Những tế bào nam giới đã được tìm thấy trong máu dây rốn của bé gái có anh trai, cho thấy việc truyền các tế bào giữa mẹ và bé có thể rộng hơn cả mức độ chúng ta vẫn tưởng lâu nay.
Những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng các tế bào từ cả mẹ lẫn thai nhi đều đi qua nhau thai trong quá trình mang thai và tồn tại hàng thập niên trên da, trong gan, não và lá lách, một hiện tượng được gọi là vi lưỡng gien bào thai (microchimerism). Thậm chí, có bằng chứng cho thấy tế bào thai nhi có thể sửa chữa tổn hại cho tim người mẹ trong quá trình mang thai.
Một số nghiên cứu khác thì cho rằng các tế bào bào thai có thể đóng góp vào chứng bệnh tự miễn dịch, gợi lên suy đoán rằng các tế bào phôi thai có thể phân tán rộng hơn, truyền qua các anh chị em và thậm chí qua nhiều thế hệ.
Theo trang New Scientist, để tìm hiểu vấn đề, chuyên gia Miranda Dierselhuis thuộc Trung tâm y khoa Đại học Leiden (Hà Lan) và các cộng sự đã phân tích máu dây rốn của 23 bé gái mới sinh và 17 người anh của chúng. Trong một nhóm các mẫu, họ tìm những tế bào miễn dịch trực tiếp chống lại nhiễm sắc thể Y của nam.
Ở 12 bé gái trong nhóm có anh trai, 11 bé có máu dây rốn chứa các tế bào miễn dịch chống nhiễm sắc thể Y, khẳng định - bằng cách nào đó - các tế bào nam giới có thể đi qua nhau thai từ mẹ (có lẽ đã đi vào cơ thể mẹ từ bào thai nam trong lần mang thai trước đó).
Đáng tò mò hơn là một số lượng nhỏ các tế bào nam cũng được phát hiện ở một trong những bé gái không có anh trai, gợi nên khả năng rằng các tế bào này có nguồn gốc từ cậu (bác), truyền qua mẹ từ lần mang thai của bà ngoại bé.
Một khả năng nữa là chúng bắt nguồn từ một lần sẩy thai trước đó mà bà mẹ không biết.
“Điều đó cho thấy sự trao đổi các tế bào này phổ biến đến mức nào. Chúng tôi từng nghĩ rằng nhau thai là một hàng rào hoàn thiện”, chuyên gia Hilary Gammill thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, nhận định.
Năm ngoái, bà Gammill đã phát hiện các tế bào trong máu của một số phụ nữ mang thai đến từ mẹ của họ, tức là bà ngoại của bào thai. Số lượng các tế bào này tăng lên khi thai nhi lớn dần.
Phát hiện về di truyền rộng rãi hơn của các tế bào giữa anh chị em và qua nhiều thế hệ đặt ra một khả năng là các tế bào này có ảnh hưởng đến đặc điểm sức khỏe hoặc bệnh tật ở tất cả chúng ta.
Một số căn bệnh như hen suyễn, tiểu đường loại 1 và một số dạng ung thư ít phổ biến hơn ở người em.
“Ngay cả với những số lượng nhỏ, một số tế bào này có đặc điểm giống tế bào gốc, do đó tôi nghĩ chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe”, chuyên gia Gammill nói.
Trong khi đó, một bệnh tự miễn dịch có tên scleroderma, vốn gây xơ cứng da và mạch máu, cũng có liên hệ với sự hiện diện của các tế bào bào thai trong máu và dường như phổ biến hơn ở những đứa em.
“Bạn càng ở cuối thứ tự sinh thì nguy cơ càng cao”, chuyên gia Maureen Mayes thuộc Đại học Texas (Mỹ) nói.
Quyên Quân
>> Chế tạo thành công gan người từ tế bào mầm
>> Ghép tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp
>> Biến tế bào da thành tế bào cơ tim
>> Tái lập trình tế bào
>> Chiết xuất hạt nho diệt tế bào ung thư
Bình luận (0)