Tuyển sinh ĐH, CĐ: Lần đầu tiên thí sinh thi khối A1

03/07/2012 03:55 GMT+7

* Báo Thanh Niên sẽ tặng bạn đọc phụ trương gợi ý bài giải các môn thi Hôm nay 3.7, thí sinh (TS) cả nước dự thi đợt 1 sẽ đến trường làm thủ tục đăng ký dự thi (ĐKDT). Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thi khối A1 bên cạnh khối A.

* Báo Thanh Niên sẽ tặng bạn đọc phụ trương gợi ý bài giải các môn thi

Hôm nay 3.7, thí sinh (TS) cả nước dự thi đợt 1 sẽ đến trường làm thủ tục đăng ký dự thi (ĐKDT). Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thi khối A1 bên cạnh khối A.

Tiếng Anh khối A1 nhẹ nhàng hơn khối D1

Tặng phụ trương gợi ý bài giải các môn thi

Trong cả 3 đợt thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ, Báo Thanh Niên sẽ kèm phụ trương gợi ý bài giải các môn thi để tặng bạn đọc. Sau khi kết thúc mỗi đợt thi, báo đăng đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT. Ngay sau mỗi môn thi, gợi ý bài giải sẽ đăng ngay trên Thanh Niên Online tại địa chỉ www.thanhnien.com.vn. Ngoài ra, trên phụ trương còn có phần nhận xét đề cũng như dự đoán điểm chuẩn, khả năng trúng tuyển... của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm.

Theo thống kê của Bộ, đợt 1 có tổng số 715.366 hồ sơ ĐKDT trong đó khối A: 640.954, khối A1: 74.412. TS thi khối A1 với các môn toán, lý, tiếng Anh. Trao đổi cùng PV Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “TS sẽ thi môn toán, lý cùng với đề thi khối A. Sau đó sẽ dự thi môn tiếng Anh cùng thời gian TS khối A thi môn hóa. Đề thi môn tiếng Anh khối A1 sẽ nhẹ nhàng hơn đề thi của khối D1’’.

Năm nay tổng số hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ là 1.812.592, trong đó, ĐH: 1.358.381 (tỷ lệ 75%), CĐ: 454.211 (tỷ lệ 25%). So với năm 2011, tỷ lệ hồ sơ ĐKDT giảm 7,74% (trong đó: ĐH giảm 7,71%, CĐ giảm 7,83%). Cũng theo thống kê có 30,44% TS ĐKDT vào nhóm ngành kinh doanh và quản lý; 4,43% ngành khoa học nhân văn; 2,93% ngành nông, lâm, thủy sản. Những ngành có số lượng TS ĐKDT thấp dưới 1% là: nghệ thuật, báo chí, toán và thống kê, khách sạn, thể dục, thể thao.

Tránh phạm lỗi đáng tiếc

Dù được phổ biến rõ quy chế trước ngày thi nhưng mỗi năm vẫn có hàng ngàn TS sai phạm, dẫn đến mất cơ hội trúng tuyển một cách cố tình hoặc vô ý.

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Tài chính - Marketing, nhận định: “Thực tế kinh nghiệm các kỳ thi mỗi năm, lượng TS vi phạm quy chế rất nhiều. Trong đó, có nhiều lỗi từ sự sơ suất. Chẳng hạn khi sử dụng máy tính trong phòng thi, ở phần dưới nắp đậy của máy tính, TS thường dán các công thức tính toán để thuận tiện trong quá trình học bài trên lớp. Tuy nhiên khi mang vào phòng thi, TS vô tình đã vi phạm quy chế: mang tài liệu vào phòng thi”.

Về cách thức làm bài, thạc sĩ Tuấn khuyên: “TS phải ghi đầy đủ số báo danh cả phần chữ và số vào giấy thi, nhất thiết phải yêu cầu cả hai cán bộ coi thi ký và ghi rõ họ tên vào giấy thi. Đặc biệt, ở bài thi trắc nghiệm phần phiếu trả lời có sẵn 6 ô trống để TS điền số báo danh. Tuy nhiên thông thường tối đa số báo danh chỉ có 5 chữ số, nên khi ghi phải ghi thêm số 0 trước các ô trống để ghi số báo danh phía cuối, bởi nếu ghi số báo danh trước mà chừa ô trống sau thì máy chấm sẽ hiểu sai về số báo danh của TS”. Cũng theo thạc sĩ Tuấn: “TS không được để bài thi bị nhàu nát cũng như làm ký hiệu riêng, không được làm bài bằng 2 thứ mực, mực đỏ, bút chì, trừ khi hình tròn vẽ bằng compa bằng bút chì. Với các phần làm sai, muốn làm lại phải dùng thước gạch chéo, không được dùng bút xóa. Đặc biệt, khi tô đáp án trong bài trắc nghiệm phải chú ý đúng kỹ thuật để không bị mất điểm oan”.

