Hồ Đan Kia - Suối Vàng bị xâm hại và ô nhiễm nghiêm trọng

07/07/2012 21:48 GMT+7

(TNO) Hồ Đan Kia - Suối Vàng thuộc địa bàn xã Lát, H.Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) với nhiệm vụ cung cấp mỗi ngày cho TP.Đà Lạt khoảng 30.000 m3 nước sinh hoạt đang bị xâm hại và ô nhiễm nghiêm trọng.

(TNO) Hồ Đan Kia - Suối Vàng thuộc địa bàn xã Lát, H.Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) với nhiệm vụ cung cấp mỗi ngày cho TP.Đà Lạt khoảng 30.000 m3 nước sinh hoạt đang bị xâm hại và ô nhiễm nghiêm trọng. 

Hồ Đan Kia được xây dựng năm 1942, ban đầu có diện tích khoảng 245 ha với dung tích 21 triệu m3, nhằm phục vụ cho nhà máy thủy điện Ankroet.

Đến năm 1984, được sự giúp đỡ của Vương quốc Đan Mạch, nhà máy nước Đan Kia đi vào vận hành, cung cấp cho thành phố du lịch Đà Lạt khoảng 18.000 m3/ngày, sau đó công suất được nâng lên 27.000 m3/ngày.

 Hồ Đan Kia - Suối Vàng bị xâm hại và ô nhiễm
Rác thải trong lòng hồ Đan Kia - Suối Vàng - Ảnh: Lâm Viên

Từ năm 2011, nhà máy nước Đan Kia 2 (công suất 30.000 m3/ngày) do Công ty Gelexim (TP.HCM) đầu tư đi vào hoạt động kinh doanh.

Hiện nay, cả ba đơn vị trên cùng khai thác nguồn nước của hồ. Thế nhưng, hàng chục năm qua, việc quản lý lòng hồ Đan Kia - Suối Vàng bị “bỏ quên”, dẫn đến tình trạng lòng hồ bị người dân xâm lấn, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Sau những đợt mưa lũ, bùn đất cũng như rác thải nông nghiệp từ các ngọn đồi, nhánh suối từ thị trấn Lạc Dương, Phước Thành (TP.Đà Lạt) cuồn cuộn tuôn vào hồ.

Cách trạm bơm của Nhà máy Đan Kia 2 khoảng 100 mét, người ta có thể thấy chai lọ, bao bì thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật trôi dạt. Cạnh đó, xung quanh hồ cũng đầy rác thải.

Một cán bộ tại công ty cấp thoát nước Lâm Đồng cho biết, do người dân khai hoang đất quanh lưu vực hồ Đan Kia để canh tác nông nghiệp nên đã dẫn đến tình trạng bồi lắng và ô nhiễm nguồn nước ngày càng nặng.

Cuối thôn Đan Kia, bên cạnh sự bồi lắng “tự nhiên”, người dân còn đổ đất đỏ để san lấp mặt hồ. “Hơn 20 năm trước, mỗi lần đi công tác qua khu vực này phải chèo xuồng qua hồ Đan Kia, nay người dân chia lô canh tác cả rồi”, một cán bộ công tác lâu năm ở H.Lạc Dương nói.

Cuối tháng 4.2012, UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý để công ty cấp thoát nước Lâm Đồng thành lập đội quản lý lòng hồ Đan Kia. Một trong những nhiệm vụ mà đội được giao là lập lại hồ sơ, đập nước đã bị thất lạc; lập kế hoạch hành động khẩn cấp theo quy định của nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Thiều, phụ trách đội quản lý lòng hồ Đan Kia cho biết: “Chúng tôi đã liên hệ các cơ quan chức năng từ huyện tới tỉnh, nhưng không tìm được hồ sơ về hồ Đan Kia - Suối Vàng, nên không biết diện tích lòng hồ hiện tại rộng bao nhiêu ha. Sắp tới, đội sẽ tiến hành khảo sát, đo đạc lại toàn bộ để có biện pháp bảo vệ lòng hồ tốt nhất”.

Lâm Viên

>> Đề nghị trục xuất doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
>> Ô nhiễm môi trường làm gia tăng bệnh hen
>> Kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
>> Phú Quốc: Báo động ô nhiễm môi trường từ chất thải
>> Xử phạt 5 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
>> DN chế biến mủ cao su lại gây ô nhiễm môi trường
>> Phạt 12 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
>> “Khát nước” và ô nhiễm môi trường
>> Dự án nhà máy xử lý phế thải nix bị “treo”: Đe dọa ô nhiễm môi trường
>> Ô nhiễm môi trường ở vùng lũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.