|
Giàu lên từ nấm
Năm 2003, trại nấm Dona bắt đầu ra đời tại TP.HCM với khoảng 10 trại. Chỉ sau một năm hoạt động, mô hình này đã thành doanh nghiệp với số vốn 3 tỉ đồng. Bà Trần Lê Thu Thảo, Giám đốc Công ty Dona, kể: “Thời điểm đó thị trường nấm trong nước gần như chưa có gì. Đội ngũ công nhân viên của công ty đã mày mò tìm tòi nghiên cứu và học hỏi để phát triển trại trồng nấm. Từ những phế phẩm bỏ đi, chúng tôi vừa nghiên cứu cách trồng nấm, vừa hướng dẫn nông dân tận dụng những phế phẩm này để nuôi heo rừng lai, nhím, trùn quế, ba ba và rau mầm nhằm mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay chúng tôi cung cấp được các loại nấm như: nấm bào ngư, linh chi, vân chi, hoàng chi, hắc chi, hầu thủ, đùi gà, trân châu, nấm ngọc, kim châm; cây ăn trái như bưởi da xanh, mận không hạt; nuôi nhím, ba ba, trùn quế, heo rừng lai và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân”.
Hiện nay Công ty Dona đã có khoảng 46 trại nấm tại Củ Chi và rất nhiều chi nhánh, đại lý trên cả nước.
Mô hình làm giàu từ nấm đã lan tỏa nhanh khắp các địa phương. Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản lượng nấm cả nước đạt khoảng 250.000 tấn nấm tươi/năm, trong đó khoảng 65.000 tấn nấm rơm, 120.000 tấn mộc nhĩ, 60.000 tấn nấm sò, 5.000 tấn nấm mỡ... nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh cho ngành sản xuất này với lợi nhuận thu được từ 400-500 triệu đồng/ha. Theo tính toán, nếu ủ 1.000 kg rơm rạ khô (tương đương 15 - 16 m3) trong thời gian 3 tháng (từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch) thì trung bình thu được 300 kg nấm mỡ tươi. Với giá trung bình hiện nay khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, người trồng nấm sẽ thu được hơn 150 triệu đồng. Trong thực tế, năng suất nấm mỡ thu hoạch có thể đạt 400 - 450 kg nấm tươi/tấn nguyên liệu và nông dân có thể tận thu 1 tấn phân hữu cơ để bón ruộng rất tốt. Các địa phương có số hộ dân trồng nấm lớn nhất ở phía nam phải kể đến Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai... với hàng ngàn hộ dân tham gia.
Mục tiêu xuất khẩu
|
Theo Cục Trồng trọt, năm 2011 kim ngạch xuất khẩu các loại nấm như nấm rơm, mộc nhĩ, nấm mỡ, nấm đùi gà vừa dưới dạng tươi lẫn đóng hộp đạt 90 triệu USD qua 31 thị trường khác nhau. Tuy nhiên, do thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu với số lượng lớn và cả nước chưa có một nhà máy chế biến nấm đạt tiêu chuẩn nên việc xuất khẩu nấm của Việt Nam vẫn còn thấp nếu so sánh với Hàn Quốc, Trung Quốc. Cục Trồng trọt cho biết, hiện những công ty sản xuất và xuất khẩu nấm lớn cũng mới có được 0,8 ha trồng nấm, còn lại chỉ ở mức trung bình là 0,4 ha. Còn những hộ gia đình trồng nấm tại các tỉnh phía nam chỉ vài chục mét vuông nên không có nguồn cung đủ lớn để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu với số lượng lớn, thời gian cung cấp hàng dài.
Ông Phạm Văn Dư - Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) - nhận định: “Giá xuất khẩu các loại nấm năm sau tăng hơn năm trước; nấm rơm muối chẳng hạn, giá xuất khẩu năm 2009 là 1.300 USD/tấn, đầu năm 2010 là 1.800 USD/tấn và hiện đang ở mức trên 2.000 USD/tấn. Đây là động lực để các doanh nghiệp đầu tư vốn, mở rộng diện tích trồng nấm, từ đó giúp Việt Nam sớm có một ngành công nghiệp sản xuất nấm phục vụ xuất khẩu trong những năm tới. Hiện mỗi năm ngành nông nghiệp thải ra khoảng 40 triệu tấn phế thải như rơm rạ, cùi bắp (lõi ngô), mùn cưa... và chỉ cần 15% trong số này dùng để trồng nấm thì Việt Nam có thể thu về khoảng 1 tỉ USD/năm”.
Theo ông Dư, hiện tại Bộ NN-PTNT đang soạn thảo đề án phát triển nấm đến năm 2020, trong đó, Bộ sẽ có các chính sách khuyến khích phát triển ngành này như tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật; kêu gọi hợp tác đầu tư, trao đổi nguồn giống và công nghệ chế biến; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất; hỗ trợ giống nấm cho các cơ sở sản xuất... Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 sản lượng nấm đạt 400.000 tấn, trong đó tiêu thụ nội địa 75% và xuất khẩu 25%, kim ngạch xuất khẩu nấm của Việt Nam sẽ ở mức 150 - 200 triệu USD. Đến năm 2020 sản lượng nấm sẽ tăng lên 1 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sẽ cân bằng ở mức 50-50.
Quang Thuần
Bình luận (0)