Thật sự là như thế khi xét trên phương diện biểu tượng cho tiến trình cải cách chính trị ở nước này. Thực chất, chuyến thăm này là kiểu đi nước đôi của bà Suu Kyi lẫn chính giới các nước đến thăm.
Bà San Suu Kyi đến thăm Thụy Sĩ, Na Uy, Ireland, Anh và Pháp. Sự kiện trọng tâm của chuyến đi là nhận giải thưởng Nobel Hòa bình được quyết định trao cách đây 21 năm. Tại các điểm đến, bà đều phát biểu nhấn mạnh rằng tiến trình cải cách chính trị ở Myanmar chưa đến mức không thể bị đảo ngược. Bà kêu gọi bên ngoài hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại với Myanmar.
Bà Suu Kyi ý thức rõ về vị thế của bản thân trong chính sách của các nước đến thăm lẫn Myanmar. Bà đã tận dụng triệt để chuyến thăm này nhằm nâng cao vị thế ấy. Tuy nhiên, bà cũng không vì thế mà thể hiện quan điểm thái độ đối đầu với chính quyền Myanmar đương nhiệm. Cách ứng xử này có thể được rút ra từ quá khứ lẫn nhận thức về quan điểm thái độ của chính giới sở tại đối với chính quyền Myanmar đương nhiệm.
Họ đi nước đôi khi vừa đề cao bà Suu Kyi lại vừa không khiêu khích hay làm mất mặt Myanmar. Họ chơi con bài đối trọng nhưng trong sự lưu ý rằng hiện tại và cả tương lai gần vẫn phải quan hệ hợp tác với chính quyền Myanmar. Vì thế, chuyến thăm này của bà Suu Kyi thành công hay có ý nghĩa lịch sử hoàn toàn tùy thuộc vào góc độ nhìn nhận của các bên liên quan.
La Phù
Bình luận (0)