(TNO) Sáng nay 21.6, học sinh tại TP.HCM và Hà Nội bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2012-2013 với môn Văn.
>> Bắt đầu tuyển sinh lớp 10
>> “Nóng” tuyển sinh lớp 10 vào trường ngoài công lập
>> 28 điểm được vào lớp 10 công lập tại Q.2 (TP.HCM)
>> Đà Nẵng: Hơn 12.000 hồ sơ đăng ký NV1 vào lớp 10
>> Tuyển 15.738 học sinh vào lớp 10 ở Quảng Ngãi
>> Tuyển sinh lớp 10 ở các địa phương
>> Đề thi và gợi ý môn Văn tại TP.HCM: , Lưu ý: Để xem được những file gợi ý dạng PDF, máy tính của bạn cần cài đặt phần mềm Adobe Acrobat Reader. Nếu chưa có phần mềm này, bạn có thể bấm vào đây để tải về máy và cài đặt.
>> Đề thi và gợi ý môn Văn tại Hà Nội: ,
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Câu 1: Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được trần thuật từ nhân vật nào ? Nêu tác dụng của việc chọn ngôi kể đó (1 điểm) Câu 2: (1 điểm) Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói (Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ) Tìm và gọi tên thành phần biệt lập trong đoạn thơ trên. Cho biết thành phần ấy được dùng để làm gì trong đoạn thơ? Câu 3: (3 điểm) Trong loạt bài trên báo Tuổi trẻ chủ nhật bàn về thế hệ gấu bông có đề cập hai hiện tượng: 1. Một cô bé mười lăm tuổi, được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!”. 2. Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ cậu, cậu ta ấp úng, không trả lời được. Là người con trong gia đình, em hãy trình bày suy nghĩ về hai hiện tượng trên qua một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi). Câu 4: (5 điểm) Hãy chọn và phân tích một hoặc hai khổ thơ trong các bài thơ của chương trình văn học Việt Nam hiện đại lớp 9 để nêu bật vẻ đẹp con người Việt Nam. BÀI GIẢI GỢI Ý Câu 1: Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được trần thuật từ nhân vật Phương Định, cô thanh niên xung phong làm công tác trinh sát mặt đường trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Ngôi kể nói trên có tác dụng làm cho giọng kể có tính chất tự nhiên, thoải mái, trẻ trung, phù hợp với đặc điểm của nhân vật. Ngoài ra, chọn ngôi kể như thế sẽ làm tăng tính chất thuyết phục của tác phẩm (câu chuyện được kể từ người trong cuộc) và thể hiện sống động tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn của những cô gái thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn trong thời chống Mỹ, nhất là của nhân vật chính : Phương Định. Câu 2: Thành phần biệt lập trong đoạn thơ trên thể hiện ở từ “Ôi”. Đây là thành phần cảm thán. Trong đoạn thơ nó được sử dụng để biểu hiện cảm xúc (lòng yêu mến) của nhà thơ đối với tiếng Việt. Câu 3: Học sinh có thể làm nhiều cách khác nhau miễn là có đủ một số ý theo quy định. Sau đây là một cách làm cụ thể: • Mở bài: Đặt vấn đề: Sự vô tâm của thế hệ gấu bông đã làm giật mình các bậc cha mẹ. Hai hiện tượng mà báo Tuổi trẻ Chủ nhật đã nêu là khá phổ biến. Đó cũng là thể hiện của sự suy tàn về chữ hiếu và vi phạm nghiêm trọng đạo đức con người Á Đông. Hai hiện tượng trên như một lời cảnh tỉnh đối với bổn phận làm con của chúng ta. • Thân bài: + Biểu hiện: Giải thích nội dung của hai hiện tượng trên nói lên sự vô tâm của thế hệ trẻ đối với những người thân yêu nhất, có công nuôi dưỡng và bảo bọc chúng ta từ khi mới sinh ra - đó là cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo,... Hình ảnh một em bé thờ ơ khi mẹ đi nhặt đồ và hồn nhiên nói: “Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!” cũng như hình ảnh một cậu học sinh rất rành về sở thích của ca sĩ cậu yêu thích mà chẳng biết gì về sở thích, nghề nghiệp, tâm trạng và niềm đau của bố mẹ mình. Điều đó đã tạo nên sự phản cảm mạnh mẽ trong tâm hồn người đọc. + Nguyên nhân: - Giới trẻ thường chỉ quan tâm tới cuộc sống và sở thích của mình, đó là một trong những biểu hiện của thói ích kỷ. - Bậc