>> Cổ đông lớn tăng cường giao dịch
>> Chứng khoán tăng giảm trái chiều
>> Hấp dẫn cổ phiếu sắp lên sàn
Cần vốn, bán rẻ
Cuối tuần qua, Công ty (CT) cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) công bố thông qua kế hoạch phát hành CP mới cho cổ đông hiện hữu với giá 5.000 đồng/CP. Ông Võ Trường Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TTF cho biết, đây là phương án dự phòng bởi trước đó CT đã lên kế hoạch phát hành CP cho đối tác chiến lược nhằm huy động thêm khoảng 75 tỉ đồng song song với việc phát hành trái phiếu. CT đang đàm phán với một đối tác Hàn Quốc để bán CP với giá khoảng 13.000 - 14.000 đồng/CP nhưng mọi việc vẫn đang trong quá trình thương thảo. Vì vậy CT phải chuẩn bị kế hoạch phát hành thêm CP cho cổ đông hiện hữu nhằm huy động thêm vốn, giảm tỷ lệ vốn vay hiện xuống còn khoảng 60% trong tổng vốn lưu động.
|
Tương tự, nghị quyết ĐHCĐ của CT cổ phần chứng khoán Rồng Việt cũng nêu rõ sẽ chào bán riêng lẻ 35,02 triệu CP với giá tối thiểu 7.000 đồng/CP cho các đối tác chiến lược. Số vốn thu được dùng để bổ sung cho hoạt động giao dịch ký quỹ, nâng cao năng lực tài chính để phục vụ cho các mục tiêu kinh doanh khác. Giá CP của Rồng Việt (mã VDS) hiện xoay quanh mức 5.500 đồng/CP. Vì vậy theo ông Nguyễn Miên Tuấn - Tổng giám đốc VDS, nếu như CT phát hành CP bằng mệnh giá là 10.000 đồng/CP thì sẽ khó có người mua.
Cổ đông của CT cổ phần Đệ Tam (DTA) cũng đồng ý phát hành riêng lẻ 5 triệu CP mới với giá không thấp hơn 7.000 đồng/CP để lấy vốn đầu tư vào các dự án bất động sản. Hiện giá CP trên sàn của DTA cũng xoay quanh mức 5.600 đồng/CP.
Rõ ràng với các DN này, nếu bán CP với giá bằng mệnh giá là 10.000 đồng/CP thì rất khó. Nên để thành công, họ chỉ còn cách giảm giá xuống thấp gần sát hoặc tương đương với giá CP đang giao dịch trên thị trường.
Cổ đông có quyền quyết định
Việc bán CP dưới mệnh giá đã từng xảy ra. Đó là trường hợp CT cổ phần nước giải khát Sài Gòn (TRI) phát hành thành công 20 triệu CP cho 3 đối tác chiến lược với giá 7.520 đồng/CP vào năm 2009. Thị giá của TRI lúc đó là trên 10.000 đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng việc đó đã cứu được TRI đang đứng trên bờ vực phá sản. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có DN nào khác thực hiện việc này.
Trên thực tế, không có quy định nào cấm việc phát hành CP dưới mệnh giá. Nhưng cũng không có quy định nào hướng dẫn thực hiện việc này khiến các DN cũng lúng túng. Theo TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, ĐH Kinh tế TP.HCM, tại nhiều nước, CP không bị "neo" vào mệnh giá cụ thể mà chỉ có giá trị ban đầu khi CT mới thành lập. Trong khi Việt Nam quy định rõ mệnh giá là 10.000 đồng/CP khiến nhiều hoạt động của DN bị lúng túng, trong đó có việc phát hành CP mới với mức giá thấp hơn 10.000 đồng/CP. Ông Chí cho rằng việc bán CP với giá nào là quyền của DN và cổ đông, đây là nguyên tắc thuận mua vừa bán. Vì vậy cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng có hướng dẫn chi tiết để DN mạnh dạn thực hiện nhằm thúc đẩy việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Đồng quan điểm trên, ông Võ Hữu Tuấn - Phó tổng giám đốc CT chứng khoán Bảo Việt cũng cho rằng một khi DN đang cần vốn mà không vay ngân hàng được thì việc phát hành CP mới là cần thiết. Trong khi luật không cấm thì quyền quyết định cao nhất thuộc về các cổ đông. “Nhiều ý kiến lo ngại việc phát hành dưới mệnh giá sẽ khiến CP bị pha loãng, làm giảm giá trị sổ sách. Nhưng nếu DN không có vốn thì không phát triển được thậm chí có nguy cơ bị phá sản. Nếu cổ đông đã chấp nhận và DN thực hiện theo đúng quy định về phát hành CP thì không có gì phải bàn cãi”, ông Tuấn nói.
Mai Phương
Bình luận (0)