“Tôi ghét bà!”. Chị Đ.Nghi (cán bộ ngân hàng) sững người khi nghe cô con gái 16 tuổi hét câu nói đó trước khi đóng sập cửa phòng. Học giỏi và lễ phép, con chị từng là niềm tự hào của gia đình. Chỉ vài tháng nay con chị bỗng dưng cộc tính, sức học tuột không phanh... Chị muốn đưa con tới phòng tham vấn tâm lý nhưng vì sợ người ngoài dị nghị nên tặc lưỡi cho qua. Chọn giải pháp đọc lén nhật ký của con và chị bị con phát hiện...
Sợ cho con đi khám
Con trai của chị P.Trinh (Q.3, TP.HCM) thường xuyên đánh nhau và ăn cắp vặt trong lớp dù gia đình thuộc hàng khá giả. Trò chuyện với con không ăn thua, dắt con tới phòng tham vấn được vài lần nhưng mọi chuyện cũng không thay đổi, chị với chồng đều lắc đầu, tự nhủ: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính!”.
|
Cả hai bạn trẻ này đều cho biết không nhận được sự đồng cảm của gia đình, khoảng cách giữa họ theo đó ngày một xa dần. Khi được hỏi vì sao không tìm tới phòng tham vấn tâm lý ở trường, hai bạn trẻ này đều chung câu trả lời: “Ở trường, những ai bước ra bước vô phòng này đều bị mọi người “soi” rất kỹ”.
Hầu hết tham vấn viên tâm lý đều cho rằng hai câu chuyện trên là thực trạng phổ biến. Chuyên viên tâm lý Huỳnh Thị Hoàng Oanh (Nhà Thiếu nhi TP.HCM) cho biết: “Phụ huynh thường e dè khi tìm đến các địa điểm tham vấn tâm lý vì chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc này. Bên cạnh đó phụ huynh thường nôn nóng, luôn muốn vấn đề được dứt điểm sớm”.
Theo bà Oanh, một số phụ huynh còn nhìn vấn đề ngắn hạn, khi thấy triệu chứng ở trẻ giảm là lập tức dừng quá trình trị liệu tâm lý. Một số khác thường chỉ đưa trẻ tới phòng khám khi các triệu chứng tâm lý đã rơi vào giai đoạn trầm trọng.
Do không được sự hỗ trợ từ cha mẹ nên nhiều trẻ chỉ dám liên lạc, nhờ tham vấn thông qua đường dây nóng hoặc hộp email của trung tâm dù nơi này luôn mở cửa các ngày trong tuần và hoàn toàn miễn phí. “Khách tới gặp trực tiếp hầu hết đều là phụ huynh và thường đi một mình”, bà Oanh cho biết.
Tương tự, ThS tâm lý Trần Thị Hồng Nhi (khoa tâm lý Bệnh viện FV TP.HCM) cũng cho rằng nhiều phụ huynh thường bỏ cuộc nửa chừng: “Một phần họ thiếu kiên nhẫn, phần do họ chưa có cơ hội được giải thích một cách đầy đủ, thuyết phục từ những nhà chuyên môn”.
Trẻ sẽ phát triển hơn nếu được quan tâm
Trẻ em thời đại ngày nay có mức phát triển tâm sinh lý nhanh, phức tạp hơn nhiều so với các thế hệ trước, đó là khẳng định của giáo sư tâm lý Neal Newfield (ĐH West Virginia, Hoa Kỳ). Theo ông, hoạt động tham vấn tâm lý cần được đặc biệt chú trọng bởi đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sẽ học, phát triển toàn diện hơn nếu có sự hỗ trợ về việc phát triển tâm lý. Thông qua ba năm kinh nghiệm tham vấn ở cả trường học lẫn trung tâm tham vấn, bà Oanh lại cho rằng: “Gốc rễ vấn đề vẫn là ở phụ huynh. Nếu phụ huynh không dành thời gian lắng nghe, san sẻ cùng trẻ thì trẻ sẽ tự tìm hiểu hoặc hỏi những người bạn cũng non vốn sống giống mình. Và nếu phụ huynh viện lý do quá bận rộn mà không thể hỗ trợ việc tham vấn thì chúng tôi cũng đành bó tay”.
Làm việc trong lĩnh vực tâm lý trên 25 năm (trong đó có bảy năm tại Việt Nam), giáo sư Neal nhận thấy việc hiểu tâm lý trẻ không chỉ khó khăn cho các bậc phụ huynh (vốn đã bận rộn với việc mưu sinh) mà cũng là thử thách lớn cho chính những người làm công tác chuyên môn. Ông cho rằng công nghệ đang kéo giãn khoảng cách giữa hai bên và việc hiểu trẻ để tư vấn trẻ đúng đắn đòi hỏi một nỗ lực lớn, liên tục từ nhiều phía. “Chỉ tới khi người lớn quan tâm, đầu tư nhiều hơn mảng tham vấn tâm lý thì chúng tôi nghĩ những điều đáng tiếc với giới trẻ mới được cải thiện”, ông khẳng định.
Lộ trình tham vấn tâm lý Thực chất không có một lộ trình tham vấn nhất định. Tuy nhiên dưới đây là một lộ trình tham khảo theo ThS tâm lý Trần Thị Hồng Nhi (Bệnh viện FV TP.HCM): Buổi khám đầu tiên: Được dành để tiếp trẻ và người yêu cầu khám (thường là phụ huynh) để lý do tới khám được nói ra trước mặt trẻ. Chuyên viên tâm lý lắng nghe phụ huynh nói về các triệu chứng, hành vi gây lo lắng, quá trình phát triển của thanh thiếu niên, quan hệ trong gia đình... Sau đó sẽ giải thích quy trình làm việc cho phụ huynh và phụ huynh sẽ được mời ra ngoài để trẻ cho ý kiến về nguyên nhân tới khám, bày tỏ ý kiến riêng. Khám tâm lý tổng hợp. Tùy thuộc nguyên nhân tới khám mà chuyên viên tâm lý có thể sử dụng một hoặc các công cụ làm việc khác nhau: phỏng vấn lâm sàng, trắc nghiệm trí tuệ, bảng hỏi, trắc nghiệm tình cảm, tranh vẽ, kể chuyện... Khám tâm lý có thể kéo dài từ 1-3 buổi/ 45 phút. Báo cáo kết quả: Chuyên viên tâm lý sẽ trả báo cáo về kết quả khám tâm lý, các khuyến nghị cho nhà trường, gia đình. Trị liệu tâm lý: Trong trường hợp có khó khăn thật sự (bệnh lý hay cường độ mạnh, kéo dài), trẻ sẽ được tiếp nhận tâm lý trị liệu (thông qua lời nói và các phương pháp trung gian khác mà không dùng thuốc). Tâm lý trị liệu có thể kéo dài từ hai buổi tới sáu tháng. |
Theo Công Nhật / Tuổi Trẻ
>> Chuẩn bị tâm lý cho trẻ sắp có em
>> Tư vấn tâm lý, học tập miễn phí
>> Tư vấn tâm lý và dạy võ miễn phí
>> Phải coi trọng tư vấn tâm lý học sinh
>> Học cách tư vấn tâm lý cho con
>> Tư vấn tâm lý: Nhu cầu chia sẻ trong xã hội hiện đại
Bình luận (0)