Bí thư huyện đối thoại với dân

01/07/2012 03:49 GMT+7

Ngày 29.6, hàng trăm người dân của 4 xã: Tân Mỹ, Tân Phú, Bình Tân, Phú Lợi (H.Thanh Bình, Đồng Tháp) đã đến trụ sở UBND xã Tân Mỹ tham gia đối thoại, chất vấn lãnh đạo H.Thanh Bình về những vấn đề bức xúc ở địa phương mình.

Bí thư huyện đối thoại với dân
Ông Đeo chất vấn khi nào đường Đốc Vàng mới được xây dựng - Ảnh: Thanh Dũng

"Nóng" chuyện xóm làng

 

329 cuộc đối thoại

Theo thống kê của Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2008 đến 2011, bí thư các cấp ủy ở 12 huyện, thị, thành đã tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với dân 329 cuộc, thu hút 15.834 lượt người dự, có 2.974 lượt ý kiến, góp ý, phản ánh. Có 2.663 ý kiến được trả lời trực tiếp tại buổi tiếp xúc, 311 ý kiến được cấp ủy và chính quyền trả lời bằng văn bản sau buổi tiếp xúc. Câu hỏi nào trả lời ngay, giải quyết được lãnh đạo sẽ giải đáp, cái nào vượt thẩm quyền thì ghi nhận lại báo cáo lên trên đề nghị hướng xử lý hoặc hứa trả lời ở buổi đối thoại sau.

Theo đánh giá của ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, qua 4 năm thực hiện, chủ trương Bí thư cấp ủy gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với dân đã được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Vì thế Tỉnh ủy sẽ duy trì mô hình Bí thư cấp ủy gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với dân.

Ngay sau khi ông Nguyễn Ngọc Nhã, Phó bí thư Huyện ủy Thanh Bình, trình bày tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, hội trường bắt đầu sôi động với hàng loạt câu hỏi "nóng". Ông Nguyễn Văn Đeo (ngụ ấp 1, xã Tân Mỹ) bức xúc hỏi: “Vì sao con đường Đốc Vàng bị treo tới giờ? Trước đó xã cho người chặt cây của dân làm đường sao nay chưa thấy đền bù? Khi nào làm xong con đường này cho người dân bớt khó khăn đi lại?”.

Ông Nguyễn Văn Mễ (ngụ xã Tân Phú) bức xúc về việc Trường THCS Tân Phú xuống cấp, không đủ phòng học; đồng thời đề nghị huyện xem xét đầu tư trường tiểu học và mẫu giáo ở ấp Tân Hòa B vì hiện nay khu vực này dân cư khá đông, đường sá đi lại khó khăn. Ông Phạm Minh Huệ (ngụ ấp 2, xã Tân Mỹ) băn khoăn trước thông tin nhiều nhà dân ven tuyến kinh Đốc Vàng sắp tới phải di dời, nếu đúng vậy thì có được đền bù không? Ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ ấp 2, xã Phú Lợi) "đòi nợ" chuyện cũ: UBND huyện hứa hỗ trợ cho xã 50% kinh phí xây cầu cho người dân đi lại nhưng sao chờ hoài không thấy?

Các ý kiến khác thì đề nghị di dời bãi rác Tân Phú (xã Tân Phú) để tránh gây ô nhiễm; đề nghị xây hệ thống thoát nước ở chợ Tân Phú vì hiện nay người dân đi lại khó khăn, buôn bán giảm sút trong mùa mưa… Những người chất vấn rất hài lòng khi nghe lãnh đạo huyện giải thích, giải đáp tường tận mọi thắc mắc… Kết thúc buổi đối thoại kéo dài hơn 2 giờ, ông Nhã đề nghị người dân, nếu có bức xúc gì về tư cách cán bộ, đảng viên mà ngại đưa ra trong buổi đối thoại trực tiếp, có thể viết giấy gửi đến Huyện ủy, để ông xem xét, giải quyết.

Nói đi đôi với làm

Trước đó, vào tháng 12.2007, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã tổ chức thí điểm mô hình cho Bí thư Huyện ủy 2 huyện Châu Thành, Tân Hồng gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, giáo viên, công chức, cán bộ hưu trí để lắng nghe tâm tư, bức xúc của dân. Qua các buổi đối thoại, các ý kiến phản ánh, bức xúc hay kiến nghị đều được giải đáp, những cái nào cần xác minh thì bí thư hứa trả lời bằng thư hoặc ở lần đối thoại sau, gây phấn khởi cho dân.

Sau đó lần lượt đến các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Thanh Bình cũng thí điểm tổ chức mô hình đối thoại với dân đến cấp xã. Do có nhiều kết quả thiết thực, nên Tỉnh ủy thống nhất duy trì các buổi đối thoại với dân ở 12 huyện, thị, thành phố, mỗi quý tổ chức 1 lần. Địa phương sẽ công bố thời gian đối thoại cho người dân hay trước một tuần. Nội dung các buổi tiếp xúc, đối thoại phong phú, thực tế; xoáy vào các vấn đề sát với người dân, như nông sản mất giá; đời sống khó khăn; chính sách đối với thanh niên; tình hình đạo đức, tác phong, nền nếp làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức…

Thanh Dũng

>> Chính quyền đối thoại với dân để giải quyết ô nhiễm
>> Khi Thủ tướng đối thoại với dân

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.