỗ 100%. “Bệnh thành tích”, “không đúng thực chất”… là những cụm từ nhiều người thường dùng khi nói về kết quả này.

Hài hước và không tưởng

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nếu thi cử như hiện nay thì tốt nhất không nên tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia nặng nề, tốn kém và không cần thiết. Theo các chuyên gia, nên tập trung đánh giá chất lượng giáo dục bằng những cách hợp lý và thực chất hơn.

Ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt vấn đề: “Mặc dù tính chất kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là khác nhau nhưng cùng một đối tượng là học sinh học hết lớp 12 mà kết quả thi lại quá chênh lệch nhau thì rõ ràng phải xem lại tính thực chất của kỳ thi tốt nghiệp”.

Còn GS Nguyễn Lân Dũng thì chua xót gọi kết quả này là “hài hước” vì cho rằng với 6 môn thi, gần 100% học sinh đều vượt qua là điều không tưởng.

Tỏ rõ sự thất vọng vì kết quả thi tốt nghiệp đã cao hơn cả trước khi phát động phong trào Hai không (nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục - NV), ông Lê Tiến Hưng - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, bày tỏ: “38 năm làm trong ngành giáo dục nhưng chưa năm nào tôi thấy kỳ thi tốt nghiệp được “làm thật” như năm 2007, năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động Hai không”. Vài năm gần đây, khi tỷ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưởng thì cũng là lúc học sinh không còn lo phải học thì mới thi đỗ được nữa.

Phạm Minh Hạc

Vấn đề là Bộ phải nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật đó, có như vậy dư luận, người dân mới tin. Còn nói đã làm rất tốt rồi, tỷ lệ tốt nghiệp 100% thì chắc chắn không ai tin cả

Giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN

Ông Hưng cho rằng nếu muốn làm nghiêm túc chắc chắn sẽ làm được, chỉ có điều ý chí của các cấp quản lý có muốn làm hay không. Ví dụ tại sao thi ĐH, CĐ làm nghiêm túc được mà tốt nghiệp lại không làm được trong khi thi ĐH cũng huy động giáo viên THPT, thậm chí rất đông sinh viên đi coi thi. Chủ tịch mỗi hội đồng thi đâu phải là người đứng đầu một trường như kỳ thi tốt nghiệp, có nhiều hội đồng chỉ là giảng viên, là chủ nhiệm một khoa, một phòng ban… của trường.

Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT

Ông Trịnh Ngọc Thạch cho rằng Bộ GD-ĐT cần có nghiên cứu nghiêm túc về những góp ý của nhiều nhà giáo dục cho việc cải tiến kỳ thi này lâu nay, trong đó có đề xuất nên giao cho các trường tự đánh giá chất lượng, mỗi một trường có tiêu chí riêng gắn với thương hiệu của họ. “Nếu để các trường tự làm và làm nghiêm thì còn hay hơn một kỳ thi quốc gia” - ông Thạch nói.

Theo ông Thạch, ở các nước cũng có nhiều điểm khác, nhưng nói chung họ đều để cho cơ sở giáo dục tự đánh giá thông qua kiểm định của một đơn vị kiểm định độc lập (không phải của tổ chức quản lý nhà nước). Muốn làm như vậy phải triệt tiêu bệnh thành tích và không coi trọng chỉ tiêu tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng đồng tình với việc nên bỏ thi tốt nghiệp. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, nếu chúng ta cùng quan niệm thực học, thực nghiệp, học cho mình chứ không phải để đối phó với thi cử; nếu chúng ta có một đội ngũ thầy cô giáo tận tâm và biết làm gương thì chúng ta sẽ có một thế hệ học sinh chăm chỉ học tập. Việc xét lên lớp hằng năm và cuối cùng là chuyện tốt nghiệp hay phải lưu ban là do các thầy cô giáo đề nghị và hiệu trưởng quyết định. Giám đốc sở chỉ cần kiểm tra sự trung thực của từng trường rồi ký bằng tốt nghiệp THPT. Sau đó tùy năng lực mà học sinh tự chọn ra đời ngay hay là thi vào loại trường nào.

Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp !
Học sinh xem kết quả thi tốt nghiệp tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN, nói: “Vấn đề là Bộ phải nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật đó, có như vậy dư luận, người dân mới tin. Còn nói đã làm rất tốt rồi, tỷ lệ tốt nghiệp 100% thì chắc chắn không ai tin cả. Tỷ lệ tốt nghiệp chỉ là kết quả cuối cùng thôi, còn trong quá trình thực hiện như thế nào thì chỉ những người thực hiện là hiểu rõ, có những chuyện họ sẽ không bao giờ công bố”. Giáo sư Hạc phân tích: “Một kỳ thi quốc gia, hàng triệu thí sinh và hàng chục nghìn giám thị. Đội ngũ lớn như vậy là rất phức tạp, chỉ xảy ra 1% vi phạm đã là hàng chục nghìn người. Con số lớn như vậy cộng với tâm lý xuê xoa, muốn có tỷ lệ tốt nghiệp cao mà giữ được trọn vẹn thì khó lắm. Do vậy, nếu chỉ đòi hỏi học sinh trung bình tốt nghiệp, nên phân cấp và giao trách nhiệm cụ thể hơn đến từng sở GD-ĐT, từng trường họ sẽ có kết quả sát thực tế hơn”.

Tỷ lệ đậu tăng đều ở các địa phương

Hà Nội: tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay là 98,24%, tăng 0,55% so với năm 2011. Khối GDTX đỗ 92,15%, thấp hơn năm ngoái 5%.

Hải Phòng: hệ THPT đạt 99,82%; hệ GDTX đạt 99,12%. Có 41/56 trường có tỷ lệ học sinh đỗ 100%. Toàn thành phố có 55 học sinh trượt tốt nghiệp.

Nghệ An: tỷ lệ tốt nghiệp đạt là 98,9%, hệ bổ túc đạt 90,77%.

Đà Nẵng: tỷ lệ đạt 99,53%, có 10 trường đạt 100%. Hệ GDTX đạt 87,11% .

Gia Lai: tỷ lệ đạt 98,17%, có 11/48 trường đỗ 100%. Hệ GDTX đạt 49,44%.

Bình Dương: đạt 98,87% (cao hơn năm trước 8,1%). Hệ GDTX đạt 49,71%.

Đồng Tháp: đạt 99,72%, hệ GDTX đạt 86,86%.

Vĩnh Long: đạt 97,73%, có 6 trường đỗ 100%. Hệ GDTX đạt 81,11%.

T.Nguyễn - T.Hiếu - D.Hiền - Đ.Trường - T.Dũng

>> Có cần thi tốt nghiệp THPT?
>> Năm học 2009 - 2010: Chưa tổ chức kỳ thi “2 trong 1”
>> Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS: Vào lớp 10 - Thi hay xét tuyển ?
>> Kỳ vọng giáo dục

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.