(TNO) Có khá nhiều khán giả trong hầu hết các gameshow, talkshow, chương trình truyền hình là được… thuê. Nhiệm vụ của họ là cổ vũ, hoạt náo, "làm màu" cho chương trình thêm sinh động.
Trong vai một khán giả, PV Thanh Niên Online đã có những trải nghiệm thú vị với công việc này.
Cười thật tươi và vỗ tay thật to
Tôi được một người quen là sinh viên ngành Báo chí - Truyền thông rủ rê: “Đi làm khán giả thuê không? Vừa được lên truyền hình, vừa có tiền!”. Công việc có vẻ nhẹ nhàng lại hấp dẫn như thế thì thật khó bỏ qua.
Tôi cùng khoảng 30 sinh viên háo hức tìm đến Đài truyền hình TP.HCM (Q.1, TP.HCM) để ghi hình một chương trình tư vấn sức khỏe phát sóng hằng tuần trên HTV7.
Sau một khoảng thời gian khá lâu để chờ ê kíp làm chương trình lắp đặt máy móc, cuối cùng chúng tôi cũng được bắt đầu những công việc đầu tiên là: cười thật tươi, vỗ tay thật to, với những gương mặt phải tỏ ra thật thích thú.
Thế nhưng, thực chất thì lúc đó chương trình vẫn chưa diễn ra, chúng tôi chỉ “diễn” để ghi hình trước. Những hình ảnh này sau đó sẽ được cắt, dựng để sử dụng xen kẽ trong chương trình khi phát sóng.
Người hướng dẫn khán giả cũng “nhá hàng” trước những “tín hiệu” để vỗ tay trong suốt chương trình, khi MC dừng ở từ nào, diễn giả nói dứt câu nào. Trong trường hợp MC hay diễn giả nói sai, thì tất cả khán giả đương nhiên cũng phải “diễn” lại để ghi hình lại.
|
Buổi ghi hình tôi tham dự hôm đó kéo dài hơn một giờ đồng hồ, nhưng ai cũng ráng giữ dáng ngồi chỉn chu để mình thật đẹp khi lên hình, dù máy quay chẳng mấy khi... hướng về phía khán giả.
Ghi hình xong một số, chúng tôi được giữ lại để tiếp tục ghi hình cho số tiếp theo. Việc này được “làm mới” bằng cách thay đổi vị trí ngồi để khi lên hình đỡ bị phát hiện là một khán giả tham dự chương trình đến hai lần, trong hai tuần liền với cùng một bộ trang phục.
Đây là một trong những “chiêu” của nhà đài để tiết kiệm thời gian và nhân lực. Công việc làm khán giả của buổi sáng hôm đó đã mang về cho chúng tôi mỗi người 60.000 đồng/hai số.
Một sinh viên khều tôi, bảo: “Mất toi buổi sáng đi xe buýt từ Thủ Đức lên đây nhưng bù lại có những chuyện “hậu trường” giờ mới biết. Từ nay xem các chương trình truyền hình em sẽ ráng để ý đến… khán giả xem một khuôn mặt lên mấy số và có ai quen không”.
Sức hút của “nghề”
Trên đường về, tôi bắt chuyện với M.T., một sinh viên chuyên đi “săn” việc làm khán giả cho các chương trình. Theo T., đối với sinh viên thì đây có thể coi là một công việc bán thời gian có thu nhập vừa phải mà lại nhàn hạ.
“Sinh viên thường sôi động hơn những người làm nội trợ, công nhân viên nên thường được chọn làm khán giả. Nhưng cũng phải tùy chương trình và không thể xuất hiện quá thường xuyên vì sẽ bị quen mặt”, sinh viên này nói.
M.T. cũng tiết lộ, nếu ghi hình từ sáng đến chiều thì khán giả được khoảng 90.000-150.000 đồng tùy theo độ “cực khổ”. Vì không chỉ vỗ tay, có chương trình còn yêu cầu khán giả phải hò hét hoặc xung phong lên chơi trò chơi.
