|
Đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo TP.Móng Cái phải kiểm điểm nghiêm túc, xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc quản lý đất đai, quản lý địa bàn, để xảy ra việc xây dựng Nhà máy chế biến wolfram trong thời gian dài mà không phát hiện, xử lý kịp thời.
Với dự án chế biến tinh bột wolfram xuất khẩu tại H.Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh sẽ yêu cầu kiểm tra, báo cáo chi tiết về thành phần quặng đầu vào, chất thải, phương pháp xử lý chất thải. “Chúng tôi sẽ yêu cầu kiểm tra thật kỹ các yếu tố nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nếu không đảm bảo sẽ không cho xây dựng nhà máy”, vị lãnh đạo này khẳng định.
Trong khi đó, Giáo sư - tiến sĩ Phùng Viết Ngư, Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật đúc và luyện kim Việt Nam khẳng định: "Chế biến quặng wolfram rất độc hại".
“Sau khi Việt Nam có chính sách cấm xuất quặng thô thì nhiều doanh nhân Trung Quốc đã đưa các nhà máy lạc hậu ở Trung Quốc sang Việt Nam gọi là chế biến sâu nhưng thực chất chỉ là sơ chế từ quặng ra bán thành phẩm rồi xuất về Trung Quốc. Cách làm này vừa để lách luật nhằm mua nguyên liệu quý từ Việt Nam, vừa đẩy được nguy cơ ô nhiễm môi trường cho nước ta”, ông Phùng Viết Ngư nói.
Còn nếu trong trường hợp nguồn quặng của các nhà máy do người Trung Quốc đầu tư ở Quảng Ninh là nhập khẩu từ nước khác, sản phẩm sản xuất ra cũng xuất khẩu 100% thì chúng ta phải gánh chịu toàn bộ nguy cơ ô nhiễm môi trường, hao phí điện năng giá rẻ. “Do đó, không thể vì việc làm cho vài trăm lao động và một ít tiền thuế mà chấp nhận biến đất nước chúng ta thành một công xưởng gia công công nghiệp bẩn cho nước ngoài”, ông Ngư khẳng định.
Theo Giáo sư Phùng Viết Ngư, quá trình luyện wolfram, dù là làm theo công nghệ nào thì cũng phải hòa tan quặng wolfram trong dung dịch để phân tách, loại bỏ tạp chất nhằm lấy wolfram nguyên chất. Trong đa số các loại quặng wolfram, ngoài thành phần mangan, sắt... còn có một chất rất nguy hiểm là asen (hay còn gọi là thạch tín). Asen sẽ hòa tan vào dung dịch, hòa tan trong nước thải, khi đổ ra sông suối sẽ ngấm xuống đất, làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Nếu với nồng độ cao có thể khiến thủy sinh vật chết, con người có nguy cơ bị ung thư cao.
Káp Long - Lê Quân
Bình luận (0)