cha mẹ thiếu sâu sát, thiếu quan tâm đúng mực đến hành vi, sở thích và nhân cách của con. - Nhà trường và xã hội thiếu phương pháp giáo dục đúng mực, thiếu những hoạt động để rèn luyện nhân cách của học sinh và gắn kết con cái với cha mẹ. - Nhà trường và gia đình còn thờ ơ với việc giáo dục cẩn trọng về đạo đức làm người và những đức tính như: hiếu thảo, lòng biết ơn, lòng nhân ái, tính vị tha, khả năng chia sẻ với những người thân yêu, ... + Hậu quả: - Nếu không khắc phục được những hiện tượng này, xã hội càng ngày càng trở nên băng hoại về đạo đức và sự vô cảm càng ngày càng trở nên phổ biến. - Những hiện tượng trên là nhát dao cứa vào lương tâm của những người Việt Nam có đạo đức, là nỗi đau dai dẳng cho thế hệ cha anh. - Những hiện tượng trên là sự xói mòn về đạo đức, là sự chạy theo những nét đẹp phù phiếm và hư ảo, bỏ quên những nét đẹp chân thật và những tình cảm thiêng liêng. + Cách khắc phục: - Chủ quan: bản thân mỗi con người phải ý thức về trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội, rèn luyện lòng nhân ái, lòng vị tha từ những việc nhỏ nhặt nhất. - Khách quan: gia đình, nhà trường và xã hội nên chú trọng hơn về việc giáo dục nhân cách cho học sinh, dạy học sinh biết quan tâm tới những người thân yêu, gần gũi với mình, dạy học sinh biết cảm nhận vẻ đẹp cùa lòng vị tha, sự chia sẻ, đồng cảm và lối sống có trách nhiệm. - Lên án mạnh mẽ lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, ích kỷ. • Kết bài: Hai hiện tượng trên đã đánh thức lương tâm của những người đã từng mắc vào những lỗi lầm tương tự. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh đối với thế hệ trẻ nói riêng và đối với tất cả những người Việt Nam. Câu 4: Đây là một đề làm văn có tính chất tự do. Nó cho phép người làm bài được tự do lựa chọn đối tượng để phân tích. Tuy nhiên, người làm bài phải tôn trọng những giới hạn được quy định trong đề. Thứ nhất, người làm bài chỉ được phép chọn một hoặc hai khổ thơ (không được hơn hai khổ thơ hoặc cả bài). Một, hai khổ thơ đó phải ở trong các bài thơ thuộc chương trình văn học Việt Nam hiện đại lớp 9 (Đồng chí, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Bếp lửa, Ánh trăng, Đoàn thuyền đánh cá, Mùa xuân nho nhỏ, Viếng lăng Bác, Sang thu, Nói với con). Thứ hai, các khổ thơ được chọn phải có nội dung liên quan tới vẻ đẹp của con người Việt Nam. Thứ ba, khi phân tích, người làm bài phải có ý thức nêu bật được vẻ đẹp của con người Việt Nam trong một hoặc hai khổ thơ nói trên. Những vi phạm các yêu cầu nói trên sẽ làm cho bài viết rơi vào tình trạng xa đề, lan man hoặc lạc đề. Để có được kết quả tốt, bài viết còn phải có bố cục rõ ràng. Bài viết không mắc các lỗi về hành văn. Đặc biệt, phải thực hiện tốt thao tác phân tích một đoạn thơ, phải phân tích những yếu tố nghệ thuật của thơ để làm rõ giá trị của nó. Đây là một câu hỏi làm văn. Cho nên bài viết phải có đủ ba phần : mở bài, thân bài, kết bài. Trong phần mở bài, nên giới thiệu tác giả, bài thơ và đặc biệt là một hoặc hai khổ thơ được chọn để phân tích. Trong phần thân bài, cần giới thiệu vị trí của phần thơ được chọn trong bài thơ, giới thiệu đại ý của phần thơ được chọn. Sau đó, phân tích và làm rõ vẻ đẹp của con người Việt Nam trong phần thơ đó. Có thể, nhận xét và đánh giá ý nghĩa của phần thơ đối với cả bài, đối với đề tài. Cuối cùng, trong phần kết bài cần tổng kết khẳng định phần thơ thể hiện vẻ đẹp của con người Việt Nam. Có thể hình dung vẻ đẹp của con người Việt Nam qua các bài thơ như sau : - Đồng chí : vẻ đẹp của tình đồng chí ở những con người xuất thân từ đồng ruộng, gắn bó với nhau, lạc quan trong cuộc sống chiến đấu gian khổ. - Bài thơ về tiểu đội xe không kính : vẻ đẹp của người bộ đội lái xe trên đường mòn Trường Sơn thời đánh Mỹ : ung dung, lạc quan, khí phách, hiên ngang