Cũng theo quy chế, TS không được trao đổi bài và cho bạn nhìn bài, khi cần trao đổi với giám thị, phải công khai. Trong trường hợp không làm được bài, cũng phải nộp giấy thi; chỉ được phép ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau 2/3 thời gian làm bài.

Tuyển sinh ĐH, CĐ: Lần đầu tiên thí sinh thi khối A1
Sáng hôm qua (2.7), rất đông phụ huynh và TS vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) cầu mong một mùa thi thành công - Ảnh: Ngọc Thắng

Làm gì khi mất giấy báo dự thi ?

Do giấy báo dự thi được gửi qua bưu điện nên đôi khi tới cận ngày thi TS vẫn không nhận được giấy báo. Trong trường hợp này, ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT khuyên: “TS cần chủ động liên hệ với nơi nộp giấy báo dự thi hoặc với trường thi để được cấp giấy báo kịp thời đi thi. Cũng có những trường hợp trên đường đi thi bị mất đồ, không có giấy tờ tùy thân. Khi đó, TS đừng bối rối mà cứ mạnh dạn đến điểm thi, liên hệ với hội đồng thi để được tạo điều kiện dự thi bằng cách cấp giấy báo tại chỗ, hoặc chụp ảnh, lăn tay, viết giấy cam đoan”.

Tiến sĩ Phan Ngọc Minh - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng lưu ý: “TS phải có mặt tại điểm thi đúng ngày giờ quy định, nhiều em do chủ quan nên đến chậm quá 15 phút sau khi đã bóc đề thi là không được dự thi. Dù thi lần đầu hay nhiều lần, TS vẫn nên đến điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi để làm quen với điểm thi, tránh lạc đường, nghe đầy đủ thông tin về quy chế thi. Đây là cơ hội cuối cùng để điều chỉnh các sai sót về thông tin cá nhân nếu có”.

Đặc biệt năm nay do Quy chế tuyển sinh có rất nhiều điều thay đổi nên cần phải có mặt trong ngày làm thủ tục dự thi. Trong các ngày thi, TS phải có mặt ở phòng thi trước 6 giờ 30. Thời gian làm bài thi tự luận 180 phút, bài thi trắc nghiệm 90 phút.

Nhiều thí sinh bị mất giấy tờ thi

Lãnh đạo nhiều trường ĐH cho biết những ngày qua có không ít TS bị giật túi xách, mất hết giấy tờ thi.

Sáng 2.7, theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, trường tiếp nhận một TS bị mất túi xách, mất cả giấy tờ tùy thân, giấy báo thi. Trường đã tiến hành kiểm tra, đối chiếu và làm lại giấy báo dự thi. Cho đến ngày hôm qua vẫn còn nhiều TS thất lạc giấy báo thi, trường cũng đã chỉnh sửa cho hơn 200 trường hợp sai sót giấy báo thi.

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp - Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Sài Gòn, cho biết cũng có một số trường hợp TS bị giật mất toàn bộ giấy tờ đến trình bày với bộ phận tuyển sinh và đã được trường cấp lại giấy báo thi. Tại ĐH Sư phạm TP.HCM, đa số TS phải chỉnh sửa lại giấy báo thi vì nhầm lẫn giữa khối A và A1. Song song với việc chỉnh sửa giấy báo thi, trường còn phải sắp xếp lại địa điểm dự thi để TS đến thi theo đúng khối thi.

Trưa 2.7, anh Lê Văn Tí - tài xế xe buýt biển số 53N 4271 chạy tuyến số 8 (từ ĐH Quốc gia TP.HCM đến Bến xe Q.8) đã nhặt được một số giấy tờ của TS Hồ Thị Châu (ngụ H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bỏ quên trên xe. Trong đó, có 3 giấy báo dự thi vào các trường: ĐH Tài chính - Marketing; Luật; CĐ Kinh tế đối ngoại. Hiện các giấy tờ trên đã chuyển giao cho anh Hoàng Đức Hóa (điện thoại: 01689541084) - Đội trưởng đội sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi tại ngã ba 621, Q.Thủ Đức, TP.HCM.

Đăng Nguyên - N.Lịch

Vũ Thơ - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.