|
Phần lớn các ý kiến phản hồi dưới mỗi bài báo thường đến từ một bạn đọc nào đó muốn chia sẻ, bày tỏ ý kiến, cảm xúc, kiến nghị… thậm chí là chỉ ra cái sai của người viết và thường rất lâu sau họ mới xuất hiện trở lại khi gặp đúng vấn đề tâm đắc. Thế nhưng nếu theo dõi trên Thanh Niên Online, bạn sẽ bắt gặp những cái tên tác giả phản hồi thậm chí gắn với cả chuyên mục và hầu như ngày nào cũng tham gia đều đặn. Văn hóa nghệ thuật thì có Tuy Can ở Mỹ, kinh tế thì có Bành Ui (Lâm Đồng), Minh Trí (Buôn Ma Thuột), các vấn đề xã hội thường không thể thiếu bạn V.Tính, Vũ Xuân Quang (TP.HCM), Trần Ba Ba, Đỗ Xuân Vinh (Hà Nội)… tham gia ý kiến.
Không chỉ là vài câu ngắn gọn, nhiều bạn như Minh Trí viết phản hồi cho Thanh Niên chỉn chu như một bài báo. Có tựa in hoa, chăm chút không sai một lỗi chính tả và nhiều phản hồi của tác giả này về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, giá điện, xăng, giao thông… phân tích tới nơi tới chốn, có thông tin và mỗi phản hồi như vậy dài có khi trên dưới 600 chữ. Cũng theo sát mảng ngân hàng, tài chính tiền tệ là bút danh Bành Ui, có khi ký Bu Nhai, thường chọn cách trào lộng, dí dỏm để viết phản hồi dù trong một email gửi tới tòa soạn, bạn tự giới thiệu về mình là một công chức ngân hàng và còn nghiêm túc hỏi chúng tôi: “Nếu biết sơ qua định hướng của ban biên tập rồi trong khả năng của mình mà tính phản hồi cho đúng” (!).
Điều thú vị là khi có dịp trao đổi với các bạn đọc thường xuyên phản hồi trên Thanh Niên Online, hóa ra rất đông trong số họ đều đọc báo giấy cùng lúc với việc dành thời gian đáng kể lên trang điện tử của Thanh Niên. Anh Vũ Viết Tính (V.Tính) thậm chí còn cho biết lịch đọc báo của mình là 4-5 giờ sáng mỗi ngày, “đọc báo mạng để viết phản hồi” vì không thể chờ đến hơn 6 giờ báo giấy anh đặt mới giao tới nhà. Còn những bạn đọc chỉ đọc Thanh Niên trên mạng như chú Vũ Xuân Quang (sinh năm 1947, nghỉ hưu ở Q.3, TP.HCM) thì lại làm chúng tôi không khỏi xúc động khi băn khoăn: “Tôi nghĩ ai cũng như tôi chỉ đọc Báo Thanh Niên trên mạng chắc góp phần làm cho tòa soạn giảm nguồn thu!”. Rồi chú nói: “Thôi thì nêu ý kiến của mình cũng là một cách đóng góp với tờ báo mà mình tin cậy và yêu quý. Vấn đề không phải để được đăng tiếng nói của mình mà viết để những người làm Báo Thanh Niên hiểu và biết người đọc họ đang nghĩ gì!”.
Quả thật, chính những phản hồi từng phút ấy không chỉ giúp đội ngũ phóng viên, biên tập và tòa soạn có cái nhìn toàn diện, khách quan và thật sự đa chiều, mà còn nâng cao ý thức cẩn trọng trong nghề nghiệp: bất cứ một sai sót nào cũng bị phát hiện, một nhận định chủ quan đều có thể bị tranh luận sòng phẳng. Làm báo không còn là đưa thông tin và quan điểm của người viết hay tòa soạn một chiều mà phải tương tác tốt nhất với người đọc, đôi khi cả những quan điểm trái chiều và khác biệt.
Trong dịp trao đổi nghiệp vụ với lãnh đạo cấp cao một tập đoàn truyền thông lớn sở hữu nhiều tờ báo, tạp chí ở Bắc Âu, ông này đã nhấn mạnh đến 2 yếu tố khác biệt của họ trong chiến lược kinh tế báo chí hiện đại là thay vì tìm kiếm sự tăng trưởng phát hành họ chuyển sang mục tiêu tăng số lượng người nhận biết và tương tác với tờ báo; thay vì tuyển dụng một lực lượng lớn nhà báo chuyên nghiệp để cung cấp thông tin và bình luận thì họ hướng đến một môi trường tương tác để người đọc chính là nhà báo. Ông dẫn chứng: Chuyện gì sẽ xảy ra với ông chủ và nhân viên Facebook nếu tất cả chúng ta ngừng viết và không đưa hình của mình lên đó?
Vậy nên, Thanh Niên không chỉ nói lời cảm ơn mà còn muốn tôn vinh những bạn đọc đã đồng hành cùng chúng tôi, những nhà báo không nhận lương từ Báo Thanh Niên.
Trọng Phước
Bình luận (0)