|
Sức mua yếu, DN lao đao
Giữa tháng trước, nhiều mặt hàng bình ổn thị trường điều chỉnh giảm giá theo thị trường. Theo đó, thịt gia súc, gia cầm giảm từ 2.000 - 5.000 đồng/kg so với giá trước. Các loại thịt, sườn, cốt - lết heo bình ổn thị trường của Công ty Vissan, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn… còn ở mức 70.000 đồng/kg đến dưới 90.000 đồng/kg, so với trên 100.000 đồng/kg, thậm chí có loại lên đến 130.000 đồng/kg ở thời điểm sốt giá. Tương tự, thịt gà, vịt bình ổn thị trường chỉ ở mức 54.000 - 56.000 đồng/kg, thấp hơn 3.000 đồng/kg so với đầu tháng 6. Theo các DN tham gia bình ổn, hàng bình ổn giảm giá trong trạng thái bị động. Trước đó, do hàng tiêu thụ chậm nên các DN chủ động khuyến mãi liên tục nhưng sức mua thị trường vẫn yếu. Nay do ảnh hưởng dịch heo tai xanh nên giá heo hơi trên thị trường giảm, thành ra thịt heo bình ổn thị trường cũng phải giảm theo.
Tương tự, DN bình ổn mặt hàng thịt gia cầm cũng gặp khó, do đầu ra tắc nhưng nguồn nguyên liệu nhiều nên rớt giá. Ông Châu Nhựt Trung, Tổng giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, than: “Các DN bình ổn thị trường đang đau đầu, bởi sức mua quá yếu. Dù hàng đã ở giá rất thấp nhưng vẫn không có người mua”. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cũng cho rằng mấu chốt ở ở sức mua quá yếu nên dù hàng có rẻ vẫn không tiêu thụ được. Điều này dẫn đến người chăn nuôi “chết”, do giá heo hơi hiện nay thấp, dưới giá thành chăn nuôi nên bỏ đàn, nguồn cung hàng cho DN sẽ bị động về lâu dài…
Nguy cơ khan hiếm hàng
Theo các DN bình ổn thị trường, giá heo hơi, gà lông đang tiếp tục rớt, người chăn nuôi lỗ nặng nhưng vì bí đầu ra nên DN cũng khó có thể thu mua nhiều. Ông Châu Nhựt Trung phân tích: hiện người chăn nuôi lỗ vốn triền miên nên bỏ đàn là đương nhiên. Điều này dẫn đến vài tháng sau hoặc tết Nguyên đán thị trường lại thiếu thịt gia súc, gia cầm, lại sốt giá, DN bình ổn hụt hơi để bình ổn thị trường. “Trong tình cảnh hiện nay, DN cũng khó trông cậy vào đâu được, chủ yếu vẫn dựa vào thực lực để giữ nguồn hàng từ các đơn vị liên kết chăn nuôi. Nếu bỏ rơi đối tác liên kết trong thời điểm này, họ bỏ chuồng, sau này không tiếp tục cung cấp hàng thì khó khăn gấp bội”, ông Trung nói.
Tương tự, ông Văn Đức Mười cũng cho rằng DN bình ổn gặp khó nhưng vẫn phải tìm cách vượt qua chứ khó có sự hỗ trợ nào khác. Trong khả năng của mình, Vissan đã có kế hoạch để giữ nguồn hàng từ các đơn vị liên kết, đảm bảo lượng hàng đưa ra thị trường đúng cam kết.
Đại diện Sở Tài chính TP.HCM nhìn nhận các DN bình ổn thị trường đang gặp khó khăn do không bán được hàng. Trước đây lo sợ lạm phát, nhưng hiện nay càng đáng lo hơn khi người dân không có tiền hoặc có tiền nhưng dè sẻn chi tiêu, thành ra sức mua quá yếu. Nhà nước cần có chính sách giúp người dân tăng chi tiêu thì thị trường mới có thể khởi sắc, hàng hóa nói chung và hàng bình ổn nói riêng mới tiêu thụ được. Tuy nhiên, đó là ở cấp vĩ mô, còn hiện tại DN phải cố gắng vượt qua khó khăn chứ không còn cách nào khác. “Điều lo lắng là sức mua vẫn yếu kéo dài, giá gia súc, gia cầm tiếp tục rớt trong khi chi phí chăn nuôi tăng, cùng với diễn biến dịch bệnh phức tạp nên người chăn nuôi lỗ nặng, bỏ đàn dẫn đến khả năng cuối năm có thể thịt gia súc, gia cầm ngoài thị trường sốt giá, các đơn vị bình ổn thị trường lại gặp khó khăn lần nữa”, một cán bộ Sở Tài chính nói.
Giá tăng cũng khổ Giữa tháng trước, mặt hàng trứng gia cầm bình ổn thị trường điều chỉnh tăng giá, cũng gây khó khăn cho DN. Cụ thể, trứng vịt tăng 1.500 đồng, lên 29.500 đồng/chục; trứng gà tăng 2.000 đồng, lên 22.500 đồng/chục so với trước. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt - đơn vị bình ổn mặt hàng trứng gia cầm, cho biết giá trứng tăng do nhu cầu tăng khi có thông tin dịch bệnh ở heo. Hơn nữa hiện nay vào mùa làm bánh trung thu, nhu cầu trứng gia cầm tăng nhưng trước đó không có đầu ra, giá trứng gia cầm rớt, người nuôi bỏ đàn, thành ra khan hiếm trứng gia cầm. |
Hoàng Việt
Bình luận (0)