Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 2: Thay đổi mô hình tăng trưởng

03/07/2012 03:37 GMT+7

Lạm phát vừa qua lại lo đối phó với suy giảm kinh tế; mục tiêu xuất khẩu nhưng sau 20 năm, vẫn nhập siêu; chiến lược công nghiệp hóa nhưng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên vật liệu bên ngoài... TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, nguyên nhân sâu xa là chúng ta "đắm chìm" quá lâu trong giai đoạn gia công.

>> Tìm lối ra cho kinh tế

 

Nhiều người "đàm tiếu" rằng, ngành mũi nhọn của ta như trái mít. Nghĩa là chi chít các mũi nhọn

Trong đề án tái cấu trúc kinh tế có nêu ra khá nhiều ngành mũi nhọn. Điểm lại trong suốt nhiều năm qua có thể thấy, rất nhiều ngành được chọn là kinh tế mũi nhọn đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thực sự có một "mũi nhọn" nào để cạnh tranh với thế giới, ông lý giải thế nào về nghịch lý này?

Đây không phải là vấn đề mới. Khái niệm ngành mũi nhọn trong chiến lược kinh tế của cả nước, của địa phương... đều được nêu ra. Nói nôm na, ngành nào có lợi thế, cạnh tranh được thì chúng ta coi là mũi nhọn. Đến mức, nhiều người "đàm tiếu" rằng, ngành mũi nhọn của ta như trái mít. Nghĩa là chi chít các mũi nhọn. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của ta khi xác định ngành mũi nhọn là mới chỉ nói ý chí, muốn làm cái gì mà quên mất một điều quan trọng là làm bằng cách nào, nguồn lực nào, ai làm. Từ kế hoạch 5 năm, 10 năm, tới đề án tái cấu trúc kinh tế hiện nay đều chưa làm rõ chúng ta sẽ phát triển ngành mũi nhọn bằng cách nào, với chính sách gì. Đó là nguyên nhân chúng ta chưa có "mũi nhọn" nào cả.

Việc xác định ngành mũi nhọn có ý nghĩa rất lớn trong việc đầu tư vốn, tạo cơ chế, chính sách để tạo đột phá cho ngành này. Theo ông, chúng ta có nên "chọn" lại một hay một vài ngành mũi nhọn để tập trung phát triển?

Đó là tư duy của nền kinh tế kế hoạch kiểu cũ. Chúng ta thường nghĩ đưa ra sản phẩm nọ, sản phẩm kia, ngành nọ, ngành kia rồi nhà nước làm. Nhưng trong một nền kinh tế thị trường, chủ thể thực thi là doanh nghiệp (DN). Họ chỉ làm những cái thị trường cần, những cái tạo lợi nhuận cho họ chứ không phải cái nhà nước muốn. Nhà nước cũng không thể bảo DN làm cái nọ cái kia. Chúng ta đang trả giá về nông nghiệp. Chúng ta thường quy hoạch trồng cây này, nuôi con kia và đưa người nông dân tới chỗ nghe theo làm, làm xong không có thị trường, cuối cùng họ lại chặt cây nọ, trồng cây kia, tạo sự bất ổn. Trong kinh tế thị trường, ý đồ chiến lược của nhà nước phải thể hiện qua chính sách và định chế. Để các chính sách này tác động lên thị trường, thị trường tự vận động và DN tìm thấy cơ hội của họ ở đó. 

Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam
Tăng cường sản xuất nguyên, vật liệu với tỷ lệ nội địa hóa cao. Trong ảnh: Nhà máy lắp ráp Ô tô Trường Hải

Nhưng thực tế cũng có nhiều ngành được hỗ trợ, ưu đãi về cơ chế, chính sách nhưng vẫn không thể đột phá, thưa ông?

