Bây giờ, cánh cửa mở ra với thế giới, cơ hội đi ra ngoài nhiều hơn, gặp nhiều thứ khác hấp dẫn hơn, khiến mối quan hệ gia đình có xu hướng lỏng lẻo đi. Ly hôn ngày một tăng, trẻ em hư cũng nhiều lên… Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Phát triển xã hội, đã trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này.
Bà mẹ đơn thân và gia đình truyền thống
- PV: Gia đình người Việt Nam ta đang dần thay đổi, nếu không muốn nói là thay đổi mạnh, khi đối mặt với rất nhiều vấn đề của xã hội hiện đại. Bà có đồng ý với nhận định này và theo bà, đâu là căn nguyên dẫn đến sự thay đổi giá trị của gia đình người Việt?
TS Khuất Thu Hồng: Thực ra, các gia đình không phải tự nhiên thay đổi, nó chịu ảnh hưởng, tác động rất lớn của xã hội. Trước đây, kinh tế khó khăn nên mọi người phải co cụm, gắn bó để tồn tại, nhưng khi kinh tế thay đổi, gia đình trở thành một đơn vị kinh tế độc lập, vai trò mỗi cá nhân trở nên quan trọng, không còn nhận tem phiếu phân phối của nhà nước, họ phải tạo ra của cải. Vợ, chồng cũng độc lập với nhau hơn, con cái đến độ tuổi nhất định, đi làm, không cần dựa dẫm hoàn toàn vào bố mẹ.
Khi đó mỗi người đều có nhiều quyền hơn với quyết định cá nhân của mình. Việc con cái yêu ai, lấy ai, vợ chồng mua gì cho bản thân mình, tặng quà những người xung quanh cũng khác nhiều. Do đó, có cảm giác mối quan hệ trong gia đình đang giãn ra. Mỗi người có nhiều tự do quyết định những việc liên quan đến mình và gia đình. Khi có những việc chung của gia đình, tiếng nói của các thành viên cũng khác hơn. Hiện nay, mỗi vấn đề lớn của gia đình thường mọi người khó thống nhất với nhau hơn vì ai cũng nghĩ mình có quyền thể hiện quan điểm, không dễ dàng như trước. Nó tạo ra cảm giác mọi thứ đều khó khăn, căng thẳng hơn trước, khi không ai nhường ai.
|
Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Gia đình Việt Nam vẫn rất gắn bó nếu so với nhiều nước khác trên thế giới và trong khu vực. Kiểu gắn bó của gia đình Việt rất khác. Các gia đình buổi tối vẫn thích về ăn cơm với nhau. Và điều quan trọng hơn người Việt Nam từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành đều có suy nghĩ rằng việc có gia đình là đương nhiên, chuyện kết hôn, có con cái cũng vậy. Ở Việt Nam không ai đặt ra câu hỏi mình nên kết hôn không, nên có con không mà chỉ do hoàn cảnh không thuận lợi hoặc khó khăn để kết hôn hoặc không thể có con được… Qua đó có thể thấy gia đình đối với người Việt Nam vô cùng quý báu, có giá trị hơn tất cả mọi thứ. Trên số liệu tổng điều tra dân số, tỷ lệ người Việt Nam trưởng thành từ 18 đến 49 tuổi kết hôn rất cao, chứng tỏ gia đình vẫn giữ vị trí trung tâm của xã hội. Mặc dù chúng ta thấy mối quan hệ gia đình có vẻ lỏng lẻo nhưng gia đình vẫn có giá trị thiêng liêng nhất.
- Bên cạnh tỷ lệ kết hôn cao, tỷ lệ ly hôn ở nước ta cũng rất lớn. Điều đó có phải đã và đang có xu hướng tiến tới hôn nhân quá dễ và cũng không còn tôn trọng tổ ấm đã lựa chọn. Phải chăng giá trị gia đình truyền thống vẫn vững bền?
Đó cũng là một xu hướng của xã hội cho thấy sự thay đổi đang diễn ra. Nếu trước đây quan niệm gia đình phải có cha, mẹ con cái và xa hơn một chút, gia đình tức là “tam, tứ đại đồng đường” nhưng bây giờ đã xuất hiện nhiều hình thức gia đình khác. Nhiều gia đình khuyết hay còn gọi là bà mẹ đơn thân, đã xuất hiện. Kiểu gia đình này ở các nước phương Tây nhiều, ở ta tỷ lệ này vẫn còn rất ít và chủ yếu ở thành phố.
