Nếu ở phái nam, đau ngực là biểu hiện thường gặp của bệnh lý tim mạch thì với phái nữ, các triệu chứng đau tim phổ biến chỉ là cảm giác khó chịu ở ngực, vai, phần lưng hoặc bụng, thở ngắn, buồn nôn hoặc ói mửa, ra mồ hôi, hoa mắt hoặc chóng mặt, mệt mỏi không thường xuyên. Nếu các bạn nữ gặp những triệu chứng trên nên nghĩ rằng có thể đang bị đau tim.
Bên cạnh các nguy cơ dẫn đến đau tim như phái nam (cholesterol cao, huyết áp cao, béo phì) phái nữ còn có thêm các nguy cơ khác.
Chẳng hạn, khi mang thai, phụ nữ phải đối mặt với nhiều biến chứng (tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ hoặc cao huyết áp); hội chứng chuyển hóa sau tuổi mãn kinh (sự kết hợp của béo phì vòng bụng, huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và tăng triglyceride trong máu) ở phụ nữ thường gặp hơn nam giới; tinh thần căng thẳng (stress) và trầm cảm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của phụ nữ nhiều hơn nam giới; mức estrogen thấp sau khi mãn kinh gây ra một yếu tố nguy cơ quan trọng cho phát triển bệnh tim mạch do tổn thương mạch máu nhỏ và tình trạng thuyên tắc mạch; bệnh lý do rối loạn hoạt động của hệ thống miễn dịch (viêm khớp dạng thấp hay Lupus ban đỏ rất thường gặp ở phái nữ hiện đã được xem là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch)...
Dễ mắc bệnh tim hơn phái nam nhưng phái nữ vẫn hoàn toàn có thể chủ động giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách:
- Tập thể dục vừa phải như đi bộ với tốc độ nhanh, từ 30 đến 60 phút hầu hết các ngày trong tuần. Nếu không có thời gian có thể chia nhỏ số lần tập khoảng 10-15 phút/lần, sao cho tổng thời gian luyện tập khoảng 30-60 phút/ngày; cũng có thể làm tăng hoạt động thể chất bằng cách đi cầu thang bộ, đi bộ hoặc đi xe đạp đến nơi làm việc.
- Duy trì trọng lượng lý tưởng cơ thể hợp lý và vòng bụng không quá 80 cm; chế độ ăn uống ít cholesterol, chất béo bão hòa và muối.
- Cần dùng các thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ như: thuốc huyết áp, thuốc ức chế kết tụ tiểu cầu, thuốc kháng đông máu và aspirin. Cũng cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ bệnh tim, chẳng hạn như huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh đái tháo đường.
Theo ThS-BS Phan Hữu Phước / Người Lao Động
(Phòng khám Lão khoa MedVie - TPHCM)
>> Mãn kinh trước 46 tuổi, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao
>> Nguy cơ bệnh tim mạch từ ăn kiêng
>> Ăn hạt giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch
>> Giảm bệnh tim mạch nhờ gia vị
>> Bệnh tim mạch đe dọa phụ nữ trung niên
Bình luận (0)