Đó là do chúng ta đã duy trì quá lâu nền công nghiệp gia công, dựa trên giá trị gia tăng và nội địa hóa thấp nên càng xuất khẩu thì càng nhập siêu do phải nhập nguyên liệu. Hậu quả là sau 20 năm xây dựng, một loạt các ngành mũi nhọn đều tiêu điều. Đơn cử như chúng ta tập trung phát triển công nghiệp điện tử thì điện tử chết dở sống dở, chỉ gia công để sống; công nghiệp ô tô không thành công khi kêu gọi đầu tư nước ngoài; ngành cơ khí què quặt, không đủ sức trang bị cho nền kinh tế; thiếu tư duy phát triển công nghiệp hỗ trợ, không có chính sách khuyến khích xây dựng thương hiệu, sáng tạo ứng dụng công nghệ mới. Nói nôm na, trong quá trình công nghiệp hóa chia 4 giai đoạn nhưng chúng ta "đắm chìm" quá lâu trong giai đoạn đầu. Giai đoạn dựa vào nguyên liệu, vật liệu, công nghệ, thị trường bên ngoài để phát triển bên trong. Hay nói cách khác, nền kinh tế vẫn ở trong thời kỳ gia công chứ chưa chuyển sang giai đoạn sản xuất, giai đoạn tạo ra được linh kiện, phụ kiện để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với mô hình tăng trưởng này, theo ông, liệu chúng ta có thể thực hiện tái cơ cấu kinh tế?

Tôi khẳng định, muốn thực hiện mục tiêu tái cấu trúc kinh tế, phải đạt cho được, thay đổi cho được mô hình tăng trưởng hiện nay. Chúng ta không thể dựa vào khai thác tài nguyên thô, lao động rẻ, gia công, đẩy vốn ra để tăng trưởng mà phải làm ngược lại. Chúng ta phải chuyển cho được nền kinh tế từ gia công sang sản xuất. Nghĩa là giai đoạn sáng tạo một phần về công nghệ; phải sản xuất được nguyên liệu vật liệu với tỷ lệ nội địa hóa cao; những thương hiệu mang tên VN.

Cụ thể chúng ta phải làm gì để "chuyển" sang sản xuất như ông nói?

Phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Muốn làm được điều này, phải gắn liền với phát triển DN vừa và nhỏ chứ không phải các tập đoàn, kể cả tư nhân hay nhà nước. Phải có những chính sách thật mạnh để hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, tạo thành các cụm công nghiệp liên kết.

Chúng ta phải hình thành được hệ thống quan điểm rõ ràng, thể hiện bằng chính sách, đạo luật, định chế và phải "phân vai", nhà nước làm gì và tư nhân làm gì. Cái nhà nước làm hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển theo đúng mục tiêu nhà nước muốn. Ví dụ, ta có bờ biển dài, vậy VN có làm công nghiệp đóng tàu hay không? Theo tôi là nên làm dù thế giới chê và thừa nhưng không có nghĩa là VN không nên làm. Ít nhất là vận tải dọc ven biển và dọc sông ĐBSCL. Nhưng trong ngành đóng tàu thì nhà nước phải đầu tư cho nghiên cứu, công nghiệp hỗ trợ, hóa chất, điện tử... phải hình thành các cụm như vậy. Hay chiến lược của chúng ta là công nghiệp hóa thì phải phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Không có cơ khí, không thể công nghiệp hóa. Sau xác định ngành, sản phẩm thì đầu tư "phân vai", nhà nước làm gì và tư nhân làm gì, rồi chính sách phải đồng bộ để hỗ trợ cho ngành phát triển...

Với độ mở lớn, trong 4 năm vừa rồi, kinh tế VN chịu nhiều tác động tiêu cực từ kinh tế toàn cầu. Cộng với mô hình kinh tế bất cập dẫn tới những hệ quả nặng nề. Để xử lý, Chính phủ thường áp dụng biện pháp tình thế nên bao giờ cũng có tác động tích cực và tiêu cực. Gói kích cầu năm 1999 - 2000 phục hồi tăng trưởng thì gây lạm phát năm sau. Gói giải pháp giảm tổng cầu, ngăn chặn lạm phát năm 2011 thì gây suy giảm, trì trệ năm 2012...

Nguyên Khanh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.