Giải mã những vụ trọng án - Kỳ 6: Ngồi tù 10 năm trốn truy nã

27/06/2012 03:16 GMT+7

Truy nã suốt 21 năm, khi phát hiện được hung thủ cơ quan công an bất ngờ bởi đó là phạm nhân mới được đặc xá sau 10 năm ngồi tù vì tội hiếp dâm trẻ em, với tên tuổi hoàn toàn khác.

>> Kỳ 5: Truy bắt phó giám đốc đào hoa
>> Kỳ 4: Đào hầm trong bếp trốn lệnh truy nã
>> Kỳ 3: Cuộc đào tẩu của hung thủ cụt 2 chân
>> Kỳ 2: Bao tải phi tang
>> Kỳ 1: Lần theo dấu vết kẻ vô danh

Đầu năm 1991, Mai Thế Sơn để vợ và 4 con nhỏ ở lại xã Nga Thạch, H.Nga Sơn (Thanh Hóa), dẫn theo em trai là Mai Thế Bình vào Lâm Đồng khai thác vàng lậu. Anh em Sơn, Bình đến bãi khai thác vàng A86, xã Đà Loan, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đào hầm, khoét núi để tìm vàng. Trong quá trình gia cố hầm, Sơn mượn chiếc cưa của Trần Văn Chất (cùng quê với Sơn), sau đó giữ luôn. Nhiều lần Chất đòi lại cưa nhưng anh em Sơn, Bình không trả; cho nên cứ mỗi lần uống rượu vào Chất lại chửi rủa, thóa mạ anh em Sơn. Đêm 28.3.1991, mâu thuẫn giữa Chất và Sơn, Bình tăng cao, hai bên đánh nhau; Sơn dùng dao đâm Chất chết. Sau khi gây án, Sơn và Bình bỏ trốn nên bị Công an Lâm Đồng phát lệnh truy nã vào ngày 8.4.1991.

Nhiều mũi trinh sát được cử đến các bãi khai thác vàng, thiếc trên địa bàn Lâm Đồng nhưng vẫn không tìm thấy Sơn, Bình. Một tổ trinh sát lên đường ra Thanh Hóa nhưng cũng không có kết quả.

Vụ án giết người tại bãi vàng A86 phải tạm khép lại.

Ngồi tù 10 năm trốn truy nã
Mai Thế Sơn sau 21 năm lẩn trốn - Ảnh: Công an cung cấp

Bất ngờ chuyên án TF13

Sau khi Công an tỉnh Lâm Đồng thành lập Phòng Truy nã tội phạm (PC52) đã mở chuyên án bí số TF13 để tiếp tục truy xét Sơn, Bình do thượng tá Nguyễn Minh Phượng, Trưởng phòng làm trưởng ban. Ban chuyên án (BCA) tiếp tục cử trinh sát ra Thanh Hóa xác minh nhân thân 2 đối tượng thì hay tin vợ của Sơn là P.T.Đ đã dẫn con vào Đắk Lắk lập nghiệp.

Thượng tá Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng phòng PC52 kể: “Một tổ trinh sát tức tốc được cử đến Đắk Lắk. Nhưng, khi tìm được nơi ở của bà Đ. thì vẫn không thấy Sơn ở đó. Bà Đ. cho biết, cuối năm 2010 lúc lên Đắk Lắk thăm vợ con, Sơn có dắt theo vợ hai, tên là Tiên, đang ở một bãi vàng nào đó thuộc tỉnh Lâm Đồng”.

Từ thông tin quý báu đó, BCA tung quân đến tất cả các bãi vàng trong tỉnh Lâm Đồng và vùng giáp ranh tỉnh Đắk Nông để tìm vợ chồng Sơn - Tiên. Hỏi ra, những người đãi vàng cho biết, chỉ có vợ chồng tên Hạnh - Truyền ở H.Đam Rông (Lâm Đồng), thỉnh thoảng có vào bãi vàng. Qua xác minh tại H.Đam Rông, trong một khu rừng sâu ở thôn 3, xã Đạ Rsal có Đào Xuân Hạnh (55 tuổi, nguyên quán Yên Khánh, Ninh Bình) cùng vợ là Trần Thị Chuyền (không phải Tiên) mới đến phá rừng làm rẫy hơn năm qua. Do hiếp dâm con riêng của vợ nên ngày 20.4.2001, Hạnh bị TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên phạt 16 năm tù. Dịp 2.9.2010, Hạnh được đặc xá sau 10 năm ngồi tù.

