Việc tòa án hiến pháp quyết định phế truất Thủ tướng Gilani không đơn thuần là mâu thuẫn giữa bên hành pháp và phía tư pháp. Đây còn là đỉnh điểm của cuộc đấu tranh quyền lực giữa các đảng phái chính trị với giới tư pháp và quân sự. Thực ra, ông Gilani chịu trận thay cho ông Zardari. Tòa án hiến pháp Pakistan chủ định hạ bệ ông Zardari và địa vị cầm quyền của đảng Nhân dân Pakistan. Khi nào chưa đạt được mục tiêu này thì tòa hiến pháp khó dừng bước.
Trong khi đó, việc tạo khủng hoảng chính trị giữa bối cảnh an ninh không được đảm bảo và kinh tế khó khăn sẽ tạo ra những biến động trong nội bộ xã hội. Như thế, chính phủ dân sự cầm quyền phải hứng chịu bất lợi và giới quân sự có cơ hội đảo chính chiếm quyền. Vì vậy, việc chấp nhận để ông Gilani ra đi là bước lùi của Tổng thống Zardari và chính phủ liên hiệp.
Động thái này nhằm vô hiệu hóa mọi công cụ pháp lý của phía tư pháp và không tạo cớ để giới quân sự đảo chính. Quốc hội hiện tại sẽ chỉ bầu thủ tướng mới chứ không bị giải tán và tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn là cách giữ vị thế cầm quyền. Đồng thời, dù phải chịu mất thể diện vì bước lùi này, nhưng chính phủ liên hiệp lẫn ông Zardari vẫn an toàn và giữ được thế chủ động. Nói cách khác, đây là lùi để chờ dịp lại lách lên.
La Phù
Bình luận (0)