Cũng có nhiều chương trình, nhiệm vụ của khán giả không chỉ đến xem mà còn phải cổ vũ, khuấy động theo yêu cầu. Tuy nhiên, tùy chương trình, có khi người tham gia không được trả tiền mà lợi ích duy nhất là họ có cơ hội xem trực tiếp các gameshow, chương trình ca nhạc.
|
Tiếp tục đóng vai một khán giả cần… việc, tôi được một người bạn giới thiệu đến hội Fan Việt do anh Quốc Cường làm chủ nhiệm.
Tôi gặp anh Cường ngỏ ý xin tham gia hội. Anh nhìn tôi dò xét rồi đưa ra một loạt quy định: “Muốn tham gia, quan trọng là em phải “sung”, luôn nhiệt tình, đồng thời phải tôn trọng, quan tâm đến người đồng hành, và đặc biệt là không được trễ giờ”.
|
Show đầu tiên tôi được giao là làm khán giả cho chương trình Ngôi nhà âm nhạc (phát sóng trực tiếp vào thứ sáu hằng tuần trên HTV7) mà không có “tiền cát sê”.
20 giờ 30 phút mới ghi hình, nhưng chúng tôi phải có mặt trước một tiếng, tập trung xếp hàng đi vào trong theo chỉ dẫn của anh Cường và người dẫn đầu mỗi nhóm.
Trong chương trình này, có khoảng 200 người khán giả, chia thành bốn nhóm, “đóng quân” ở các vị trí khác nhau trong khán đài.
Chúng tôi xếp hàng vào trong mà không cần vé vì được nằm trong “suất” khán giả mà anh Cường đã thỏa thuận trước với ban tổ chức. Ai đến trễ hoặc mất tập trung khi xếp hàng sẽ bị trưởng nhóm khiển trách.
|
Khán giả của chương trình này khá đa dạng với nhiều lứa tuổi, vì ngoài các thành viên trong hội Fan Việt, ban điều hành hội còn huy động thêm bạn bè, người quen.
Sau khi vào trong ổn định chỗ ngồi, chúng tôi được phát dụng cụ hỗ trợ cổ động. Đó là hai chiếc gậy làm bằng xốp, khi vỗ chúng vào nhau sẽ phát ra những tiếng kêu rất to.
Không phải chờ lâu để được thử sức với “vũ khí” mới mẻ này, Cường hò hét kêu gọi mọi người reo hò, vỗ gậy để “làm nóng” trước khi chương trình bắt đầu.
Hào hứng là thế, nhưng đến khi nhập cuộc, tôi mới biết làm khán giả trong một cuộc thi ca nhạc không hề đơn giản. Trong mỗi phần thi ca hát hay nhảy múa của thí sinh, chúng tôi đều phải vỗ hoặc quơ gậy theo nhịp điệu liên tục, mỏi tay đến rã rời.
Thấy tôi thấm mệt, “thủ lĩnh” nhóm tôi ra chiều thông cảm: “Chị thử vừa vỗ vừa lắc lư theo nhạc đi, sẽ đỡ mệt hơn đó”.
Tôi làm theo và bắt đầu cảm nhận được sự say mê kỳ lạ của những bạn trẻ này. Dù không được trả tiền nhưng họ đã cổ vũ liên tục không mệt mỏi. Điều này khiến tôi tò mò và bắt tay vào tìm hiểu về hội Fan Việt. (còn tiếp).
Thiên Hương
>> Chương trình truyền hình mới cho giới trẻ
>> Chương trình truyền hình thực tế "Ước mơ của em
>> “Thẻ hành nghề” của nghệ sĩ chính là khán giả
>> Khán giả đội mưa "phiêu" cùng Võ Trọng Phúc
>> “Dụ” khán giả yêu hát ru
Bình luận (0)