Với những thông tin đó, BCA gần như tắt hết hy vọng vì chân dung của Sơn vẫn chưa lộ diện. PC52 cho rà soát lại tất cả hồ sơ tội phạm trọng án, cùng nhân thân, trong đó có hồ sơ của Sơn và đặt nghi vấn: Tại sao một người vừa được đặc xá như Hạnh lại vội vàng đưa vợ con vào rừng sâu heo hút phá rừng làm rẫy để sống cách ly với xã hội? “Với linh cảm nghề nghiệp, chúng tôi quyết định lục danh chỉ bản của Sơn và Hạnh để so sánh, vì trước khi vào Lâm Đồng, Sơn đã từng có tiền án về tội trộm cắp ở Thanh Hóa”, thượng tá Phượng nói.

Thật bất ngờ, kết quả giám định do Phòng PC54 cung cấp khẳng định dấu vân tay của Mai Thế Sơn và Đào Xuân Hạnh là của một người.

Trong tù cảm thấy an lòng hơn

Thượng tá Nghĩa cho biết: “Cuộc truy tìm Hạnh (Sơn) vô cùng vất vả. Nhiều lần các trinh sát đóng vai người đi mua củ mì hoặc người tìm mua đất, rồi trèo đèo, lội suối, băng rừng để tiếp cận nơi ở của Sơn nhưng y đều vắng nhà. Lúc thì Sơn về quê thăm mẹ, khi thì đang ở Đắk Lắk thăm em…”. Có lần, biết Sơn đang ở Ninh Bình thăm bà con, trinh sát bay ra tới nơi thì y vừa vào Bỉm Sơn (Thanh Hóa) thăm em. Tìm đến nhà em của Sơn thì họ nói hắn vừa đi khỏi. Một thời gian Sơn trú nhà cha mẹ vợ hai ở Quảng Trị, khi trinh sát lặn lội ra tới nơi thì người nhà cho biết Sơn vừa đi Đắk Lắk. Khi xác định được nơi ở của Sơn, trinh sát tìm đến thì y lại đi Vũng Tàu. Một tổ trinh sát khác tới Vũng Tàu thì y lại qua Đồng Nai. Một trinh sát nhớ lại: “Ở Đắk Lắk, Sơn có nhiều bà con, nhưng y không đến bất cứ nhà ai mà chỉ ngồi ở quán cà phê nào đó gọi điện hỏi thăm để xin tiền. Những người bà con thấy tội nghiệp mang tiền tới cho. Có tiền, Sơn thuê nhà trọ xoàng ở gần bến xe để ngủ qua đêm và thường xuyên đổi nhà trọ nên rất khó khăn trong việc truy bắt”. Chưa hết, Sơn thường xuyên thay đổi số điện thoại di động, nên người thân cũng không thể liên lạc được.

Trong quá trình truy bắt Sơn, trinh sát hay tin Bình vừa cùng vợ con chuyển đến sinh sống ở xã Nam Ka, H.Lắk, Đắk Lắk. BCA quyết định “lật bài ngửa” vụ án. Ngày 15.6.2012, công an đến xã Nam Ka đọc lệnh bắt Mai Thế Bình (lúc này 43 tuổi). Thượng tá Nghĩa yêu cầu Bình gọi điện cho Sơn, thuyết phục Sơn ra trình diện. Tiếp đó, Bình gọi điện cho mẹ ruột đang ở Thanh Hóa, kể lại chuyện 2 anh em gây án mạng cách đây 21 năm và nhờ bà khuyên Sơn ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật.

Ngày 16.6, thượng tá Nghĩa gọi điện cho bà P.T.Đ (vợ cả của Sơn), rất may đúng lúc Sơn đang ở đó. Bà Đ. chuyển máy để Sơn nói chuyện với BCA. Thượng tá Nghĩa thuyết phục Sơn đầu thú và y đã đồng ý. “Tôi cho phép Sơn 3 ngày đi thăm bà con, anh em, sau đó lên Đà Lạt trình diện, với điều kiện phải luôn giữ số điện thoại liên lạc, và Sơn đã giữ đúng lời hứa” - thượng tá Nghĩa nói.

Đúng hẹn, sáng 19.6.2012, Sơn (lúc này 53 tuổi) có mặt tại trụ sở PC52. Câu đầu tiên Sơn thốt ra: “Tôi nghĩ có vay có trả, lúc này là lúc tôi phải trả”.

Thượng tá Nghĩa cho biết, Sơn nói rằng hơn 20 năm qua, ông ta ăn không ngon, ngủ không yên. Thời gian 10 năm sống trong tù Sơn cảm thấy an lòng hơn vì “trốn” được lệnh truy nã. Khi được tha trước hạn, ông ta lại sống trong thấp thỏm nên quyết định chuyển nhà vào rừng ở H.Đam Rông để “ẩn mình” nhưng vẫn không thoát.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.