Hạ tầng yếu kém
Theo bà Võ Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế và đầu tư - VCCI Cần Thơ, tỷ lệ phân bổ FDI tại ĐBSCL có sự chênh lệch rất lớn: Long An với 33,4%, các tỉnh ven biển như Cà Mau 10,2%, Rạch Giá 33,7%... Ngược lại, các địa phương khác tỷ lệ này rất thấp: Mỹ Tho 4,8%, Cần Thơ 7,6%... Các địa phương có tỷ lệ thu hút FDI cao chủ yếu nhờ vào lợi thế lân cận TP.HCM, các tỉnh ven biển có tiềm năng về dầu khí… “Nghịch lý vùng ĐBSCL nằm trong khu vực có lợi thế về nông nghiệp nhưng lĩnh vực thu hút đầu tư thời gian qua lại là công nghiệp, bất động sản. Nông nghiệp chỉ đóng góp 22% vào mức tăng trưởng của khu vực này”, bà Hương chỉ ra.
|
Ông Phạm Thành Khôn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, thừa nhận thời gian qua kết quả thu hút đầu tư còn rất khiêm tốn, dù đến 95% nhà đầu tư (NĐT) vào địa phương này làm ăn hiệu quả, trong đó nhiều NĐT nước ngoài có tốc độ tăng trưởng từ 12-18%/năm. “Một điều chúng tôi luôn trăn trở là các loại hình dịch vụ, công nghiệp phụ trợ không riêng gì Vĩnh Long mà nhiều địa phương khác ở ĐBSCL rất thiếu vắng. Khi tiếp xúc các NĐT chúng tôi không chỉ giới thiệu về ưu đãi, thế mạnh mà quan tâm giới thiệu những mặt còn yếu, những thách thức mà NĐT sẽ phải đối mặt để họ tiên liệu trước khi quyết định đầu tư. Vĩnh Long còn nhiều yếu kém về hạ tầng, dịch vụ… Đầu tư vào Vĩnh Long chắc chắn sẽ gặp một số khó khăn nên chúng tôi lắng nghe, hỗ trợ NĐT giải quyết. Hỗ trợ sau đầu tư là ưu tiên chúng tôi đang chú ý”, ông Khôn thẳng thắn thừa nhận và chia sẻ.
Ở góc độ NĐT, ông Hà Xuân Anh, Công ty thời trang Sơn Việt - người nhiều năm gắn bó ở ĐBSCL, cho biết sức mua ở vùng này rất tốt, người dân rất chịu chi tiền mua sắm, thậm chí còn mua trước đến mùa trả sau. Một thị trường tiêu thụ rất lớn và nhiều tiềm năng nhưng doanh nghiệp (DN) lại khó khăn trong việc đưa hàng hóa tiếp cận người dân nông thôn, do hạ tầng giao thông yếu, thông tin đến người tiêu dùng hạn chế. Các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ DN rất yếu. “Tôi có người bạn đầu tư vào giáo dục tại Cần Thơ nhưng sau thời gian phải rút lui, do không có người học”, ông Anh kể.
Lo nguồn nhân lực
Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất ở ĐBSCL là nguồn lao động vừa thiếu vừa yếu. Ông Hà Xuân Anh cho biết: “Theo thống kê của chúng tôi, trong khi 54% lao động cả nước có trình độ THCS trở lên thì ở ĐBSCL chỉ là 27%, trình độ học vấn rất thấp. Tôi đã từng trực tiếp phỏng vấn nhiều ứng viên được đào tạo tại Cần Thơ, nhận thấy có sự chênh lệch về trình độ với ứng viên khác cùng trình độ được đào tạo tại Hà Nội, TP.HCM. Về tính kỷ luật của người lao động là vấn đề đau đầu. Có công nhân hôm nay làm bình thường, hôm sau có độ nhậu là nghỉ, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất. Chúng tôi có ý định chuyển nhà máy xuống Cần Thơ nhưng không huy động được lao động tại địa phương thì rất khó khăn”, ông Anh lo lắng.
Theo TS Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển quản trị Đại học Kinh tế TP, người lao động ĐBSCL vẫn đang đổ lên TP.HCM, còn nguồn lao động đào tạo tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu. “ĐBSCL có lợi thế về điều kiện tự nhiên - xã hội, thật sự là “đất lành” nhưng làm gì để “chim đậu”? Kêu gọi đầu tư, nhưng cái NĐT cần là môi trường đầu tư tốt và nguồn lao động có chất lượng lại đang thiếu. Cần phải đào tạo gắn với yêu cầu thực tế, xóa bỏ tư duy cục bộ để thu hút nhân tài, kể cả nguồn lực du học sinh VN ở nước ngoài, người tài nước ngoài. Nếu không làm được điều này, việc thu hút đầu tư vào khu vực này sẽ khó hiệu quả”, TS Lam cảnh báo.
Không có dự án kêu gọi đầu tư nguồn nhân lực Tỉnh Vĩnh Long đưa ra 31 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2012-2015 tổng vốn dự kiến khoảng 19.000 tỉ đồng. TP.Cần Thơ cũng đưa ra 10 dự án mời gọi đầu tư đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 760 triệu USD. Thế nhưng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của hai địa phương này không thấy dự án kêu gọi đầu tư đào tạo nguồn nhân lực. |
Hoàng Việt
>> Việt Nam - Campuchia thúc đẩy hợp tác đầu tư
>> Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hơn 2,2 tỉ USD vào Campuchia
>> Tiếp tục đầu tư mạnh mẽ và quyết liệt cho “tam nông”
>> Khuyến khích đầu tư bãi đậu xe ngầm
>> Tập đoàn nhà nước tự quyết dự án đầu tư, Bộ KH-ĐT không nắm
Bình luận (0)