Điêu đứng vì “cò” xuất khẩu lao động

04/07/2012 03:34 GMT+7

Thời gian gần đây, “cò” xuất khẩu lao động (XKLĐ) len lỏi vào các xã vùng quê thuộc tỉnh Tây Ninh để chiêu dụ lao động (LĐ) đi nước ngoài bằng những lời hứa có cánh.

Điêu đứng vì “cò” xuất khẩu lao động
Chị V. (phải) về tới sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: Do nhân vật cung cấp

Nhiều gia đình đã lâm vào cảnh khốn đốn, cuộc sống đảo lộn bởi những giấc mộng xuất ngoại đổi đời không thành hiện thực. 

Đủ trò chiêu dụ

Ông D. (xã Ninh Điền, H.Châu Thành) là một trong số hơn chục LĐ từng có chuyến xuất ngoại sang Malaysia gần 1 năm. Mọi chuyện bắt đầu từ một người bạn (là hàng xóm) của ông D. cho hay có mối quen biết đi làm việc ở Malaysia nên rủ thêm nhiều LĐ sang đó làm. Người này hứa: “Qua đó được lựa chọn công việc phù hợp, ngày làm 8 tiếng, lương 400.000 - 500.000 đồng/ngày”.

Để có tiền làm thủ tục và “lệ phí” cho “cò”, mỗi LĐ không ngần ngại đi vay ngân hàng 30 triệu đồng (trong đó “cò” lấy 18 triệu đồng đặt vé, lo thủ tục; sau này ông D. mới biết giá vé thời điểm đó chỉ có 1,8 triệu đồng/vé). Thế nhưng, khi qua tới sân bay ở Malaysia, ông D. được người này giao lại cho một người khác rồi họ đưa ông vào làm tại một xưởng gỗ. Ông D. cùng các bạn từ VN sang làm 8 -10 tiếng/ngày nhưng mức lương không tới 200.000 đồng/ngày và chỉ được cho ăn trưa. Ông D. nghẹn ngào: “Với mức lương này mà còn phải ăn uống tự túc thì làm sao mà sống nổi ở nước ngoài huống chi là gửi về cho gia đình? Có lần tôi bị bệnh mà không đủ tiền mua nổi viên thuốc”.

Tương tự, tại xã Thành Long, H.Châu Thành (Tây Ninh), do là xã nằm gần sát biên giới Campuchia và thuận tiện sang Lào nên thời gian gần đây xuất hiện nhiều người LĐ được rủ vượt biên đi làm nông. Nhiều LĐ tại đây nghe nói có thể làm với mức lương gần 400.000 đồng/ngày công nên hăm hở đi. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, nhiều LĐ đã tự động kéo về bởi không có được những gì như “cò” hứa. 

Mất tiền đi, lại mất thêm tiền về

Mất 15 triệu đồng/người để lo thủ tục xuất cảnh, 4 tháng làm việc quần quật như khổ sai nhưng không được trả một đồng lương. Để được về nhà, mỗi LĐ lại phải nộp thêm tiền chuộc từ 22 - 35 triệu đồng/người… Đó là trường hợp của 15 LĐ bị lừa đi Trung Quốc tại H.Gò Dầu vừa qua (Báo Thanh Niên ngày 7.3 đã thông tin). Trong chuyến xuất ngoại này, gia đình bà Kim có 5 người gồm bà và 4 người con. Chuyến đi và về này gia đình bà bị mất trắng tổng cộng 152 triệu (đi 60 triệu, về 92 triệu).

Trong một lần tiếp xúc ngắn ngủi với chúng tôi, chị V. (ngụ xã Hòa Hội, H.Châu Thành, Tây Ninh), nghẹn ngào kể về hành trình đi XKLĐ lắm nỗi ê chề của mình. Chị được giới thiệu đi Maylaysia làm phục vụ cho một nhà hàng, thế nhưng khi đến đó chị mới biết mình được đưa đi bằng visa du lịch và công việc chính là nghề mát xa tại khách sạn.

Theo nhận định của một cán bộ Công an H.Gò Dầu (Tây Ninh), đằng sau vụ các LĐ bị lừa này là cả một đường dây “cò” được tổ chức chặt chẽ để chiêu dụ rồi đưa các LĐ đi làm việc.

Ông Nguyễn Văn Chủng, Chủ tịch UBND xã Thành Long, H.Châu Thành, Tây Ninh cho biết: “Trong xã có một vài trường hợp đi LĐ nước ngoài về trắng tay. Những trường này chủ yếu là đi LĐ chui hoặc bị “cò” lừa đảo. Nhiều trường hợp đi LĐ hợp pháp mới có tiền của gửi về cho gia đình".

Đi chính thức ít, đi "chui" thì nhiều

Theo bà Nguyễn Thị Hiếu, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Tây Ninh, số lượng người XKLĐ sinh sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh muốn đi nước ngoài làm việc đều phải thông qua Sở; tuy nhiên, số lượng này hằng năm rất ít. Theo nguồn số liệu thống kê chưa chính thức của Sở thì tính đầu năm 2012 đến nay, con số này chỉ dừng lại ở mức gần 50 lượt người đăng ký đi lao động nước ngoài, trong khi đó số LĐ đi nước ngoài "chui" cao hơn gấp nhiều lần.

Giang Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.