Trong gia đình truyền thống có nhiều điều tốt đẹp nhưng cũng ẩn chứa nhiều vấn đề cản trở, kìm hãm tự do cá nhân. Việc duy trì gia đình truyền thống có thể tạo ra sự cố kết phía bên ngoài nhưng lại ẩn chứa bên trong nhiều sự bất ổn. Quay về với gia đình truyền thống của thế hệ ông bà, cụ kỵ kể lại, có nhiều bi kịch phụ nữ phải gánh chịu cũng như đàn ông phải chịu thiệt thòi. Thế nên, quay trở lại mô hình truyền thống chỉ trên lý thuyết và khó có thể thực hiện được vì điều kiện kinh tế, văn hóa… đã có nhiều thay đổi. Các giá trị truyền thống của gia đình như đoàn kết, yêu thương, hỗ trợ nhau là vô cùng quý, nhưng một số quan niệm nam tôn, nữ ti, quyền huynh thế phụ, vợ phải răm rắp tuân theo lời chồng… còn nhiều vấn đề cần bàn.
Vai trò giáo dục công dân
- Song dường như cùng với việc nhiều giá trị của mẫu hình gia đình truyền thống đang bị “nghi ngờ”, những vấn đề từng được coi là “ung nhọt” như ngoại tình, ly hôn… cũng xuất hiện nhiều và người ta cũng dễ thỏa hiệp với nó hơn?
Ở Việt Nam, cách đây khoảng 10 năm nếu ra phố mà thấy một cô gái mặc áo hai dây, cầm tay bạn trai, ôm nhau, mọi người đã lên án, dè bỉu nhưng nay đã khác. Xã hội ngày càng thoáng hơn. Mọi người cũng dễ thông cảm hơn khi vì hoàn cảnh mà một trong hai người có những phút yếu lòng. Tuy nhiên, trong xã hội nào cũng có chuẩn mực của xã hội đó. Hiện tượng “ông ăn chả, bà ăn nem” nếu lặp đi lặp lại thành hệ thống thì không thể chấp nhận được.
- Vậy trong giai đoạn giao thời khi tư tưởng truyền thống và hiện đại đan xen nhau, cần làm thế nào để tránh rạn nứt, đổ vỡ?
Giáo dục là một trong những vấn đề cốt lõi. Các bạn trẻ hớn hở kết hôn nhưng không hiểu làm vợ, làm chồng như thế nào, làm cha làm mẹ thế nào. Căn nguyên lục đục trong gia đình do giáo dục rất tệ. Các em chỉ được cung cấp về mặt lý thuyết không có những kiến thức về việc làm người. Dạy đạo đức là giáo dục công dân nhưng hãy thử xem lại nó đã đem lại những kỹ năng ứng xử với nhau như thế nào ngoài đời? Khi trưởng thành, một người có thể là kỹ sư rất giỏi, nhà giáo giỏi, nhưng sống thế nào với tư cách người chồng, vợ, người cha, mẹ trong gia đình lại là việc khác. Vì thế, khi gặp mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, người cãi ầm lên, người dứ nắm đấm… khiến xung đột ngày càng lớn hơn. Nhiều cuộc ly hôn xảy ra cũng chỉ vì những lý do “lãng xẹt”, cả hai phía không có kiến thức để ứng xử với nó. Và sau đó, khi kết hôn lại, họ cũng chưa chắc đã tránh được những mâu thuẫn dẫn đến đổ vỡ trước đó. Do vậy, giải pháp ưu tiên trong thời điểm này là trang bị kỹ năng sống đối với mỗi thành viên trong gia đình.
Theo Thu Hà / Sài Gòn Gải Phóng
>> Kỹ năng sống để thành công
>> Phong trào kỹ năng sống
>> Làm thế nào để phát triển kỹ năng sống cho trẻ?
>> Giáo dục hay nhồi nhét kỹ năng sống
>> Hơn 13.000 trẻ lang thang được dạy kỹ năng sống
>> Câu lạc bộ kỹ năng sống
>> Làm phim để học kỹ năng sống
>> Rèn kỹ năng sống
Bình luận (0)