* Kêu gọi đầu tư nước ngoài 17 dự án trọng điểm
Các dự án bao gồm: Tuyến xe điện mặt đất số 1 (Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe Miền Tây), tuyến monorail số 2 (Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm), tuyến monorail số 3 (ngã sáu Gò Vấp - Công viên phần mềm Quang Trung - Tân Thới Hiệp), tuyến đường sắt đô thị số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm), đường trên cao tuyến số 1, đường trên cao tuyến số 2, đường trên cao tuyến số 3, mở rộng quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), xây dựng đường Kênh 5 theo hình thức BT, xây dựng đường Kênh 7 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), xây dựng đường Kênh 8 theo hình thức BT, xây dựng đường nối Kênh 5 với Kênh 7 theo hình thức BT, khu đô thị Đại học Quốc tế, Viện trường Củ Chi, các bệnh viện trong khu y tế Tân Kiên 54 ha (Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Ung bướu, Viện Tim, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm) và đê bao ven sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến sông Kinh).
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Xuân Cường, PGĐ Sở GTVT TP.HCM cho biết năm 2012, ngành giao thông TP có kế hoạch xây dựng mới 1 triệu m2 đường cùng hàng loạt cây cầu. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong lĩnh vực này là thiếu vốn đầu tư bên cạnh các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. TP đang thực hiện 16 công trình, dự án giao thông trọng điểm nhưng phần lớn chưa thể triển khai, chậm tiến độ do thiếu vốn. Năm nay, TP.HCM cần đến 46.800 tỉ đồng để đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông, tuy nhiên chỉ có thể huy động được khoảng 5.600 tỉ đồng, đang thiếu 41.200 tỉ đồng. Vì vậy, TP đang tập trung huy động vốn ngoài ngân sách. Trong 5-10 năm tới, TP sẽ triển khai 40 dự án hạ tầng theo phương thức BT với tổng mức đầu tư hơn 85.880 tỉ đồng và 6,1 tỉ USD, 10 dự án BT kết hợp BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 78.500 tỉ đồng và 620 triệu USD. Như vậy, tính sơ bộ TP sẽ cần trên 14 tỉ USD để phát triển hạ tầng giao thông.
N.Đình Mười
Bình luận