coi thường khó khăn gian khổ, yêu thương đất nước và miền Nam ruột thịt. - Đoàn thuyền đánh cá : vẻ đẹp của người lao động, của người ngư dân trong công cuộc lao động xây dựng đất nước (lạc quan, chủ động, tích cực, hào hùng, đầy ân tình). - Bếp lửa : vẻ đẹp của tình bà cháu; vẻ đẹp của người bà, người phụ nữ Việt Nam giàu lòng yêu thương (gia đình, đất nước), tần tảo hy sinh, chịu thương chịu khó; tấm lòng biết ơn trân trọng của cháu đối với bà. - Ánh trăng : vẻ đẹp của con người Việt Nam thể hiện trong sự gắn bó ân tình của con người với thiên nhiên, trong lời nhắc nhở phải biết thủy chung, uống nước nhớ nguồn. - Mùa xuân nho nhỏ : vẻ đẹp của con người Việt Nam: yêu thiên nhiên; hăng hái tích cực trong lao động xây dựng đất nước và chiến đấu bảo vệ tổ quốc; vẻ đẹp của con người nguyện cống hiến cả đời cho đất nước, nguyện làm một “mùa xuân nho nhỏ” cho đời. - Viếng lăng Bác : vẻ đẹp của Bác Hồ, “mặt trời trong lăng rất đỏ”; vẻ đẹp của tấm lòng trân trọng, kính yêu đối với Bác Hồ. - Sang thu : vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm trước sự biến chuyển của thiên nhiên trong lúc giao mùa. - Nói với con : vẻ đẹp của con người Việt Nam được thể hiện trong lời tâm tình, nhắn nhủ của người cha đối với con : phải biết yêu quý gắn bó với gia đình, với quê hương, với đất nước; phải biết tự hào về vẻ đẹp của truyền thống, của đất nước; phải sống xứng đáng với gia đình, với đất nước. Đây là một số gợi ý chung của cả bài. Mỗi phần thơ được chọn sẽ có nội dung cụ thể. Người làm bài sẽ căn cứ vào phần thơ đó phân tích để làm rõ vẻ đẹp cụ thể được biểu hiện trong phần thơ. Nguyễn Hữu Dương |
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Phần I: (7 điểm) 1. Những câu thơ vừa dẫn trích trong tác phẩm nào? Cho biết năm sáng tác của tác phẩm đó. 2. Chỉ ra từ phủ định trong câu thơ độc đáo trên. Việc dùng liên tiếp từ phủ định ấy nhằm khẳng định điều gì và góp phần tạo nên giọng điệu nào cho bài thơ? 3. Dựa vào khổ thơ trên, hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu lập luận diễn dịch làm rõ cảm giác của người chiến sĩ lái xe trên chiếc xe không kính, trong đó có sử dụng câu phủ định và phép thế (gạch dưới câu phủ định và những từ ngữ dùng làm phép thế). 4. Chép lại hai câu thơ liên tiếp sử dụng từ phủ định trong tác phẩm (được xác định ở câu hỏi 1). Phần II (3 điểm) 1. Lặng lẽ Sa Pa là một truyện ngắn thành công của nhà văn Nguyễn Thành Long. Em hãy giới thiệu ngắn gọn (khoảng nửa trang giấy thi) về tác phẩm này. 2. Trong nhan đề Lặng lẽ Sa Pa, tác giả đã sắp xếp các từ khác với trật tự thông thường như thế nào? Cách sắp xếp ấy có dụng ý gì trong việc thể hiện chủ đề truyện ngắn? 3. Ghi lại một dẫn chứng ở một bài thơ đã học (nêu rõ tên tác phẩm) để thấy rằng cách sắp xếp đó được nhiều tác giả sử dụng trong sáng tác của mình. BÀI GIẢI GỢI Ý Phần I : 1. Những câu thơ trích dẫn trong đề bài thuộc tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Bài thơ được sáng tác vào năm 1969 (trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ). 2. Từ phủ định trong câu thơ : không có, không phải. Việc dùng liên tiếp từ phủ định không nhằm khẳng định tính chất đặc biệt của hình tượng những chiếc xe trong bài thơ. Trước hết, xét về nguồn gốc những chiếc xe này cũng có kính bình thường như tất cả mọi chiếc xe. Cho nên, xe không kính không phải vì xe không có kính. Tuy nhiên, do hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, xe đã trở nên bất thường : không có kính. Cái điều này góp phần nói lên sự khốc liệt của chiến tranh, lòng dũng cảm của người chiến sĩ lái xe, không biết sợ, bất chấp hoàn cảnh khốc liệt. Từ đó, nó góp phần tạo nên một giọng điệu vừa gần gũi tự nhiên, vừa ngang tàng khí phách của người chiến sĩ trong tiểu đội những chiếc xe không kính. 3. Thí sinh có thể viết những đoạn văn cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, đó phải là những đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch với nội dung làm rõ cảm giác của người chiến sĩ lái xe trên chiếc xe không kính. Đoạn văn đó phải có sử dụng câu phủ định và phép thế. Gạch dưới câu phủ định và những từ ngữ dùng làm phép thế. Đây chỉ là một ví dụ : - Người chiến sĩ lái xe có rất nhiều cảm giác khi điều khiển những chiếc xe không kính. - Trước hết, vì xe không có kính chắn gió nên gió cứ lùa thẳng vào buồng lái. - Nó làm cho người lái xe có cảm giác mắt trở nên khó chịu. - Nhưng bên cạnh đó, lái những chiếc xe không kính lại mang tới những cảm giác thú vị. - Người chiến sĩ thấy giữa mình và con đường không còn sự cách ngăn. - Con đường vì miền Nam phía trước chạy thẳng vào tim. - Nó nối liền trái tim của người chiến sĩ với miền Nam ruột thịt. - Ngoài ra, nó còn nối liền người ngồi trong xe với thiên nhiên rộng lớn ở bên ngoài. - Người chiến sĩ thấy ánh sao, cánh chim trên bầu trời như trở nên gần gũi. - Không có kính ngăn trở, chúng như sa, như ùa vào buồng lái. - Tâm hồn của người lính lái xe không kính lãng mạn biết bao! 4. Không có kính, rồi xe không có đèn Không có mui xe, thùng xe có xước, Phần II: 1. Câu hỏi yêu cầu thí sinh giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa trong khoảng nửa trang giấy thi. Đáp ứng câu hỏi này, thí sinh cần nêu một số những nội dung căn bản sau : - Giới thiệu ngắn gọn về nhà văn Nguyễn Thành Long và khẳng định Lặng lẽ Sa Pa là một truyện ngắn thành công của ông. - Giới thiệu ngắn gọn xuất xứ của truyện : được sáng tác trong dịp đi thực tế ở Lào Cai vào tháng 6 và 7 năm 1970 và được in trong tập Giữa trong xanh, xuất bản năm 1972. - Giá trị nội dung của truyện được thể hiện ở sự khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Đó là một thanh niên giàu nghị lực đã vượt qua hoàn cảnh bằng những suy nghĩ rất đẹp, giản dị mà sâu sắc; có những tính cách và phẩm chất đáng mến: hiếu khách, cởi mở và chân tình; khiêm tốn, thành thật; có đời sống tâm hồn trẻ trung, phong phú và lành mạnh. Đó là những người lao động khác: ông kỹ sư vườn rau Sa Pa, người cán bộ nghiên cứu về sét… Qua đó, truyện còn khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. - Giá trị nghệ thuật của truyện được thể hiện trong tình huống truyện hợp lý, trong cách kể chuyện tự nhiên, trong nghệ thuật xây dựng nhân vật chân thật, sống động và trong sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình và bình luận. 2. Trong nhan đề Lặng lẽ Sa Pa, tác giả đã sắp xếp các từ khác với trật tự thông thường. Tác giả đã sử dụng biện pháp đảo ngữ (lặng lẽ Sa Pa thay vì Sa Pa lặng lẽ) nhằm làm nổi bật tính chất lặng lẽ của Sa Pa và tinh thần lao động thầm lặng đáng quý của những con người trên vùng đất Sa Pa đúng với cảm hứng của nhà văn Nguyễn Thành Long khi sáng tác truyện : « Sa Pa không chỉ là một sự yên tĩnh. Bên dưới sự yên tĩnh ấy, người ta làm việc » , hy sinh, yêu thương và mơ ước. 3. Thí sinh có thể ghi lại một dẫn chứng ở một bài thơ đã học có biện pháp đảo ngữ. Câu hỏi chỉ yêu cầu nêu rõ tên tác phẩm và dẫn chứng không giới hạn năm học. Do vậy, học sinh có thể lấy dẫn chứng ở chương trình lớp 9 mà cũng có thể ở các lớp dưới. Đây là một vài ví dụ : - Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời. (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải) - Lom khom dưới núi tiều vài chú, lác đác bên sông chợ mấy nhà. (Qua đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan) - Ung dung buồng lái ta ngồi, nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng. (Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật). Điều này cho thấy đảo ngữ là một biện pháp tu từ được dùng phổ biến trong thơ văn. Nguyễn Hữu Dương |
Thanh Niên Online
Bình luận (0)